Học và hành trong dạy nghề lao động nông thôn

22/10/2019 | 23:07 GMT+7

Trong các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, nghề nấu ăn (kỹ thuật chế biến các món ăn), luôn nhận được sự quan tâm và có người đăng ký vượt quá kế hoạch. Nghề này có thể đưa ra nhiều kinh nghiệm trong dạy nghề lao động nông thôn.

Những lớp dạy nghề nấu ăn mở ra cơ hội việc làm cho người dân nông thôn và cả đô thị.

Nghề hay, phù hợp sẽ tự động học, không cần hỗ trợ

Kế hoạch ban đầu mở lớp là 25 học viên, nhưng do số lượng người dân đăng ký quá đông, nên cuối cùng lớp học nấu ăn tại ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, mở vừa qua có đến 33 học viên. Kinh phí hỗ trợ vẫn nằm trong số 25 học viên theo kế hoạch, 8 trường hợp còn lại không được hỗ trợ tiền khi học. Chị Lê Thị Diễm Trang chia sẻ: “Tôi đi học không có được hỗ trợ tiền như mấy anh chị kia, nhưng điều đó với tôi không quan trọng lắm đâu. Ở nhà hai vợ chồng có mở quán, mình đi học thế này để nâng cao tay nghề nấu ăn, về nấu thêm vài món mới bán. Mình học cho mình, nên dù có được hỗ trợ hay không tôi vẫn đi học, vì thấy phù hợp”.

Các trường hợp khác không được hỗ trợ như chị Trang có cùng chung suy nghĩ như vậy. Lớp học nghề nấu ăn được bà con trong ấp rất quan tâm, chưa có thành viên nào trong 33 thành viên tham gia lớp vắng học quá một buổi. Chị Lê Thị Mai Ly nói: “Mình làm móng tại nhà và quanh xã, làm đủ ăn, nhưng có nghề sẽ có thêm cơ hội việc làm, học nấu ăn là nghề rất gần gũi, sau này nếu không có điều kiện đi nấu mướn, thì đám tiệc tại nhà hoặc bà con hàng xóm mình cũng làm được. Nói chung thấy cái nghề hay nên đi học”.

Bà Phạm Thị Chắc rủ hai cô con gái, cháu ngoại và bản thân mình hơn tháng trời đến lớp học. “Thích nấu ăn, học xong về có nấu súp cua, gỏi bò bóp thấu, lẩu gà chanh ớt… cho ông nhà và mấy cháu ăn. Ở xã hồi đó nhớ có mở một số lớp nhưng tôi không có đăng ký, nhưng lớp này tôi đăng ký học, dù đã tròm trèm 60 tuổi rồi vẫn thích học nấu ăn”, bà Chắc bộc bạch.

Tại ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, dự kiến thành lập Tổ nấu ăn lưu động sau khi kết thúc khóa học. Bà Nguyễn Thị Loan, 56 tuổi, cho mượn nhà mở lớp học, đã chia sẻ: “Những món này trước đây có biết hoặc có ăn, nhìn là có thể nấu được, vì phụ nữ nông thôn tụi tôi làm gì làm cũng phải nấu ăn hàng ngày. Học xong mình biết cách kết hợp món, nêm nếm sao cho phù hợp, nhất là trang trí bàn tiệc cho đẹp. Mình học xong, nếu tổ nấu ăn lưu động chưa có khách hàng, mình làm cho nhà các thành viên trước, sau đó lấy tiếng mới đi nấu đám tiệc…”.

Tạo việc làm, mở ra nhiều cơ hội khác

Nghề nấu ăn sẽ giúp những phụ nữ nông thôn phát huy sở trường, gần gũi và có thể phát triển tùy theo điều kiện của mỗi người, có nhiều cơ hội để chị em thể hiện tài năng. Tại vùng khóm Hỏa Tiến đã thực hiện dự án du lịch cộng đồng, nên mở lớp nấu ăn là cách phục vụ du khách tốt hơn, giúp những gia đình nông dân nơi đây giữ chân khách bằng những món ngon.

Ở góc độ nào đó, các lớp dạy nghề cũng là cách để thúc đẩy bình đẳng giới, khi có những học viên nam đăng ký theo học. Ông Trang Tân Thành, 48 tuổi, cũng ở xã Hỏa Tiến, chia sẻ: “Mình trước đây biết làm món nhậu, giờ học thêm lớp này biết làm lẩu, làm bò kho, làm gỏi… và nhiều món khác nữa. Học về đặng làm tiếp vợ con ở nhà khi có đám tiệc, chứ cái gì cũng giao cho các bà, các chị, thấy chị em, vợ con cực quá”.

Tại phường IV, thành phố Vị Thanh, trước đây các chị em phụ nữ tham gia lớp nấu ăn cũng đã mở được tổ dịch vụ nấu ăn lưu động và hoạt động hiệu quả đến nay. Chị Nguyễn Ngọc Ánh, hiện đang cùng gia đình ăn nên làm ra với mô hình nấu ăn lưu động tại phường IV, chia sẻ rằng, những lớp này với chị và nhiều người khác rất thiết thực. Nấu ăn thì chắc ai cũng biết ít nhiều, nhưng để bày biện, kết hợp món ăn trên bàn tiệc ra sao cho đẹp, ngon phải học. Học là cơ hội để có nghề nghiệp.

Những lớp học dạy nghề lao động nông thôn không còn lạ lẫm với những người dân ở Hậu Giang, đặc biệt là bà con ở vùng sâu, vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Những lớp dạy nghề thiết thực luôn thu hút, mang lại hiệu quả sau đào tạo.

Thời gian qua, Hậu Giang đã thực hiện hiệu quả nhiều lớp dạy nghề, đáp ứng được nhu cầu của địa phương, thực tế đời sống của người dân, nghề đan chổi, đan lục bình, những lĩnh vực nghề liên quan đến nông nghiệp… đều mang lại hiệu quả thiết thực, tạo được việc làm tại chỗ hoặc nâng cao trình độ của người dân, nhất là nông dân để phục vụ tốt việc làm hàng ngày của họ. Trong đó, nghề nấu ăn luôn nhận được sự quan tâm nhiều từ người dân. Trung bình mỗi năm tại tỉnh, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được tổ chức cho khoảng 3.200 lao động (học nghề sơ cấp và dưới 3 tháng). Những lớp đào tạo nghề hiện nay được thực hiện theo nhu cầu và đầu ra hiệu quả, có khảo sát kỹ càng.

Ông Nguyễn Thanh Triều, Hiệu trưởng Trường Nghiệp vụ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, chia sẻ, những lớp dạy nghề nấu ăn, ngoài tạo công ăn việc làm, còn là điều kiện kết nối để thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch tại địa phương. Các lớp không chỉ mở tại ấp, mà còn được mở ở trung tâm để đáp ứng nhu cầu dịch vụ đang phát triển. Thời gian qua, các lớp dạy nghề nấu ăn được trường phối hợp với phòng lao động - thương binh và xã hội cấp huyện mở ra nhận được nhiều sự quan tâm, thu hút cả nam và nữ theo học, điều đó chứng tỏ sự thiết thực các lớp này mang lại.

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>