Hướng nông dân sản xuất theo quy trình an toàn

12/09/2019 | 07:51 GMT+7

Hậu Giang đang hướng đến một nền nông nghiệp sạch, phát triển theo định hướng an toàn thực phẩm. Để góp phần đạt được mục tiêu trên, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang nỗ lực triển khai nhiều dự án định hướng, hỗ trợ nông dân sản xuất. Trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang, ông Võ Xuân Tân (ảnh), Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết:

- Trong những năm gần đây, phong trào sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm (ATTP) được đặc biệt quan tâm. Mặt khác, người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Riêng nông dân ngày càng có ý thức hơn đối với chất lượng nông sản do mình làm ra. Tuy nhiên, diện tích và số lượng nông sản được chứng nhận theo tiêu chuẩn ATTP, VietGAP, GlobalGAP vẫn còn hạn chế.

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn tổ chức đào tạo nhiều lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức cho nông dân sản xuất ra sản phẩm đảm bảo an toàn, đồng thời hỗ trợ người dân một số mô hình canh tác theo hướng ATTP để nhân rộng.

Xin ông cho biết thêm về một số mô hình mà trung tâm đang triển khai trên các loại nông sản chủ lực ?

- Điển hình trên cây lúa, trung tâm đã xây dựng được 6.844ha các mô hình nhân giống lúa chất lượng cao, sản xuất lúa chất lượng cao, “3 giảm 3 tăng”, sản xuất lúa theo VietGAP… có 8.206 hộ tham gia. Ngành nông nghiệp đã xây dựng nhiều mô hình canh tác cây có múi theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm như xây dựng vùng chanh không hạt tại huyện Châu Thành (HTX Thạnh Phước) đã đạt chứng nhận GlobalGAP vào năm 2012 được 12 hộ với diện tích 17ha. Riêng năm 2018-2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang xây dựng mô hình sản xuất chanh không hạt sinh thái theo chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm tại huyện Châu Thành, quy mô 10ha với 17 hộ tham gia.

Những mô hình sản xuất sạch theo hướng an toàn thực phẩm đang ngày càng được người dân hưởng ứng.

Ngoài ra, đã quy hoạch vùng nguyên liệu cam sành tại thị xã Ngã Bảy đạt chất lượng tốt đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Đầu tư xây dựng trồng thâm canh cam sành theo hướng an toàn với diện tích 30ha, xây dựng mô hình trồng thâm canh cam sành theo hướng VietGAP với diện tích 15ha và đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Bưởi Năm Roi tại Hậu Giang đã được chứng nhận GlobalGAP với diện tích 55,4ha và được Công ty The Fruit Republic của Hà Lan bao tiêu trong diện tích này.

Còn diện tích trồng xoài cát Hòa Lộc ở Hậu Giang khoảng 3.500ha tập trung ở các huyện Châu Thành A, Phụng Hiệp, Châu Thành, thị xã Ngã Bảy. Hàng năm, nông dân trong tỉnh Hậu Giang có thể cung ứng khoảng 55.000 tấn cho thương lái các nơi đến mua bán và chủ yếu ăn tươi và tiêu thụ trong nước. Tỉnh đã phối hợp với Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Hâu, Trường Đại học Cần Thơ, thực hiện đề tài “Ứng dụng quy trình kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng và rải vụ xoài cát Hòa Lộc đạt tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang” nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như mang lại giá trị kinh tế cao. Đến nay, xoài cát Hòa Lộc tại Hậu Giang đã chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP được 20,06ha.

Cây khóm được chọn là một trong bốn cây chủ lực của tỉnh. Diện tích trồng khóm toàn tỉnh khoảng 2.000ha, sản lượng thu hoạch trên 40.000 tấn, tập trung ở thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ. Thời gian qua được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu hàng hóa “Khóm Cầu Đúc Hậu Giang” và được Sở Khoa học Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đầu tư nguồn giống, vốn để xây dựng các mô hình sản xuất theo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất khóm Cầu Đúc theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ năm 2009-2011, Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn cho HTX Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, xây dựng mô hình sản xuất khóm Cầu Đúc theo tiêu chuẩn VietGAP, đến nay diện tích đạt tiêu chuẩn VietGAP là 60ha.

Ngoài ra, đã hình thành và phát triển rất nhiều câu lạc bộ, hợp tác xã trồng rau màu. Nhưng hiện nay chỉ dừng lại ở mức độ các mô hình sản xuất rau an toàn chứ chưa đi lên phát triển theo hướng VietGAP. Từ năm 2010, mô hình trồng dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP bắt đầu thí điểm triển khai thực hiện tại hợp tác xã trồng dưa hấu ở ấp 1, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, trên diện tích 10ha với 15 hộ tham gia. Sau thời gian triển khai đã được Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản Vùng 6 công nhận cho 15 xã viên sản xuất dưa hấu đạt chứng chỉ VietGAP. Hầu hết sản phẩm làm ra của hợp tác xã đã được công ty, doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu ổn định đầu ra cho dưa hấu.

Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng mô hình sản xuất rau màu an toàn vệ sinh thực phẩm theo chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm, ở thành phố Vị Thanh, có 12 hộ tham gia. Mô hình trồng nấm rơm trong nhà theo chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm ở huyện Vị Thủy và thị xã Long Mỹ có 4 hộ tham gia.

Hiện tỉnh có những chính sách gì để khuyến khích người dân sản xuất nông sản theo hướng an toàn thực phẩm, sản xuất sạch, thưa ông ?

- Hàng năm, UBND tỉnh có ban hành Chương trình hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng hỗ trợ một số nông dân thực hiện mô hình theo hướng ATTP.

Cụ thể trong năm 2019, thực hiện dự án xây dựng mô hình tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh nấm rơm trong nhà và phân hữu cơ theo chuỗi giá trị. Địa bàn triển khai là xã Long Phú, thị xã Long Mỹ. Xây dựng mô hình tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh trứng vịt an toàn sinh học theo chuỗi giá trị. Triển khai ở phường Bình Thạnh, thị xã Long Mỹ; xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ. Xây dựng mô hình sản xuất chanh không hạt theo hướng sinh thái gắn với liên kết chuỗi giá trị ở xã Đông Phước A và xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành. Xây dựng mô hình khuyến nông đô thị theo hướng ứng dụng công nghệ cao với 12 hộ tham gia…

Đặc biệt, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang phối hợp với Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam triển khai phần mềm Truy xuất nguồn gốc “Nông sản Hậu Giang”. Website có tên miền là: https://nongsanhaugiang.com.vn/, đang hỗ trợ miễn phí cho nông dân đăng ký, đưa sản phẩm lên sàn giao dịch để tăng cường quảng bá nông sản, đồng thời hỗ trợ truy xuất nguồn gốc nông sản thông qua mã QR-Code. Phần mềm này có App cài lên điện thoại, nông dân có thể sử dụng để ghi nhật ký điện tử trong sản xuất.

Để đăng ký tài khoản tham gia sàn giao dịch này, bà con nông dân, các tổ chức, cá nhân có thể vào trang website với địa chỉ: https://nongsanhaugiang.com.vn/. Hoặc cài đặt app Agri360 về điện thoại, chọn Logo “NS Hậu Giang” để đăng ký tài khoản. Hoặc liên hệ cán bộ khuyến nông gần nhất trên địa bàn tỉnh Hậu Giang được hướng dẫn. Mọi chi tiết liên hệ về  Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hậu Giang. Điện thoại: 0903199508, Email: vxttan@gmail.com.

Theo ông, việc định hướng phát triển nông sản sản xuất theo hướng ATTP trong thời gian tới gắn với liên kết đầu ra, ra sao ?

- Thời gian tới, trung tâm tiếp tục triển khai tốt các nội dung Nghị định số 98 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và Quyết định số 100 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Đồng thời, tiếp tục tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xem việc xây dựng mô hình cánh đồng lớn, mô hình tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi, hợp đồng tiêu thụ gắn với truy xuất nguồn gốc nông sản là một trong những mũi đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Mở rộng cánh đồng lớn, mô hình tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi, hợp đồng tiêu thụ gắn với truy xuất nguồn gốc nông sản trên các đối tượng cây trồng vật nuôi chủ lực trên địa bàn tỉnh. Lồng ghép các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn tập trung cho cánh đồng lớn. Phát triển các vùng chuyên canh các đối tượng thế mạnh của tỉnh theo chuỗi gắn với truy xuất nguồn gốc và liên kết bao tiêu sản phẩm…

Xin cảm ơn ông !

KỲ ANH thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>