Đừng để du lịch cứ là “tiềm năng”

15/08/2018 | 07:49 GMT+7

Hơn 4 năm Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Hậu Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 ra đời, bức tranh du lịch Hậu Giang có nhiều chuyển biến, nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng.

Dự án khôi phục Chợ nổi Ngã Bảy được kỳ vọng sẽ hút khách trong tua du lịch trọng điểm.

Có sản phẩm du lịch ban đầu

Làm du lịch là phải xây dựng cho được sản phẩm du lịch. Đây là điều sống - còn để níu chân du khách. Sản phẩm du lịch dễ nhận thấy ở Hậu Giang trong những năm qua chính là du lịch cộng đồng, điển hình và tại vùng khóm Cầu Đúc. Ông Lê Minh Dũng, Phó phòng Nghiệp vụ Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chia sẻ, số hộ gia đình làm du lịch ở đây lúc đầu có một, giờ đã tăng lên. Một số người dân cũng bắt đầu có ý tưởng làm du lịch. Hộ kinh doanh ở đây đã nghĩ ra nhiều sản phẩm từ trái khóm như mứt khóm, rượu khóm, củ hũ khóm, để làm quà tặng hoặc làm những món ăn đặc sản không đâu có được. Hướng tới sẽ từng bước đăng ký thương hiệu”.

Hậu Giang đã đầu tư và đưa vào khai thác địa điểm cây lộc vừng 300 năm tuổi ở xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, với tổng kinh phí hơn 4 tỉ đồng; kêu gọi đầu tư Khu du lịch Lung Ngọc Hoàng đã đưa vào khai thác, dần thu hút du khách trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, dự án Bảo tồn và phát huy Chợ nổi Ngã Bảy gắn với du lịch sông nước miệt vườn, với tổng mức đầu tư khoảng 35 tỉ đồng đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công trình.

Bên cạnh đó, việc kêu gọi đầu tư dự án du lịch sinh thái rừng tràm Việt - Úc với 100% vốn đầu tư vốn nước ngoài hơn 10 năm nay trên địa bàn huyện Vị Thủy đang dần hoàn thiện, hứa hẹn sẽ là khu nghỉ dưỡng lý tưởng. Ông Phan Phước Thọ, Phó Giám đốc Công ty TNHH Việt - Úc Hậu Giang, cho biết: “Công ty đã mất một khoảng thời gian khá dài để xử lý đất, phân khu trồng đủ loại cây ăn trái vùng đồng bằng sông Cửu Long, nuôi động vật hoang dã… Đến giờ này, đã khá hoàn chỉnh. Chúng tôi bắt đầu tập trung xây dựng khu nghỉ dưỡng, dự kiến hoàn thiện và đón khách vào năm 2020”.

Từ đó, đã dần hình thành nên những tua, tuyến tham quan hấp dẫn: Khu du lịch Lung Ngọc Hoàng - Chợ nổi Ngã Bảy - địa điểm cây lộc vừng. Đây cũng là tua du lịch trọng điểm của Hậu Giang. Cùng với đó, các điểm du lịch riêng lẻ, từ du lịch sinh thái đến du lịch đỏ, du lịch tâm linh cũng dần hình thành, tạo nên bức tranh chung cho du lịch Hậu Giang.

Nhưng lúng túng

Thực hiện Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Kế hoạch số 100 để triển khai thực hiện nghị quyết, ban hành Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016-2020… Trong đó, có quy định từng phần việc cụ thể, sự phối hợp, kết hợp và triển khai thực hiện của các đơn vị có liên quan.

Tuy nhiên đến hiện tại, ngoài những công trình đã được đầu tư và kêu gọi đầu tư bước đầu, thì số lượng phần việc thực hiện còn ít, có phần rời rạc. Các địa phương chưa chủ động mạnh dạn đưa phát triển du lịch trở thành ngành phục vụ cho sự phát triển. Nếu có xây dựng kế hoạch, thì việc xây dựng kế hoạch cũng còn chung chung, chưa định hình được sẽ xây dựng sản phẩm gì và khai thác du lịch ra sao.

Điểm sáng nổi lên là thị xã Ngã Bảy, khi có được một dự án khôi phục Chợ nổi Ngã Bảy khá ấn tượng. Còn lại nhiều địa phương gặp lúng túng. Ông Tống Huy Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, nhìn nhận: “Đúng là chúng tôi không định hình được là sẽ xây dựng sản phẩm gì đặc thù, làm cách nào để kéo khách du lịch đến địa phương. Không chỉ khó khăn về vốn, nhân lực làm du lịch, chúng tôi còn gặp khó về cách làm du lịch”.

Dù biết rằng làm du lịch không hề dễ, nhất là trong xu thế chung của vùng đã quá quen thuộc với du lịch sông nước, tâm linh, du lịch đỏ… Vì thế, để Hậu Giang xây dựng những sản phẩm du lịch hút khách không phải là chuyện dễ. Có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh là điều kiện thuận lợi bước đầu để phát triển du lịch. Tuy nhiên, để làm được là một câu chuyện dài…

Trong đợt khảo sát về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy, ông Nguyễn Hữu Tình, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh, nhấn mạnh: “Chúng tôi đã thấy được phần nào những khó khăn của ngành, địa phương, sẽ có đề xuất sơ kết các kế hoạch của UBND tỉnh đã ban hành, để có sự đánh giá xác đáng, thấy được những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân sâu xa làm cho du lịch Hậu Giang phát triển chưa như ý muốn”.

Sản phẩm du lịch của Hậu Giang không thiếu, nhưng xem ra đến thời điểm này, vẫn còn ở dạng tiềm năng. Làm gì để du lịch phát triển? Vẫn còn là bài toán đang cần một lời giải sát với thực tế, có khả năng thực hiện!

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích