Thiên tai, sạt lở đất diễn biến phức tạp

24/06/2020 | 07:05 GMT+7

Sạt lở đất đang diễn biến phức tạp ở huyện đầu nguồn Châu Thành. Việc xử lý, khắc phục sau sự cố cần được thực hiện trước cao điểm mùa mưa để đảm bảo an toàn cho người dân.

Đời sống, sinh hoạt của người dân vùng sạt lở bị xáo trộn khi liên tiếp xuất hiện nhiều điểm sụp đất làm đứt quãng lộ giao thông.

Đời sống, sinh hoạt bị xáo trộn

Trong 2 tháng nay, sạt lở đất bờ sông xảy ra liên tục ở huyện Châu Thành, nhất là 2 bên bờ sông Mái Dầm. Chạy dọc tuyến sông này sẽ thấy nhiều đoạn đường bị đứt quãng do đất lở, sụp lún, những ngôi nhà nằm chênh vênh sau khi đất sụp. Mỗi điểm sạt lở xảy ra, để lại nhiều khó khăn trong đời sống và sinh hoạt của nhiều hộ dân.

Thăm nhà của chị Trần Thị Út Hường, ở ấp Phú Trí B1, xã Phú Hữu, sau vụ sạt lở đất, chị buồn bã nói: “Mỗi năm, sông Mái Dầm hết lở chỗ này đến sạt nơi khác. Sống ở vùng này đành chịu vất vả. Nhà tôi nhỏ hẹp, lúc xây dựng không làm cửa hậu nên tôi mới nhờ người cắt tường làm lối thoát hiểm”.

Không chỉ xuất hiện liên tiếp các điểm mới trên địa bàn huyện Châu Thành, ở những vị trí từng xảy ra sạt lở hồi năm ngoái cũng tái diễn lần 2. Ông Nguyễn Hữu Hoàng, ở ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, lo lắng: “Đoạn đường trước nhà tôi bị sụp đứt hồi năm trước, mới đây lại sạt lở thêm lần nữa. Sau sự cố, cây cột điện đang nằm nghiêng sát mé bờ. Bà con đi qua chỗ này lo mất an toàn. Rất mong ngành chức năng xử lý di dời cột điện vào trong, bởi chỗ này đã sạt lở 2 lần rồi, mùa mưa bão tới nguy hiểm lắm! Người dân ở đây cũng yêu cầu sớm mở lối đi tạm, bởi hiện nay học sinh đến trường rất vất vả”.

Người dân địa phương thừa nhận, sạt lở đất đang xuất hiện ngày càng nhiều, gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, dân sinh. Bà con lo ngại nếu không sớm khắc phục những điểm sạt lở sẽ ảnh hưởng đến vườn cây ăn trái khi vào cao điểm mưa nhiều và những tháng lũ dâng. Sinh sống ở ấp Phú Lợi A, xã Phú Hữu nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Nga cho rằng nguyên nhân sạt lở do thay đổi dòng chảy là chính. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng việc xây dựng đường ven tuyến sông, kênh càng làm tăng nguy cơ sạt lở.

Theo bà Nga, vùng này nền đất vốn rất yếu, không nên xây đường quá gần mé sông. Bờ sông sụp rồi thì khó phục hồi lắm. Sạt lở thì diễn ra nhanh, nhưng để lại hậu quả lớn, khắc phục lâu, cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nhiều. Đoạn trước nhà bị lở cách đây hơn 1 tháng, ngành chức năng có xuống đo đạc chứ chưa thấy khắc phục. Để đến trường, học sinh xóm này phải vòng qua rạch Cái Muồng, hoặc đi phà. Thấy người ta đi khó khăn quá, gia đình bà Nga kiếm cây tự rào chắn tạm cho an toàn. Mùa mưa bão đang đến gần, người dân đoạn này mong huyện sớm khắc phục để họ ổn định sinh hoạt, đi lại đỡ vất vả hơn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Nguyễn Văn Tùng cho biết: “Về kinh phí khắc phục các điểm sạt lở gặp khó khăn nên huyện đã đề xuất về tỉnh và được tỉnh ủng hộ chủ trương. Chúng tôi đang rà soát để chuẩn bị khắc phục, ưu tiên xử lý những điểm sạt lở nặng”.

Người dân tự gia cố phần đất ven sông sau khi sạt lở.

Cảnh giác với thiên tai

Theo thống kê của ngành nông nghiệp Hậu Giang, toàn tỉnh đã có 31 điểm sạt lở đất bờ sông (trong đó huyện Châu Thành có đến 30 điểm và 1 điểm ở xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A). So với cùng kỳ năm 2019 tăng 1 điểm, thiệt hại và diện tích mất đất bờ sông đều tăng. Tình hình được dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp khi bước vào cao điểm mùa mưa. 

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, sạt lở đất diễn biến rất phức tạp, nhưng khâu khắc phục còn bị động. Nguyên nhân sạt lở chủ yếu là do thiên tai nhưng vẫn có phần tác động bởi nhân tai. Các địa phương cần cân nhắc việc xây dựng các tuyến đường ven sông ở vùng sạt lở bởi gây áp lực rất lớn lên nền đất. Ngoài ra, cần quản lý chặt chẽ các phương tiện hút bùn, nạo vét đất ven bờ.

Mới đây, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đã yêu cầu ngành nông nghiệp ở các địa phương cần tập trung cho công tác phòng, chống thiên tai, đặc biệt là giông lốc, sạt lở. Đồng thời, giao Chi cục Thủy lợi tỉnh tổ chức kiểm tra, thống kê các vị trí có nguy cơ sạt lở, đã sạt lở để báo cáo về Ban chỉ huy nhằm kịp thời chỉ đạo các địa phương. Ngoài ra, thực hiện nghiêm các biện pháp cảnh báo khu vực sạt lở. Đề nghị các phòng nông nghiệp, kinh tế chỉ đạo trạm thủy lợi, cán bộ cấp xã thực hiện tốt Quyết định 29 của UBND tỉnh về quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, cụ thể là quản lý nghiêm các phương tiện hút bùn ven bờ sông gây sạt lở, sụp lún bờ sông. Trường hợp ở xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, vừa qua là một điển hình.

Theo ông Trần Thanh Toàn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, để chủ động đối phó với các tình huống, Văn phòng Ban chỉ huy đã đề nghị các địa phương chỉ đạo bộ phận chuyên môn kiểm tra, tổng hợp, theo dõi các điểm xung yếu về sạt lở để cắm biển cảnh báo (vùng, khu vực sạt lở nguy hiểm), giúp người dân và phương tiện phòng tránh, đảm bảo an toàn.

Ngoài sạt lở đất, từ đầu năm đến nay giông lốc cũng làm sập 4 căn nhà ở huyện Vị Thủy, Châu Thành A, Long Mỹ và thành phố Vị Thanh, tốc mái 2 căn nhà ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, ước thiệt hại trên 60 triệu đồng. Trong mùa mưa sẽ xuất hiện thiên tai bất thường như giông lốc, sấm chớp, người dân cần tìm nơi trú ẩn an toàn, tránh xa vật kim loại, không trú dưới tàn cây lớn. Chằng chống lại nhà cửa, cắt tỉa cây xung quanh nhà để hạn chế thấp nhất nguy cơ đổ ngã.

Trong công văn của UBND tỉnh về việc ứng phó mưa lũ, triều cường, giông lốc mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát, bổ sung các kế hoạch, phương án, triển khai thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phối hợp chặt chẽ với Đài Khí tượng thủy văn dự báo, cảnh báo lũ, triều cường, nhất là dự báo sớm khả năng xuất hiện, diễn biến các tình huống phức tạp để người dân chủ động ứng phó. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn xây dựng phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt và tổ chức thực hiện. Tổ chức kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư thi công công trình đảm bảo tiến độ, xây dựng phương án và chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn các loại công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ, triều cường. Khẩn trương chỉ đạo gia cố các tuyến đê bao ngăn lũ, triều cường cho lúa, mía, cây ăn trái, vùng nuôi trồng thủy sản…

Đối với UBND cấp huyện chỉ đạo, kiểm tra, xây dựng phương án phòng, chống thiên tai trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ”. Kiểm tra, giám sát các vị trí xung yếu, chuẩn bị sẵn sàng tổ chức phương án ứng phó trong điều kiện có thiên tai xảy ra. Kịp thời phát hiện và xử lý sự cố công trình thủy lợi trong mùa mưa. Theo dõi diễn biến mưa lũ, thông tin đến các cấp chính quyền, người dân, nhất là vùng thấp, trũng ven sông để chủ động. Kiểm tra bờ sông, kênh, rạch đang có diễn biến sạt lở cao. Chỉ đạo các xã tuyên truyền người dân chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cây cao gần nhà và đường dây điện không an toàn. Ngoài ra, củng cố lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở sẵn sàng hỗ trợ người dân ứng phó có hiệu quả, đảm bảo an toàn về người và tài sản, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra…

Bài, ảnh: ẨN LIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>