Giải pháp vực dậy ngành hàng trái cây

01/08/2019 | 23:59 GMT+7

3,8 tỉ USD là giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2018, trong đó chủ yếu là mặt hàng trái cây. Tuy nhiên, con số này có thể được nâng lên nếu các hạn chế của ngành hàng trái cây sớm được khắc phục.

Thực trạng

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT, hiện các tỉnh phía Nam là nơi chiếm diện tích cây ăn trái lớn nhất cả nước khi có tổng số gần 600.000ha (chiếm 60%), trong đó ĐBSCL là vùng trồng cây ăn trái chủ lực của các tỉnh phía Nam (chiếm 58% diện tích). Dù có diện tích khá lớn, nhưng hiện tình hình canh tác cây ăn trái ở đây còn tồn tại nhiều hạn chế, từ đó dẫn đến gặp khó về thị trường đầu ra, giá bán thấp và nguồn lợi nhuận không cao. Ông Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (TTKN) quốc gia, cho biết: Sản xuất trái cây hiện nay ở ĐBSCL chủ yếu do nông dân làm mang tính cá thể, tự phát, trồng nhỏ lẻ, phân tán, giá thành cao do khó khăn trong khâu cơ giới hóa, đồng thời chất lượng trái cây nhiều nơi không đạt, cũng như khó khăn trong áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới… Vì vậy, khả năng trái cây ĐBSCL cạnh tranh thấp so với các nước trong khu vực như: Philippines, Thái Lan hay Malaysia

Cũng theo Cục Trồng trọt, diện tích trồng cây ăn trái được áp dụng quy trình sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm như VietGAP, GlobalGAP ở ĐBSCL còn thấp khi chỉ chiếm khoảng 10-15% trên tổng diện tích trồng. Ngoài ra, do tác động lớn từ biến đổi khí hậu như hiện nay là tình hình xâm nhập mặn, khô hạn, mưa bão… đã ảnh hưởng đến diện tích trồng và sản lượng cây ăn trái nên làm giảm hiệu quả kinh tế cho nông dân toàn vùng.

Cùng với các địa phương vùng ĐBSCL, tới đây Hậu Giang sẽ liên kết sản xuất để tạo ra sản phẩm trái cây lớn.

Ông Bạch Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang, thông tin: Vùng đất Hậu Giang trũng thấp, lại ở khu vực giáp nước, chịu ảnh hưởng của cả hai thủy triều Biển Đông và Biển Tây nên ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất trái cây của bà con. Mặt khác, hiện có đến 80% cơ sở kinh doanh cây giống trên địa bàn tỉnh phải mua cây giống từ tỉnh khác đem về nên rất khó xác định chất lượng nguồn giống, từ đó dẫn đến cây ăn trái sau khi trồng 2-3 năm thì phát bệnh phải chặt bỏ. Ngoài ra, giống như nhiều tỉnh của vùng ĐBSCL, hiện đa phần nông dân Hậu Giang sản xuất tự phát và chạy theo thị trường nên thường gặp điệp khúc được mùa, mất giá. Đồng thời, hiện Hậu Giang có rất ít nhà máy chế biến trái cây mà chủ yếu nông dân bán qua thương lái rồi giao cho các vựa để đưa đi tiêu thụ ở các chợ đầu mối… Từ những thực trạng trên đang là rào cản lớn để ngành hàng trái cây của tỉnh phát triển. 

Theo lãnh đạo Hiệp hội rau quả Việt Nam, hoạt động thu hoạch, đóng gói trái cây ở ĐBSCL chủ yếu là thủ công và công nghệ xử lý, bảo quản trái cây chưa tốt nên tổn thất sau thu hoạch chiếm đến 40-50%, từ đó làm cho giá thành tăng cao và gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, ngành chức năng vùng ĐBSCL còn thiếu các dự báo chiều sâu về mùa vụ và nhu cầu thị trường nên dẫn đến tình trạng dội hàng, rớt giá. Đồng thời, ĐBSCL còn chậm đổi mới giống cây trồng có ưu thế và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới để tạo ra sản phẩm chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Kỹ sư Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, chia sẻ: Việc chúng ta thiếu nguồn hàng trái cây chất lượng, trong khi nhiều quốc gia tiêu thụ rau quả của Việt Nam lại đang nâng cao hàng rào kỹ thuật về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc nên những năm gần đây Việt Nam dần mất nhiều đơn hàng lớn từ các nước ở khu vực châu Âu, châu Mỹ, Hàn Quốc và nhất là thị trường Trung Quốc. Đây thực sự là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả xuất khẩu trái cây mặc dù thị trường đã được mở cửa. Do đó, các địa phương vùng ĐBSCL cần sớm có giải pháp tính toán hợp lý để vực dậy ngành hàng trái cây của mình, cũng như góp phần cải thiện thị trường xuất khẩu và nâng cao nguồn thu nhập cho nhà vườn.

Nhiều giải pháp đặt ra

Ông Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc TTKN quốc gia, cho biết thêm: Trước nhiều vấn đề còn hạn chế trong sản xuất trái cây ở các tỉnh phía Nam, cũng như thị trường xuất khẩu ngành hàng rau quả hiện nay được ví giống như một con diều đang bay xuôi chiều với ngọn gió. Do đó, chúng ta cần phải làm thế nào cho con diều này bay ngược gió. Bởi, diều càng bay ngược gió sẽ càng bay cao, giống như chúng ta giúp cho ngành hàng rau quả vượt qua khó khăn, thách thức để trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn đem lại nhiều ngoại tệ cho đất nước, đặc biệt là để giúp ngành rau quả đạt mục tiêu đề ra về giá trị xuất khẩu là 4,5 tỉ USD vào năm 2020.

Theo đó, một trong những giải pháp trước mắt mà các ngành liên quan của Trung ương, nhà khoa học đề ra là yêu cầu các tỉnh phía Nam, nhất là vùng ĐBSCL cần nỗ lực hơn nữa trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cũng như nghiên cứu triển khai các chính sách thích hợp nhằm tập hợp nhiều nông dân sản xuất nhỏ lẻ tham gia hình thành các hợp tác xã trái cây, nông trại có quy mô lớn hay vùng trồng cây ăn trái tập trung (giống như cánh đồng lớn). Nếu làm được sẽ thuận tiện trong việc phổ biến và áp dụng các kỹ thuật canh tác mới hiệu quả, đặc biệt là hướng đến trồng cây ăn trái an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Mặt khác, việc làm này còn giúp nông dân dễ dàng đưa cơ giới hóa vào các khâu trong sản xuất để nâng cao năng suất, tạo ra nhiều sản phẩm ngon cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, tăng cường uy tín cho trái cây ĐBSCL, giúp nông dân thu nhiều lợi nhuận và tạo ra công ăn việc làm cho lao động nông thôn.

Tiến sĩ Nguyễn Như Hiến, Cục Trồng trọt cho rằng, ngoài tập hợp nông dân lại theo từng vùng thì các địa phương ĐBSCL cũng cần đẩy mạnh liên kết giữa các vùng lại với nhau để giúp việc sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu được hiệu quả hơn. Trước mắt có thể tăng cường liên kết vùng thực hiện kế hoạch lịch thời vụ sản xuất 5 loại trái cây chủ lực và trồng tập trung là thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng và nhãn. Phấn đấu tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng theo chuỗi giá trị tại các tỉnh phía Nam đến năm 2020 đạt từ 30-35%, năm 2025 đạt 50-55% và đến năm 2030 là 100%.

Bên cạnh giải pháp trên, các địa phương vùng ĐBSCL cần phối hợp tốt hơn với các nhà khoa học trong việc nghiên cứu, nhân giống nhằm tạo ra những cây ăn trái mới tốt hơn, hấp dẫn hơn về mẫu mã, màu sắc, mùi vị… Qua đây, có thể thu hút mạnh mẽ thị hiếu người tiêu dùng để tăng sản lượng xuất khẩu, cạnh tranh hiệu quả với các nước xung quanh khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, ngành nông nghiệp các địa phương có kế hoạch khuyến khích nông dân cho trái cây rải vụ để tăng tính cạnh tranh, tránh đụng hàng với các nước khác. Ngoài ra, khu vực ĐBSCL cần sớm được đầu tư ngay một trung tâm với hệ thống logistic hiện đại khép kín từ sân bay, cảng đến đóng gói, chế biến xuất khẩu. Nếu làm được sẽ giúp cho trái cây ĐBSCL tiết giảm đáng kể chi phí vận chuyển và giảm tổn thất sau thu hoạch.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho hay: Ngoài nghiên cứu và xây dựng kế hoạch thực hiện các giải pháp nêu trên, tới đây Hậu Giang sẽ tiếp tục rà soát, nâng cấp cơ sở hạ tầng về giao thông, hệ thống thủy lợi nội đồng để tạo điều kiện giúp nông dân dễ dàng vận chuyển trái cây, cũng như chủ động kiểm soát mực nước phục vụ sản xuất được tốt hơn. Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo cơ quan chuyên môn của tỉnh không ngừng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa cho các loại trái cây chủ lực của tỉnh nhằm tạo đầu ra và giá bán ổn định.

Kỹ sư Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, chia sẻ thêm: Nền nông nghiệp ĐBSCL, trong đó có ngành trái cây được xem như một mỏ vàng khai thác vô tận nếu chúng ta có những chính sách đúng và đầu tư hiệu quả, hợp lý. Hiện tại, xuất khẩu trái cây Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực (sau Thái Lan và Philippines). Tuy nhiên, với sự quyết tâm của các ngành chức năng liên quan từ Trung ương đến địa phương, cộng với sự nỗ lực của toàn xã hội thì tin rằng trong tương lai không xa Việt Nam có thể vươn lên là nhà xuất khẩu trái cây hàng đầu khu vực, trong đó có vai trò không thể thiếu của trái cây ĐBSCL…

Theo thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong năm 2018 đạt 3,81 tỉ USD, riêng 6 tháng đầu năm 2019 đạt gần 2,1 tỉ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ. Hiện mặt hàng rau quả của Việt Nam đã xuất khẩu sang 55 thị trường trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường lớn, như: Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Malaysia, Thái Lan… 

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>