Tạo thương hiệu cho giáo dục

01/12/2020 | 08:36 GMT+7

Sau 5 năm khi thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016-2020, các trường đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong hoạt động nuôi dạy trẻ, tạo điều kiện để trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần.

Khu giáo dục phát triển thể chất của Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ, huyện Châu Thành.

Sáng tạo vì trẻ

Phấn khởi khi trường là một trong 3 trường mầm non, mẫu giáo được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen tại Hà Nội vừa qua vì đã có thành tích xuất sắc trong tổ chức chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016-2020, bà Nguyễn Lê Minh Trân, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hương Sen, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Vui lắm khi trường mang thêm vinh dự về cho giáo dục tỉnh nhà. Tại buổi khen thưởng, tôn vinh, tôi có thêm cơ hội được học hỏi kinh nghiệm hay trong nuôi dạy và chăm sóc trẻ. Tôi thấy dạy trẻ bây giờ cần lắm sự sáng tạo của cô giáo trong việc khơi gợi sự tò mò, ham học hỏi của các bé”.

Thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, thời gian qua Trường Mẫu giáo Hương Sen đã phát huy hiệu quả việc tăng cường bổ sung đồ dùng, đồ chơi tự làm, bố trí và làm mới sân chơi ngoài trời, tăng cường các hoạt động giáo dục thể chất cho trẻ, hoạt động thực nghiệm… Nhất là thực hiện thành công mô hình “Ba mẹ với các chủ đề của bé”. Mô hình được nhà trường triển khai thực hiện từ năm học 2018-2019 và nhân rộng cho đến nay. Tận dụng diện tích sân rộng, thoáng mát, trường bố trí 5 góc học tập gồm: Góc phát triển ngôn ngữ, Góc phát triển nhận thức, Góc phát triển thể chất, Góc phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội, Góc giáo dục phát triển thẩm mỹ, trang trí bắt mắt tại các góc sân trường để phụ huynh, giáo viên và trẻ thoải mái vui chơi, học tập. Cô Nguyễn Thị Xoàn, giáo viên của trường, bộc bạch: “Nhờ thực hiện mô hình có chất lượng nên phụ huynh ủng hộ nhà trường và kết hợp chặt chẽ với giáo viên để cùng nhau quan tâm, chăm sóc, giáo dục trẻ. Hoạt động là nền tảng giúp các bé có được môi trường học tập tốt nhất, trẻ phát triển và hình thành nhân cách một cách toàn diện”. Nhà trường đang triển khai mô hình “Tìm kiếm tài năng”, đã được Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận là mô hình đổi mới, sáng tạo trong dạy và học năm học 2019-2020 và triển khai nhận rộng cho các trường trong địa bàn tỉnh.

Còn tại Trường Mầm non Hoa Trà Mi, thành phố Vị Thanh, nhiều năm qua nhà trường đã xây dựng và triển khai các mô hình hiệu quả như: “Mô hình rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ mẫu giáo 4-5 tuổi”, “Mô hình thư viện lớp học”, “Đường bóng vui nhộn”… Hoạt động đã góp phần đưa chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” đi vào thực tế hoạt động nuôi và dạy trẻ. Bà Huỳnh Thanh Nhãn, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Thực hiện chuyên đề nhà trường chỉ đạo giáo viên lựa chọn các hoạt động linh hoạt, sáng tạo, phù hợp từng độ tuổi, từng nhóm lớp. Ở tất cả các nhóm lớp và sân trường chúng tôi đều bố trí các góc học tập, góc vận động, góc vui chơi phù hợp. Chúng tôi xây dựng môi trường giáo dục tích cực cả trong và ngoài lớp học, để trẻ được “học mà chơi, chơi mà học” an toàn, hấp dẫn, bổ ích, có chất lượng”. Nhiều năm qua, tỷ lệ huy động trẻ từ 3 đến 5 tuổi của trường luôn đạt và vượt chỉ tiêu, không có trẻ suy dinh dưỡng thấp còi…

Tạo niềm tin, uy tín và thương hiệu

Nhìn trẻ khỏe khoắn vui chơi tại sân trường, bà Huỳnh Như Nguyệt, Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ, huyện Châu Thành, tiết lộ: “Tận dụng diện tích sân mát mẻ, nhà trường sẽ thực hiện mô hình mới là “Vườn cổ tích cho bé”. Chúng tôi đã đặt mua các con vật như: hươu, cây nấm, con sóc, con nai, các hòn non bộ, cây xanh… để tạo nét mới lạ, hấp dẫn cho bé. Với mô hình này, các bé sẽ được cô giáo kể cho nghe nhiều truyện hay mang tính giáo dục và rèn luyện tư duy phán đoán, phát huy tính suy luận cho trẻ. Hấp dẫn nhất sẽ là buổi học sau, các bé sẽ cùng với phụ huynh mình được đóng vai nhận vật trong từng câu chuyện…”. Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ hiện có 330 trẻ, với 12 nhóm lớp. Kết thúc năm học 2019-2020, trường được Sở Giáo dục và Đào tạo tặng giấy khen thực hiện hiệu quả chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Cùng với mô hình mới, trường cũng đang thực hiện mô hình “Vườn rau em chăm”, “Khu giáo dục phát triển thể chất”…

Các trường đã gắn kết tốt với phụ huynh, khi họ nhiệt tình ủng hộ các nguyên vật liệu như: lốp xe cũ, ống nước cũ, dây thừng, vải vụn, sơn... tranh thủ thời gian, công sức để từ những vật liệu tưởng chừng như bỏ đi đó, cùng với giáo viên làm thành các đồ chơi ý nghĩa cho trẻ như: làm hệ thống cổng chui, ống chui, nhằm phát triển cơ tay và cơ chân cho trẻ, làm cầu dao động cho trẻ phát triển cơ chân và rèn giữ khả năng thăng bằng, làm thang leo giúp trẻ phát triển khả năng vận động, rèn sự khéo léo, nhanh nhẹn và bền bỉ khi luyện tập... Bà Mai Thị Lan, phụ huynh học sinh Trường Mầm non Họa Mi, huyện Vị Thủy, thổ lộ: “Tôi thấy tin tưởng vào việc nuôi dạy và chăm sóc trẻ của trường. Vì mỗi ngày con về nhà đều khỏe khoắn, hiếu động, vui tươi, hát hò ríu rít”.

Toàn tỉnh hiện có 84 trường mầm non, mẫu giáo công lập và 2 trường mầm non tư thục với hơn 20.500 trẻ. Trong 5 năm qua, đã có 100% trường mầm non, mẫu giáo trong tỉnh được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất: cải tạo sân vườn, đầu tư trang thiết bị, xây dựng các góc học tập trong lớp và ngoài trời, mua sắm đồ dùng đồ chơi, tổ chức tập huấn, hội thảo chuyên đề, tổ chức cuộc thi “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, tổ chức được hơn 40 buổi hội thảo, tập huấn chuyên đề tại 40 trường mầm non, mẫu giáo thuộc 8 huyện, thị, thành phố… Tổng kinh phí được đầu tư triển khai thực hiện chuyên đề hơn 144,4 tỉ đồng…

Triển khai tốt chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, là cơ hội cũng như nền tảng để mỗi trường chủ động, đổi mới, sáng tạo trong việc chăm sóc và nuôi dạy trẻ, để mỗi trẻ học tập tại trường đều phát triển toàn diện, tạo niềm tin, uy tín trong phụ huynh và góp phần tạo nên thương hiệu giáo dục cùng các tỉnh bạn.

Đã có sự thay đổi toàn diện

 

“Cảnh quan, môi trường bên trong và bên ngoài lớp học đã có sự chuyển biến toàn diện, rõ nét. Các trường đã chủ động, làm tốt công tác tham mưu, xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là sự ủng hộ tích cực của các bậc phụ huynh về xây dựng cơ sở vật chất, cảnh quan trường học. Giáo viên biết thiết kế góc chơi ngay tại lớp học theo hướng mở, linh hoạt, sáng tạo, có nội dung chơi, tên góc rõ ràng, phù hợp… tạo môi trường thân thiện cho giáo viên và trẻ cùng tham gia các hoạt động giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ”, bà Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, nhận định.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích