Chủ động thích ứng, chung sống với hạn – mặn

20/02/2020 | 05:53 GMT+7

Giữa tháng 2-2020, tình hình nước mặn xâm nhập vào nội đồng ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng. Nhiều địa phương phải xuống đập chắn sông có luồng giao thông để kịp thời ngăn mặn xâm nhập sâu. Đã có khoảng 30.000ha lúa bị thiệt hại. Các tỉnh ĐBSCL đang triển khai cấp bách nhiều giải pháp để khơi thông, tích trữ nước ngọt, xuống đập ngăn nước mặn xâm nhập để bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp.

Cống âu thuyền Ninh Quới đang đóng để ngăn mặn.

Khẩn cấp “chắn dòng mặn”

Huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang hiện đang là điểm nóng của nước mặn xâm nhập. Nhiều diện tích lúa đang làm đòng nhưng bị khô hạn, nông dân đánh liều lấy nước từ kinh đã bị nhiễm nước mặn bơm tưới. “Nếu không bơm nước thì lúa Đông xuân sẽ chết trắng, bơm nước vào thì hy vọng còn vớt vát được phần nào”, ông Nguyễn Văn Sển, nông dân huyện Hòn Đất - Kiên Giang nói trong buồn bã. Ông Sển có 14ha lúa được 70 ngày tuổi, gần trổ bông đã chấp nhận bơm nước ngoài kinh nội đồng có nồng độ cao vào cứu lúa. Theo ông Sển, bơm nước xong rồi bón phân thì lúa có thể thiệt hại từ 30-70%, còn không bơm là mất trắng. Trong khi đó, Phòng NN&PTNT huyện Hòn Đất cho rằng: Do nông dân chủ quan không theo dõi kiểm tra nồng độ mặn khi lấy nước nên diện tích lúa một số vùng bị thiệt hại.

Hiện nay, mực nước ở các trạm nội đồng trong tỉnh Kiên Giang giảm rất nghiêm trọng, nước mặn len lỏi xâm nhập sâu. Tỉnh Kiên Giang đã đắp đập tạm, cắt luồng giao thông đường thủy trên kinh Ông Hiển (thuộc địa bàn xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành) để ngăn nước mặn xâm nhập. “Chúng tôi phải tiến hành khẩn cấp đắp đập để giải quyết ngăn mặn khép kín. Đắp đập tạm kinh Ông Hiển sẽ cơ bản ngăn nước mặn vào vùng Tứ giác Long Xuyên”, ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết. Cũng theo ông Tâm, đây cũng là giải pháp trữ nước ngọt để nông dân vùng Tứ giác Long Xuyên phục vụ tưới tiêu. Đồng thời, tỉnh cũng có giải pháp chuyển luồng giao thông để người dân đi lại.

Diễn biến của mùa hạn - mặn 2020 được nhận định sẽ khốc liệt hơn năm 2016. Do được dự báo sớm: Mùa hạn - mặn 2020 sẽ đến sớm ở vùng ĐBSCL nên các địa phương đã có nhiều giải pháp chủ động đối phó, nên đến thời điểm này con số thiệt hại là rất thấp so với năm 2016. Hiện các vùng sản xuất nông nghiệp lớn như bán đảo Cà Mau, Tứ giác Long Xuyên, Nam Măng Thít, Quản lộ Phụng Hiệp… đã xuống hàng trăm cống, đập để ngăn mặn. Để giải quyết tình trạng khan hiếm nước ngọt phục vụ sinh hoạt, Bộ NN&PTNT đã báo cáo Thủ tướng các giải pháp sẽ triển khai như: Khoan giếng bổ sung nguồn nước ngọt, kéo dài đường ống từ các nhà máy nước tập trung; kêu gọi các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp tư nhân hỗ trợ bồn nhựa trữ nước; đầu tư vòi công cộng, bồn nhựa, túi nhựa dẻo lớn đặt tại trung tâm xã để cung cấp nước cho người dân. Đồng thời, chuẩn bị phương án huy động các xe bồn lưu động chở nước ngọt cho khoảng 40.000 hộ dân sống phân tán tại các tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, Long An, Cà Mau, Trà Vinh.

Kiểm tra nồng độ mặn trên sông Cái Lớn nơi giáp ranh giữa Kiên Giang và Hậu Giang.

Nông dân sáng tạo, thích nghi với hạn - mặn

Nhận định tình hình hạn - mặn sẽ diễn biến khốc liệt, từ cuối năm 2019 và đầu năm 2020, Chính phủ và Bộ NN&PTNT liên tục có chỉ đạo và trực tiếp khảo sát tình hình tại ĐBSCL. Các tỉnh ĐBSCL đã chủ động đốc thúc đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành nhiều công trình ngăn mặn quan trọng. Điển hình là tỉnh Vĩnh Long đã hoàn thành cống ngăn mặn Vũng Liêm ngay từ đầu năm 2020 (hoàn thành sớm hơn kế hoạch 6 tháng). Công trình này đã kịp thời ngăn mặn, trữ nước ngọt phục vụ trực tiếp cho 11.000ha và gián tiếp cho gần 70.000ha lúa. Mới đây, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khi làm việc với tỉnh Vĩnh Long đã đánh giá cao việc sớm hoàn thành công trình này. “Công trình này là cơ sở hạ tầng quan trọng, có ý nghĩa liên kết vùng giữa Vĩnh Long và Trà Vinh. Cần đẩy mạnh các giải pháp thích ứng và chung sống với biến đổi khí hậu. Địa phương cần nhanh chóng hoàn thiện để kết nối phục vụ nông dân tưới tiêu”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Tại Bạc Liêu, cống âu thuyền Ninh Quới thuộc huyện Hồng Dân công trình cơ bản đã hoàn thành và đưa vào vận hành (sớm hơn 13 tháng so với dự kiến), kịp thời phục vụ công tác ứng phó hạn mặn trong mùa khô năm 2020. Công trình này vận hành trong những ngày qua đã giải quyết hài hòa về nguồn nước phục vụ cho sản xuất giữa 2 hệ sinh thái mặn - ngọt của người dân trong vùng nhất là tại 2 tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng. “Nguy cơ hạn, mặn năm nay khốc liệt hơn so với mùa khô 2015-2016. Trong các tỉnh của ĐBSCL thì 2 tỉnh: Bạc Liêu và Sóc Trăng gặp khó khăn nhất trong việc kiểm soát mặn - ngọt cho vùng sản xuất nông nghiệp. Cống âu thuyền Ninh Quới đã hoàn thành sớm hơn dự kiến, kịp thời phục vụ công tác ứng phó tình hình hạn, mặn. Địa phương cần tiếp tục phối hợp kiểm tra, giám sát, hoàn thiện các hạng mục còn lại để công trình phát huy hiệu quả trong thời gian tới”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo.         

Một điều đáng ghi nhận hiện nay là nông dân ĐBSCL đã tích lũy nhiều kinh nghiệm chống hạn mặn bằng cách: Đào mương, tận dụng ao hồ chứa nước ngọt và áp dụng tưới tiết kiệm. “Mấy năm trước, nước mặn thường về từ tháng 2, nhưng năm nay nghe thông báo mặn về sớm, giá đình tranh thủ trữ nước ngọt để phục vụ tưới tiêu cho vườn cây trồng mãng cầu xiêm và bưởi da xanh, nếu không ứng phó trước chắc giờ sẽ thiệt hại lớn”, nông dân Võ Văn Thường, ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang cho biết. Đây cũng là cách làm của nhiều nhà vườn ở Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long… Ngành nông nghiệp trong vùng cho rằng: Đây là cách làm sáng tạo, có thể giúp nhà vườn thích ứng với hạn mặn, giảm tối đa thiệt hại.

Bài, ảnh: VĨNH TƯỜNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>