Mở hướng cho nền nông nghiệp hiện đại

16/05/2019 | 10:10 GMT+7

Bài 4: Nỗ lực xây dựng nền kinh tế xanh

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang được đẩy mạnh thì Hậu Giang đã xác định hướng đi riêng cho mình, đó là phát triển kinh tế xanh gắn với liên kết tiêu thụ nông sản trên nền tảng logictics.

Trái cây mà một trong những mặt hàng nông sản chủ lực của Hậu Giang.

Hướng đến nền nông nghiệp xanh

Bên cạnh việc đẩy mạnh đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp thì vấn đề đi kèm mà tỉnh cũng rất chú trọng đó là dần thay đổi nhận thức của người dân để chuyển từ hướng sản xuất nông nghiệp sử dụng phân, thuốc hóa học sang sử dụng chất hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm sạch để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời tạo ra nền nông nghiệp xanh, giảm ảnh hưởng đến môi trường dựa trên nền tảng logictics. Để đạt mục tiêu trên, thời gian qua, Hậu Giang đã có nhiều động thái tích cực cho vấn đề này. Cụ thể, hiện tỉnh đã thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Long Mỹ với diện tích 5.200ha, đồng thời đề ra nhiều chính sách hỗ trợ người dân và các nhà đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp. Cách làm này nằm trong những nỗ lực phát huy tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của địa phương, giúp Hậu Giang bắt kịp và vượt lên các tỉnh trong khu vực miền Tây Nam bộ và cả nước.

Cùng với thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thời gian qua, Hậu Giang đã tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến sản xuất nông nghiệp thông minh, nông nghiệp xanh. Nổi bật là tỉnh tổ chức khá thành công diễn đàn kinh tế xanh năm 2018, đã quy tựu nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tham dự để cùng chia sẻ kinh nghiệm, cũng như ký kết nhiều bản thỏa ước hợp tác với tỉnh trong thực hiện nhiều chương trình, dự án có quy mô lớn, giúp tỉnh xây dựng chuỗi giá trị nông sản và định hướng thị trường trên nền tảng logictics.

Ông Phạm Ngô Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lavifood, chia sẻ: Với mong muốn tạo ra một hệ sinh thái nông nghiệp tập trung vào phát triển và quản lý cây trồng bằng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, thời gian qua, Lavifood đã tiến hành đầu tư nhiều nhà máy chế biến rau, củ, quả gắn với phát triển vùng nguyên liệu, cũng như có những giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất hiệu quả. Khi nhận thấy Hậu Giang là tỉnh có nhiều tiềm năng trong việc cung cấp các mặt hàng nông sản theo nhu cầu của công ty nên Lavifood có những dự định hợp tác với tỉnh trong vấn đề sản xuất nông nghiệp xanh.

Lavifood có kế hoạch là trong thời gian tới đây công ty sẽ phối hợp với Hậu Giang xây dựng nhà máy chế biến rau, củ, quả, đồng thời thành lập ở mỗi huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh một trung tâm hỗ trợ nông dân. Trung tâm này sẽ có nhà kho đông lạnh, đồng thời có trách nhiệm hỗ trợ về mặt kỹ thuật sản xuất theo quy trình nông sản sạch cho bà con mà trước mắt là theo tiêu chuẩn VietGAP. Khi đó, mỗi mặt hàng nông sản nằm trong vùng nguyên liệu của Lavifood đều được theo dõi, kiểm tra chặt chẽ từ khi trồng đến thu hoạch và đem vào kho để tất cả đều đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi đem đi tiêu thụ.

Việc sản xuất nông nghiệp sạch không phải Hậu Giang mới thực hiện mà cách làm này đã được nhiều nông dân áp dụng trước đó. Chẳng hạn như mô hình trồng chanh không hạt theo chuẩn VietGAP và GlobalGap của người dân ở xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành hay mô hình trồng dưa hấu VietGAP ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy. Ông Võ Văn Năng, ở xã Vĩnh Thuận Tây, cho hay: “Trồng dưa hấu VietGAP tuy tốn nhiều công nhưng sạch, an toàn cho người sử dụng nên được nhiều nông dân thực hiện. Đây cũng là mô hình được duy trì từ nhiều năm nay ở địa phương. Nếu được bao tiêu sản phẩm, giá cả đảm bảo thì nông dân sẽ còn mở rộng thêm diện tích”.

Theo ngành chức năng, tuy mô hình canh tác sạch có thực hiện nhưng nhìn chung quy mô vẫn còn nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ bấp bênh, giá cả ngang bằng với sản phẩm thông thường nên gặp khó cho nông dân. Ông Ngô Minh Long, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho rằng: Với những đầu tư các nhà máy chế biến thì những vấn đề khúc mắt trong sản xuất nông sản an toàn sẽ được gỡ bỏ. Đồng thời, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tạo bước đột phá mới so với các tỉnh vùng ĐBSCL, nhất là lĩnh vực nông nghiệp xanh (sản xuất gắn với du lịch, nghỉ dưỡng) đúng như định hướng lớn của tỉnh và cũng là nhu cầu của xã hội lúc này. Qua đây, Hậu Giang sẽ xây dựng mối liên kết theo chuỗi giá trị ngày càng chặt chẽ hơn khi quá trình sản xuất của nông dân được theo dõi, quản lý và bao tiêu sản phẩm.

Nhiều kỳ vọng

Ông Lê Tiến Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho rằng: Mặc dù nền nông nghiệp của tỉnh còn ở mức tiềm năng, chưa được khai thác đúng kỳ vọng, nhưng ở khía cạnh đầu tư, đây lại là lợi thế lớn nếu chúng ta quyết tâm đi những bước thật nhanh, chính xác và đúng hướng để đón đầu xu thế của thế giới, xu thế phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị nông sản dựa trên nền tảng logistics. Để hiện thực hóa được điều này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của nhà quản lý, các nhà khoa học, nhà báo, các doanh nghiệp, ngân hàng và người nông dân; trong đó người nông dân đóng vai trò là chủ thể chính. Nông dân phải mạnh dạn thay đổi nhận thức, chuyển từ cách làm theo thói quen sang cách làm theo hướng dẫn của các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan quản lý nhà nước; chủ động tự tìm tòi, nâng cao kiến thức, tiếp thu tiến bộ của khoa học kỹ thuật để đổi mới. Đồng thời, phải là người bạn đồng hành, là đối tác tin tưởng của các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để đôi bên cùng có lợi.

Cùng với sự nỗ lực của tỉnh, nhưng theo tiến sĩ Nguyễn Duy Cần, Trưởng khoa Phát triển nông thôn Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng Khoa phát triển nông thôn đóng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang là điều kiện thuận lợi cho tỉnh do hiểu biết và sâu sát với thực tế của địa phương, thuận lợi trong trao đổi, hợp tác phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao. Khoa phát triển nông thôn sẽ là đầu mối cho các hoạt động hợp tác, tư vấn, nghiên cứu triển khai ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, tỉnh cần có chính sách đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư các ngành hàng trọng tâm, ngành hàng lựa chọn cho ứng dụng công nghệ cao, nhất là phát triển nông nghiệp trên nền tảng logictic mà Hậu Giang đang hướng đến.

Theo các nhà chuyên môn, với nhiều công việc đã triển khai để hướng đến nền nông nghiệp thông minh, nông nghiệp xanh mà Hậu Giang đang thực hiện với mong muốn trở thành tỉnh dẫn đầu trong xuất khẩu mặt hàng rau, củ, quả của vùng ĐBSCL trong những năm tới là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu thì tỉnh cũng cần sớm đề ra những chính sách ưu tiên, ưu đãi nhằm thu hút doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khi xây dựng nhà máy chế biến rau, củ, quả cũng nên tái cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi cho phù hợp và vùng nguyên liệu phải gần với nhà máy. “Hậu Giang cam kết bằng sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành và địa phương trong tỉnh, sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các tổ chức, các nhà đầu tư và doanh nghiệp thật sự thuận lợi khi đến đầu tư với Hậu Giang nhằm góp phần giúp tỉnh sớm đưa nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhà theo hướng công nghệ 4.0, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và tạo cuộc sống sung túc hơn cho nông dân…”, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Châu khẳng định.

Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - Bộ NN&PTNT, cho biết: Qua kết quả nghiên cứu thì tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch của mặt hàng rau, quả thường chiếm đến 5% nếu không được đầu tư về cơ sở hạ tầng tốt tại chỗ, cũng như áp dụng các quy trình sản xuất theo công nghệ cao. Từ yếu tố này cộng với việc người dân phải chịu cảnh hạn chế về cây giống, vật tư nông nghiệp thì chi phí sản xuất của mặt hàng rau, quả có thể chiếm từ 40-70%.

 

Bài, ảnh: H.THU - H.PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>