Hạn, mặn khốc liệt mùa khô 2020: Giảm thiệt hại nhờ chủ động ứng phó

24/06/2020 | 23:38 GMT+7

Bộ NN&PTNT cho rằng, hạn, mặn mùa khô năm 2019-2020 ở ĐBSCL là nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, sự chỉ đạo sớm và sâu sát của Chính phủ đã giúp ngành nông nghiệp và các địa phương thực hiện tốt giải pháp ứng phó; cộng với công tác dự báo tốt nên các tỉnh đã bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp trong điều kiện thiếu nước. Nhờ đó, mức độ gây thiệt hại sản xuất nông nghiệp và dân sinh giảm đáng kể.

Nhiều mô hình sinh kế thích ứng với hạn, mặn được người dân ở Hậu Giang thực hiện cho hiệu quả cao. Ảnh: H.THU

Mặn xâm nhập khác quy luật nhiều năm

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), cho biết xâm nhập mặn đến sớm gây ảnh hưởng cho sản xuất và dân sinh ngay từ tháng 12-2019, ranh mặn 4%o xâm nhập 57km theo sông Hàm Luông, sâu hơn trung bình nhiều năm (TBNN) tới 24km. Tháng 1-2020, xâm nhập mặn tiếp tục tăng lấn vào các vùng cửa sông Cửu Long từ 45-66km, sâu hơn mùa khô năm 2016 từ 6-17km. Vào tháng 2-2020, ranh mặn 4%o lấn sâu vào sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây tới 110km. Tháng 5-2020, phạm vi mặn tiếp tục dao động ở mức cao với ranh mặn 4%o sâu khoảng 130km trên sông Vàm Cỏ Tây và sang tháng 6 thì mặn trên các cửa sông mới giảm nhanh. Có thể thấy, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 có một số đặc điểm khác quy luật nhiều năm như: xuất hiện sớm hơn so TBNN gần 3 tháng, sớm hơn so mùa khô năm 2015-2016 gần 1 tháng; thời gian xâm nhập mặn kéo dài hơn 2-2,5 lần so với mùa khô 2015-2016; độ mặn ở vùng các cửa sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, Hàm Luông liên tục duy trì ở đỉnh cao suốt từ tháng 2 đến tháng 5, hầu như không giảm hoặc giảm không đáng kể trong các kỳ triều thấp, khác với đặc điểm thông thường là tăng theo kỳ triều cường, giảm theo kỳ triều thấp.

Nguyên nhân khiến xâm nhập mặn tăng cao là do nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong bị thiếu hụt. Mùa khô năm 2019-2020, nguồn nước về ĐBSCL thấp hơn nhiều so với những năm gần đây, thể hiện chủ yếu qua 2 yếu tố chi phối chủ đạo là dòng chảy tại trạm Kratie và lượng trữ tại Biển Hồ (Campuchia). Tại trạm Kratie (thuộc Campuchia, trạm đầu châu thổ Mekong, cách Việt Nam gần 300km), từ tháng 11-2019 đến hết tháng 4-2020, mực nước bình quân đạt 7,08m, thấp hơn TBNN 0,67m; lưu lượng bình quân khoảng 3.045 m3/s, thấp hơn TBNN là 1.256 m3/s; đây là nguyên nhân chính gây ra xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài trong mùa khô năm 2019-2020. Còn nguồn nước Biển Hồ (Campuchia) đầu mùa khô năm 2019-2020, tổng lượng nước tích trữ là 24,58 tỉ m3, thấp hơn TBNN là 19,16 tỉ m3. Mực nước bình quân tại trạm Prek Kdam (gần Biển Hồ) đến ngày 30-4 thấp hơn TBNN 1,31m. Đây là một trong những nguyên nhân góp phần xâm nhập mặn tăng cao đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh ĐBSCL. Phạm vi ảnh hưởng với ranh 4%o là 1,68 triệu héc-ta, cao hơn 50.376ha so với năm 2016.

Trước tình hình hạn, mặn phức tạp, Bộ NN&PTNT phối hợp chặt với các bộ, ngành liên quan và các tỉnh ĐBSCL chủ động nhiều giải pháp ứng phó; đồng thời triển khai thực hiện nhanh các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống hạn, mặn, thiếu nước ngọt vùng ĐBSCL. Ngoài ra, thi công nhanh các công trình thủy lợi để đưa vào vận hành như cống Âu Ninh Quới (thuộc Quản lộ Phụng Hiệp); trạm bơm Xuân Hòa (Tiền Giang); các cống Tân Dinh, Bông Bót, Vũng Liêm (thuộc dự án Nam Măng Thít); 18 cống kiểm soát mặn thuộc dự án Bắc Bến Tre... Các công trình này đã chủ động kiểm soát mặn khoảng 83.000ha và hỗ trợ kiểm soát mặn hơn 300.000ha. Song song đó, các địa phương đã đắp nhiều đập ngăn mặn, nạo vét kênh mương dẫn nước, tổ chức bơm chuyền cho các vùng sản xuất lúa, kéo dài đường ống cấp nước sinh hoạt... Vận chuyển nước ngọt cấp miễn phí cho khoảng 20.600 hộ, hỗ trợ người dân lắp đặt bồn trữ nước cho 37.300 hộ, hỗ trợ bình nước uống các loại 11.800 hộ, lắp đặt thiết bị lọc nước cấp nước khoảng 4.000 hộ...

Ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, cho biết trong mùa khô năm 2020, ngành đã có kế hoạch nâng cấp, mở rộng đường ống, hỗ trợ dụng cụ chứa nước sinh hoạt đảm bảo người dân không thiếu nước trong mùa hạn, mặn. Đồng thời khuyến cáo người dân trữ nước trong các ao, mương vườn và sử dụng nước tiết kiệm. Có lịch xuống giống vụ Đông xuân né hạn, mặn; chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp và xây dựng nhiều mô hình sinh kế thích ứng với vùng hạn, mặn. Vận hành các cống ngăn mặn, xuống đập thời vụ ở các địa phương bị mặn xâm nhập kịp thời nên sản xuất của người dân bị ảnh hưởng không đáng kể.

Xem hạn, mặn là hiển nhiên để chủ động ứng phó

Dù thực hiện rất nhiều giải pháp ứng phó, nhưng hạn, mặn đã làm cho 16.500ha lúa mùa năm 2019 (trên đất lúa tôm) ở Cà Mau bị thiệt hại; trong đó mất trắng là 14.000ha. Hạn, mặn cũng gây thiệt hại khoảng 41.900ha lúa Đông xuân 2019-2020 ở các tỉnh ĐBSCL; trong đó mất trắng là 26.000ha. Đối với cây ăn trái có đến 6.650ha bị ảnh hưởng do hạn, mặn; trong đó mất trắng khoảng 355ha. Hàng ngàn héc-ta rau màu và hơn 8.715ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại... Cũng do hạn, mặn kéo dài đã khiến 96.000 hộ (khoảng 430.000 người) bị thiếu nước ngọt sinh hoạt (thấp hơn so với mùa khô năm 2015-2016 có tới 210.000 hộ thiếu nước). Đáng lo ngại là thực trạng sạt lở, sụp lún xảy ra tràn lan ở ĐBSCL bởi hạn hán, thiếu nước kéo dài làm mực nước trên các kênh trục xuống thấp. Điển hình như ở vùng ngọt hóa Gò Công (Tiền Giang) xảy ra 112 điểm sạt lở, tổng chiều dài 15.920m; ở Cà Mau tuyến đê Biển Tây bị sụp lún dài 240m, nguy cơ sụp 4.215m, lộ giao thông nông thôn bị sụp lún 24.957m; còn ở Kiên Giang sụp lún dài khoảng 1.500m; riêng An Giang có tới 9 điểm sạt lở đất chiều dài 225m, 8 căn nhà phải di dời khẩn cấp, ước thiệt hại khoảng 1,7 tỉ đồng...

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, hạn, mặn mùa khô năm 2019-2020 ở ĐBSCL là nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, sự chỉ đạo sớm và sâu sát của Chính phủ đã giúp ngành nông nghiệp và các địa phương thực hiện tốt giải pháp ứng phó; cộng với công tác dự báo tốt nên các tỉnh đã bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp trong điều kiện thiếu nước... Nhờ đó, mức độ gây thiệt hại sản xuất nông nghiệp và dân sinh giảm thiểu đáng kể. Cần thấy rằng, mốc hạn, mặn lịch sử này chưa phải là cuối cùng, bởi biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết, thiên tai ngày càng khó lường. Vì vậy, các tỉnh ĐBSCL cần coi hạn, mặn là hiển nhiên để chủ động nhiều giải pháp ứng phó. Tới đây, tiếp tục đẩy mạnh dự báo hạn, mặn, nguồn nước nhằm phổ biến cho người dân biết, phòng chống giảm thiểu thiệt hại. Tăng cường xây dựng các công trình thủy lợi, chú trọng ứng dụng phù hợp công nghệ làm đập tạm, thi công nhanh, khả năng thích ứng nhiều loại địa hình. Tiếp tục điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, cây trồng hợp lý theo hướng giảm lúa ở vùng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn để chuyển sang cây trồng cạn. Đối với nguồn nước sinh hoạt cần thực hiện độc lập, tách bạch nguồn nước sản xuất nhằm tránh ô nhiễm; xây dựng thêm các nhà máy cấp nước tập trung, các khu trữ nước ngọt dành cho sinh hoạt trong mùa khô, hỗ trợ dân thiết bị lọc nước mặn...

Theo Bộ NN&PTNT, tới đây cần rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện quy hoạch vùng, tiểu vùng theo hướng tích hợp đa ngành; quy hoạch vùng dân cư và tổ chức sản xuất thích ứng với thiên tai, đảm bảo an toàn trước ảnh hưởng của bão, lũ, nước biển dâng, ngập mặn. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh thích ứng với biến đổi khí hậu cho các ngành hàng với sự tham gia và liên kết giữa các cơ quan khoa học, tổ chức khuyến nông, doanh nghiệp, hợp tác xã, chính quyền địa phương. Xây dựng các bộ quy tắc ứng xử chung về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, dự báo biến động nguồn nước. Thành lập Ban điều phối phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng biến đổi khí hậu cho từng tiểu vùng. Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các tỉnh chủ động bố trí ngân sách địa phương và các nguồn vốn xã hội hóa để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách và lâu dài về phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL...

H.TÂN - H.THU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>