Chủ động ứng phó thiên tai

24/05/2020 | 11:39 GMT+7

Trước dự báo về tình hình mùa mưa, bão sắp tới đây sẽ diễn biến cực đoan và khó lường, ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương đang xây dựng nhiều giải pháp để chủ động ứng phó ngay thời điểm giao mùa như hiện nay.

Người dân chủ động đốn những cây có tán rộng xung quanh nhà nhằm đề phòng bị đổ ngã khi có giông lốc.

Nhiều thách thức đặt ra

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm sẽ xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Đặc biệt lưu ý là mùa mưa năm nay những cơn bão và ATNĐ có khả năng tập trung nhiều ở khu vực Trung bộ và phía Nam vào những tháng cuối năm; trong đó bão mạnh có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với năm 2019. Đối với tình hình lũ tại khu vực ĐBSCL sẽ xuất hiện muộn và ở mức báo động 1-2. Tại tỉnh Hậu Giang, thời gian chuyển giao giữa mùa khô sang mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 này và thời kỳ bắt đầu mùa mưa vào khoảng giữa tháng 6 tới. Dự báo, mùa mưa năm nay trên địa bàn tỉnh sẽ kết thúc vào khoảng giữa tháng 11, tổng lượng mưa dao động từ 1.250-1.450mm. Mực nước trên hệ thống kênh, rạch trong tỉnh biến đổi theo triều, trong đó từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 11 sẽ xuất hiện lũ và đỉnh lũ năm nay được dự báo xuất hiện vào đầu đến giữa tháng 10, với mức xấp xỉ và cao hơn so với cùng kỳ.

Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Hậu Giang, cho hay: Thông thường, mùa khô năm nào có thời tiết nắng nóng và xâm nhập mặn gay gắt kéo dài thì khi xuất hiện mưa đầu mùa thường kèm theo giông lốc, sấm sét với cường độ lớn cục bộ. Mặt khác, các đợt triều cường cuối năm do trùng với thời gian gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh nên mực nước thủy triều có thể dâng cao bất thường và diễn biến phức tạp.

Ngoài những mối quan ngại trên thì tình hình sạt lở bờ sông cũng là nỗi lo không nhỏ hiện nay cho người dân và ngành chức năng của tỉnh Hậu Giang. Bởi, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 12 điểm sạt lở bờ sông với tổng chiều dài 257m, diện tích mất đất 1.031m2, ước thiệt hại 677 triệu đồng. Không riêng gì tỉnh Hậu Giang mà tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển, lún sụt còn xảy ra nhiều nơi tại các tỉnh vùng ĐBSCL và đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Qua ghi nhận của Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 7 đợt giông lốc, mưa đá trên diện rộng, xảy ra 11 trận động đất và tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt tại các tỉnh vùng ĐBSCL.

Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, thông tin: Mùa khô năm nay, tình hình xâm nhập mặn tại tỉnh Bến Tre đến sớm hơn cùng kỳ gần một tháng và nước mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng. Trong đó, độ mặn từ 2‰ đã bao phủ toàn bộ diện tích đất trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm này, độ mặn ở mức cao vẫn còn duy trì trên các tuyến kênh, rạch của tỉnh. Với tình hình xâm nhập mặn xảy ra sớm và duy trì lâu (từ tháng 12-2019 đến nay) đã gây nhiều thiệt hại về sản xuất và đời sống người dân. Cụ thể, nước mặn làm thiệt hại 568ha hoa màu, 600ha cây giống, 1.890ha nuôi thủy sản và hơn 86.000 hộ dân thiếu nước ngọt trong sản xuất. 

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết: Từ đầu năm đến nay, nhiều đợt thiên tai bất thường biểu hiện mức độ phức tạp, nguy hiểm như giông lốc, sét, mưa đá và tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đã xảy ra trên diện rộng. Dù thiên tai không diễn ra dồn dập nhưng lại mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường. Bên cạnh đó, thời gian dài cách ly xã hội, tiếp sau là tập trung các nguồn lực đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19 là những khó khăn rất lớn cho công tác phòng, chống thiên tai trong thời gian qua, cũng như giai đoạn trọng tâm tới đây. Vì vậy, để công tác phòng, chống thiên tai đạt kết quả tốt, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho Nhân dân thì đòi hỏi sự nỗ lực lớn của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương để sẵn sàng đối phó với các tình huống thiên tai xảy ra. 

Tình hình sạt lở bờ sông luôn là nỗi lo của ngành chức năng và người dân tỉnh Hậu Giang khi vào mùa mưa, bão.

Đề ra nhiều giải pháp ứng phó

Một trong những nhiệm vụ đầu tiên là tiến hành kiện toàn Ban chỉ huy các cấp, đồng thời sớm xây dựng và ban hành kế hoạch về PCTT-TKCN cho từng đơn vị được sát hợp với tình hình thực tế. Cùng với xây dựng kế hoạch là việc tổ chức rà soát, cập nhật, hoàn thiện kịch bản về phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Bên cạnh đó, chuẩn bị sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, nhân lực để ứng phó kịp thời với những sự cố về thiên tai, nhất là các tình huống bão muộn trên Biển Đông khi đổ bộ vào khu vực Nam Trung bộ và Nam bộ; hay tình hình mưa, lũ lớn cục bộ sau thời gian hạn hán kéo dài như dự báo của các cơ quan chức năng.

Chia sẻ về công tác chủ động ứng phó thiên tai của đơn vị, ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công thương, thông tin: Một trong những công việc trọng tâm về công tác PCTT-TKCN đang được lãnh đạo bộ gấp rút thực hiện là yêu cầu các đơn vị trực thuộc có kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu, trong đó chú trọng khu vực thường xuyên bị thiên tai, nhất là vùng sâu, vùng xa. Mặt khác, thường xuyên phối hợp với các địa phương thực hiện tốt việc dự phòng tại chỗ và bình ổn giá khi thiên tai xảy ra. Bằng mọi giải pháp đảm bảo không để thiếu hàng hóa trong mùa mưa, bão.

Cùng với Bộ Công thương, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết thêm: Đơn vị sẽ sớm bổ sung phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn phù hợp với đặc điểm thiên tai từng vùng, địa phương để nâng cao hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn. Bên cạnh đó, tổ chức diễn tập, huấn luyện, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đồng thời kiểm tra thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố thiên tai tại một số ngành, địa phương theo kế hoạch. Ngoài ra, sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của bộ sẵn sàng phương án vận hành các hồ chứa lớn, hệ thống công trình tưới tiêu để không bị động, bất ngờ khi có thiên tai xảy ra. Đồng thời, đề nghị các địa phương vùng ĐBSCL chỉ canh tác lúa Thu đông (lúa vụ 3) ở những nơi đạt tiêu chí số 3 về thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới nhằm hạn chế thiệt hại khi có lũ lớn. Mặt khác, khẩn trương xây dựng để sớm đưa vào khai thác, sử dụng Trung tâm điều hành phòng, chống thiên tai quốc gia và cấp vùng đa chức năng…

Song hành với các bộ, ngành Trung ương thì nhiều địa phương cũng đang khẩn trương đề ra các giải pháp thực hiện nhằm ứng phó thiên tai hiệu quả. Điển hình như tỉnh Hậu Giang, ngoài công tác kiện toàn ban chỉ huy các cấp và xây dựng kế hoạch, phương án PCTT-TKCN thì các ngành có liên quan của tỉnh đang tổ chức rà soát lại hệ thống truyền tin, thông tin liên lạc và ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng, chống thiên tai. Qua đây, thông tin kịp thời tới các địa phương, tổ chức, người dân trong vùng thiên tai về diễn biến và giải pháp ứng phó với mọi tình huống được hiệu quả.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, cho hay: Cùng với nhiệm vụ trên, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đề nghị các địa phương trong tỉnh phối hợp cùng Ban an toàn giao thông tiến hành giải phóng chà, nò, đăng đáy, vật cản trên sông... để tạo thông thoáng dòng chảy; đồng thời thường xuyên kiểm tra các bến đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn trong mùa mưa, lũ. Ngoài ra, khuyến cáo người dân bồi trúc bờ bao để bảo vệ sản xuất nông nghiệp, cũng như chủ động chằng chống nhà cửa và phát quang những tán cây lớn xung quanh nhà nhằm đề phòng tốc mái nhà, cây đổ ngã khi có giông lốc đi qua. Vào thời điểm giao mùa, khi có mưa thì bà con nên hạn chế ra đường nhằm đề phòng sét đánh. Liên quan đến nội dung này, UBND tỉnh đang kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ cho tỉnh xây dựng cột thu lôi chống sét đánh trên địa bàn tỉnh và khu vực để bảo vệ tính mạng cho người dân.

Chỉ đạo về công tác phòng, chống thiên tai trong thời gian tới tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương trong cả nước mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị từng bộ, ngành Trung ương và địa phương phải thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công theo vị trí, chức năng của ngành mình phụ trách. Tinh thần chỉ đạo chung trong phòng, chống thiên tai là “chủ động, kịp thời, không bị động” khi xảy ra sự cố; đồng thời nhất quán chủ trương không để người dân rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất” khi xảy ra sự cố thiên tai và phát huy phương châm “4 tại chỗ” trong ứng cứu. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, dự báo và cập nhật thông tin về tình hình thời tiết phải chặt chẽ, chất lượng để ứng phó hiệu quả; các giải pháp về công trình và phi công trình trong ứng phó thiên tai phải đảm bảo tính hiệu quả với tình hình mới… 

Theo tổng hợp của Bộ NN&PTNT, chỉ trong 4 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 11 người chết và mất tích do thiên tai; hơn 44.000 căn nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái; hơn 100.000ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Ước tổng thiệt hại gần 3.183 tỉ đồng.    

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>