Đào tạo nghề gắn với mục tiêu phát triển

18/09/2019 | 08:57 GMT+7

Những năm qua, tỉnh đã thực hiện công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, vừa nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề, vừa góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Nhờ sự phối hợp, quan tâm chặt chẽ trong đào tạo nghề, đã giúp tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh ngày càng nâng lên.

Dạy nghề gắn thị trường lao động

Gần 5 giờ chiều, chị Trần Thị Phê, ở ấp Nhơn Ninh, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, về đến nhà sau một ngày làm việc tại Công ty TNHH May mặc Phương Thảo, xưởng may đặt tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện. Chị Phê làm công nhân may hơn một năm nay. Mỗi ngày cứ 7 giờ chị đi làm, đến gần 5 giờ chiều thì về. Những ngày tăng ca chị về đến nhà gần 7 giờ tối. “Nhờ có công việc này mà tôi có thêm thu nhập, để lo cho hai đứa con. Bình quân mỗi tháng tôi cũng kiếm được 4,5 triệu đồng, nếu tăng ca có thể nhận trên 6 triệu đồng. Số tiền này giúp mẹ con tôi trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình”, chị Phê cho biết.

Còn chị Lê Thị Bích Tuyền, ở ấp Nhơn Ninh, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, có cuộc sống ổn định hơn nhờ tìm kiếm được công việc ở quê nhà. Hiện nay, chị cũng làm tại Công ty May mặc Phương Thảo, lương mỗi tháng cũng được gần 6 triệu đồng. Số tiền này, giúp chị lo cuộc sống gia đình. Trước đây, chị làm ở Thành phố Hồ Chí Minh, mức lương cũng khá, song do làm xa nhà, chi phí đắt đỏ, tính ra mỗi tháng cũng không còn được bao nhiêu. Vì vậy, chị xin nghỉ. Chị Tuyền chia sẻ: “Về quê tôi đã tìm được công việc phù hợp, mức lương cũng khá, với lại lo được cho gia đình. Làm việc ở đây, tôi đã được công ty tham gia đầy đủ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Được vậy, tôi mừng lắm”.

Nhằm tạo việc làm và nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỉnh đã triển khai đồng loạt các hoạt động dạy nghề bằng nhiều hình thức thiết thực như dạy nghề theo địa chỉ, dạy nghề theo nhu cầu của xã hội. Cùng với đó, các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh liên kết với một số công ty, doanh nghiệp ngoài tỉnh để cung ứng lao động. Theo ông Trần Văn Trung, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ tỉnh, năm 2019 này, nhà trường liên kết với các công ty như Công ty Viễn thông FPT chi nhánh Cần Thơ - Hậu Giang, Công ty Chăn nuôi Hòa Phước, Công ty TNHH Tân Phú Lợi, Công ty TNHH Cơ khí Minh Đống, Công ty May Đại Triển… với các nghề đào tạo như quản trị mạng máy tính, kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính, may thời trang, thú y, cơ khí… Học sinh sau khi được nhận vào làm có mức lương từ 3 triệu đồng đến 40 triệu đồng.

Nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm thời gian qua được tỉnh quan tâm thực hiện khá tốt. Nhờ đó, nhiều người đã tìm được việc làm, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân. Ông Phan Vũ Cường, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành A, cho biết: “Công tác đào tạo nghề cho người lao động được địa phương thực hiện theo phương châm “Cầm tay, chỉ việc”, tức là dạy nghề giữa lý thuyết và thực hành song song với nhau, nên người học dễ hiểu, để áp dụng vào thực tế tại gia đình. Cùng với đó, đào tạo theo địa chỉ sử dụng, đào tạo những nghề khi đã xác định được cơ hội việc làm của người học sau khóa học nghề. Nhờ vậy, nhiều người đã tìm được việc làm, với lại tay nghề cũng được nâng lên”.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã đào tạo nghề trên 8.900 lao động, đạt hơn 137% kế hoạch năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 51,4%. Theo ngành lao động - thương binh và xã hội, tỷ lệ lao động qua đào tạo không ngừng tăng qua từng năm. Nếu như năm 2017, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 25,4%, năm 2018 là 49,1% thì đến tháng 9-2019 tỷ lệ này tăng lên 51,4%. Ước trong năm 2019 đạt 54,2%.

Thông qua công tác đào tạo nghề, tay nghề của người lao động đã được nâng lên. Khi đó, lao động vừa có thể tìm được việc làm sau học nghề, nâng cao thu nhập, đảm bảo đời sống. Đồng thời, doanh nghiệp tuyển chọn được lao động có tay nghề, đáp ứng yêu cầu, tiếp cận nhanh với công việc. Ông Hồng Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: “Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm tạo sự chuyển biến tích cực. Đây được xem là giải pháp căn cơ và bền vững để giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên 2%/năm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh”.

Thực tế cho thấy, thông qua các lớp dạy nghề, các chương trình giới thiệu việc làm, nhiều lao động nông thôn đã có điều kiện tiếp cận với một số ngành nghề, thêm cơ hội tìm việc làm. Từ đó, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn...

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>