Cây xanh trường học phải thêm xanh

28/06/2020 | 14:47 GMT+7

Các trường học trên địa bàn tỉnh đều cố gắng bảo vệ mảng xanh và định hướng trồng cây trong trường học đã được lãnh đạo tỉnh quan tâm từ vài năm trước...

Trường THCS Vị Thủy chọn lựa cây xanh phù hợp để xây dựng mô hình mới “Vườn sinh vật”.

Vòm cây xanh mát - Hình ảnh không thể thiếu trong trường học

Em Nguyễn Thị Ngọc Trân, học sinh lớp 9A2, Trường THCS Vị Thủy, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Sắp rời xa mái trường đã gắn bó với em trong suốt 4 năm học cấp 2, điều em nhớ nhất chính là sự quan tâm của thầy cô dành cho học sinh chúng em. Và nhớ nhì là những hàng phượng vĩ nở đỏ rực rất đẹp trong sân trường”.

Ông Cao Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS Vị Thủy, cho biết: “Hàng năm, chúng tôi đều chọn và trồng thêm nhiều cây xanh. Khi trồng đều có tính toán cụ thể những cây nào cần trồng trong sân trường để tạo bóng mát, những cây nào trồng làm kiểng để học sinh ngắm, những cây nào trồng ngoài hàng rào để tạo vẻ mỹ quan. Chọn và trồng cây xanh được chúng tôi quan tâm và thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền trong học sinh để chung tay cùng thầy cô giáo chăm sóc, tăng cường thêm cây xanh trong nhà trường”.

Trường THCS Vị Thủy là một trong những điển hình trường học thực hiện có chất lượng mô hình “Xây dựng trường học có cảnh quan môi trường, sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”. Năm học 2015-2016, trường đạt giải nhì cuộc thi mô hình có cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp cấp tỉnh. Trường được thành lập vào năm 2007, từ đó đến nay, các cây xanh của trường đều được quan tâm và chăm sóc khá kỹ càng. Việc kiểm tra, mé các nhánh cây yếu, bị sâu mọt, cây phát triển quá cao… là việc làm thường xuyên.

  Còn tại Trường THPT Hòa An, huyện Phụng Hiệp, dấu ấn để lại cho khách đến thăm trường chính là việc thấy từng nhóm học sinh chia nhau luyện tập thể dục dưới những vòm cây mát rượi. Ông Nguyễn Văn Truyền, Phó Hiệu trưởng nhà trường, bộc bạch: “Trước đây trường trồng nhiều cây bàng. Khi thực hiện theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, năm học 2015-2016 chúng tôi đã thay thế dần những cây bàng thành những cây phượng, cây xà cừ, hoa hoàng hậu… Trong mùa mưa bão chúng tôi cũng đã tiến hành kiểm tra và cắt, mé những cành cây yếu, tán rộng để đảm bảo an toàn cho học sinh”.

Từ những tình huống đáng tiếc xảy ra do cây xanh ngã đè làm chết 1 học sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh mà đã có nhiều trường học để đảm bảo an toàn đã chặt, đốn bỏ cây xanh vô tội vạ.

Câu hỏi đặt ra là giải pháp nào để vẫn có thể tiếp tục duy trì mảng xanh trong trường học, đồng thời đảm bảo an toàn cho học sinh là vấn đề cấp thiết đang được các nhà trường nỗ lực thực hiện.  

Tạo mảng xanh song hành với đảm bảo an toàn

Ông Bùi Trọng Lực, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang, chia sẻ: “Việc quản lý cây xanh là do các trường chủ động thực hiện. Theo tôi, trồng cây xanh trong nhà trường là một trong những việc làm không thể thiếu nhằm tạo bóng mát, không gian gần gũi thiên nhiên cho học sinh học tập, vui chơi. Nhà trường cần quan tâm quản lý, chăm sóc, kiểm tra, cắt, mé nhánh những cây lâu năm, có tán lớn, nhiều nhánh để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Khi trồng mới cây xanh, các trường không nên chọn những cây rễ ăn trên mặt đất vì không đảm bảo an toàn, dễ đổ ngã. Quan trọng là quản lý, chăm sóc và kiểm tra thường xuyên cây xanh”. 

Năm học 2015-2016, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có lưu ý trong việc trồng, quy hoạch cây xanh trong trường học. Khi đó, ông Trần Công Chánh còn là Bí thư Tỉnh ủy đã yêu cầu ngành giáo dục và đào tạo rà soát, tăng cường trồng thêm nhiều cây xanh trong nhà trường để vừa tránh việc xi măng hóa sân trường, tạo sự mát mẻ cho khuôn viên trường học. Kiểm tra và yêu cầu các trường học thay thế cây bàng bằng một số cây xanh như cây phượng, hoa hoàng hậu, bằng lăng… để vừa tạo vẻ mỹ quan cho trường học, vừa tạo ấn tượng đẹp với học sinh về tuổi học trò. Từ những đợt khảo sát nâng cấp cơ sở vật chất, trường lớp ông nhận thấy cây bàng phát triển rất nhanh, rễ bám rộng dẫn đến rất nhiều mặt nền sân chơi bị hư hỏng nặng, do rễ cây gây ra.

Với định hướng đó, nhiều trường học trong địa bàn tỉnh đã rà soát và tiến hành tìm, trồng nhiều cây xanh phù hợp hơn để tạo dấu ấn riêng cho nhà trường. Bà Trương Thị Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Trường học thường gắn liền với hàng phượng vĩ nên chúng tôi đã tự quy hoạch và trồng 2 hàng phượng trong sân trường. Giao cho công đoàn trường cùng bảo vệ trường chăm sóc, kiểm tra. Bên cạnh đó, xây dựng mô hình trang trí lớp học, chia đội sao đỏ để chăm sóc các cây xanh… có khen thưởng thi đua cho các lớp sau mỗi học kỳ. Tôi thấy trường học càng xanh, càng mát mẻ, giúp học tập nâng tầm chất lượng rất nhiều”.    

Thực tế cho thấy, cây xanh trường học không chỉ giảm nóng bức, mang tới không gian tươi mát mà còn là giải pháp hữu hiệu khi rất nhiều trường học trong thành phố và nông thôn, nơi nhà trường chưa có điều kiện làm bạt che… Bà Trần Thị Lượm, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Phụng Hiệp, nguyên là Hiệu trưởng Trường THCS Tân Long, chia sẻ: “Để trồng được một cây xanh phát triển tốt cần thời gian rất dài và tốn nhiều công sức chăm sóc nên theo tôi các trường không nên chặt bỏ cây rất uổng. Thay vào đó là quản lý chặt hơn, tăng cường kiểm tra, chọn lựa những cây xanh có chiều cao trung bình để vừa làm cảnh, vừa che bóng mát, lại vừa an toàn cho nhà trường”.

Trường học phải thường xuyên kiểm tra, rà soát toàn bộ cây xanh trong khuôn viên

Bà Lê Hồng Đào, Trưởng phòng Pháp chế, Chính trị, Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo các trường tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích và ứng phó với tình hình thời tiết trong mùa mưa bão. Các trường học thường xuyên kiểm tra, rà soát toàn bộ cây xanh trong khuôn viên nhà trường, đối với những cây không an toàn, dễ gãy, mục, sâu bệnh, tán lá lớn và quá cao… có thể chặt, tỉa cành không để xảy ra trường hợp ảnh hưởng đến tính mạng của học sinh, giáo viên và nhân viên nhà trường”.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>