Chuyển biến từ khoa học và công nghệ

23/12/2019 | 08:08 GMT+7

Năm 2019 khép lại với nhiều thành tích mà ứng dụng khoa học và công nghệ tỉnh đã giúp nông dân, doanh nghiệp tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Ứng dụng khoa học công nghệ đã giúp nông sản của tỉnh nâng tầm giá trị và thương hiệu.

Điều dễ nhận thấy nhất là người dân trồng mãng cầu Hậu Giang phát triển kinh tế, quy mô sản xuất. Đó cũng là hiệu ứng lan tỏa từ kết quả nghiên cứu của dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Mãng cầu Hậu Giang” dùng cho sản phẩm mãng cầu trong tỉnh Hậu Giang” được ngành khoa học triển khai. Bà Phạm Thị Lượng, HTX Nông nghiệp và thương mại dịch vụ mãng cầu Thuận Hòa, xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, thông tin: “Từ khi mãng cầu Hậu Giang được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, kết nạp HTX là thành viên sử dụng nhãn hiệu thì người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ngày càng tin tưởng, tiêu dùng trà nhiều hơn. Mỗi tháng, HTX đã cung ứng ra thị trường khoảng 50kg trà mãng cầu. Các thành viên HTX rất phấn khởi vì được tỉnh tin tưởng chọn là đại diện quảng bá mặt hàng nông sản chủ lực mang thương hiệu Hậu Giang.

Bên cạnh hỗ trợ HTX quảng bá cho sản phẩm, khoa học công nghệ còn sát cánh với doanh nghiệp, tổ chức trên đường lập nghiệp, xây dựng tên tuổi. Chỉ trong năm qua, phòng chuyên môn của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã hướng dẫn cho 16/76 tổ chức đăng ký sở hữu công nghiệp, nâng tổng số văn bằng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp là 217 sản phẩm. Phấn khởi vì trong quá trình lập nghiệp được ngành chức năng hướng dẫn tận tình, ông Phan Văn Tặng, ở huyện Long Mỹ, bày tỏ: “Cơ sở tôi chuyên sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nhưng chỉ làm theo hình thức cha truyền con nối. Nay được Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn, định hướng nên tôi đã xây dựng tên tuổi cho cơ sở và được chính thức bảo hộ với nhãn hiệu BURI. Tôi tin tưởng rằng cơ sở của mình sẽ vững tiến hơn vì chính thức được công nhận độc quyền”.

Các đơn vị nhà nước như Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng thì được hỗ trợ quảng bá, phát triển sản phẩm trong định hướng phát triển du lịch. Trong năm 2019, nhãn hiệu Mật ong Lung Ngọc Hoàng cũng đã được công nhận, bảo hộ. Đây là động lực, là đòn bẩy giúp Lung Ngọc Hoàng thu hút du khách đến tham quan, mua sắm mang quà tặng về cho bạn bè, người thân.

Khoa học công nghệ tỉnh cũng đã đem lại nhiều hiệu ứng tích cực cho người dân các địa phương thông qua việc ứng dụng mô hình tiến bộ. Như dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển vùng chuyên canh bưởi da xanh (Citrus maxima) đạt tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang” đã giúp người dân địa phương tăng hiệu quả kinh tế vườn trên vùng đất khó. Ông Trần Văn Tôn, ở xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, đã và đang thành công với mô hình trồng bưởi VietGAP nhờ tham gia dự án. Ông Tôn chia sẻ: “Vùng đất phèn ở đây trước giờ trồng lúa thất, mía thì không bán được. Sau khi dự án được các kỹ sư đến triển khai đã cải hóa được đất phèn nên năm nay tôi đã có bưởi thu hoạch. Gần đây, bà con cũng có bưởi da xanh bán với giá cao từ 50.000 đồng/kg. Bưởi đã được ngành khoa học và công nghệ tỉnh xây dựng nhãn hiệu tập thể nên giá cả sẽ ổn định, tăng cao hơn so với những năm trước”.

Có thể thấy năm 2019 đi qua, khoa học và công nghệ có nhiều chuyển biến trong cách thức thực hiện, chuyển giao, phối hợp với địa phương, Nhân dân. “Bước qua năm mới, ngành khoa học tiếp tục giữ vững thành công, gánh trên mình sứ mệnh đổi mới, tiếp tục đưa công tác nghiên cứu, ứng dụng đến toàn dân, tạo nền tảng mới, thích ứng với đà phát triển của cuộc cách mạng 4.0”, ông Lê Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, thông tin.

Trong năm 2019, Sở KH&CN tỉnh đã tổ chức nghiệm thu được 7 nhiệm vụ; chuyển giao ứng dụng cho ngành nông nghiệp triển khai vào thực tế 4 nhiệm vụ; đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cấp 18 văn bằng sở hữu công nghiệp cho doanh nghiệp; kiểm định được 4.969 lượt phương tiện đo các loại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh…

 

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>