Hãy cùng phòng, chống đuối nước trẻ em

23/06/2020 | 09:14 GMT+7

Các cấp, các ngành dù đã thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống đuối nước ở trẻ em, song tai nạn đuối nước vẫn còn diễn biến phức tạp. Để hạn chế đến mức thấp nhất những vụ việc đáng tiếc xảy ra, ngành chức năng mong muốn mọi người hãy cùng chung tay bảo vệ, để trẻ em sống trong môi trường an toàn, lành mạnh.

Học bơi là một trong những giải pháp thiết thực để phòng, chống đuối nước cho trẻ.

Nguyên nhân nào của những vụ việc đuối nước đau lòng ?

Tình trạng đuối nước ở trẻ em xảy ra ở các địa phương gây đau xót cho gia đình, xã hội và làm người dân băn khoăn, lo lắng. Chẳng hạn như vụ đuối nước xảy ra vào ngày 10-3-2019 ở thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A. Nạn nhân là cháu V.T.Th. (sinh năm 2004). Hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ của Th. đi làm phụ hồ ở tỉnh Bình Dương, cháu Th. ở nhà cùng ông bà ngoại. Khoảng 15 giờ 30 phút, ngày 10-3-2019 cháu Th. đi chơi cùng cháu T. lớn hơn Th. 3 tuổi, trong lúc đi chơi, chân cháu Th. bị dơ nên cháu đi xuống sông rửa chân, do bất cẩn nên cháu bị rơi xuống sông. Lúc đó, cháu T. thấy và đã truy hô lên và có người đi ngang nên nhảy xuống cứu cháu Th. Tuy nhiên, do sông sâu, nên khi vớt được thì cháu Th. đã tử vong.

Còn trường hợp cháu N.Q.B. (sinh năm 2018) ở thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp, cũng bị đuối nước tử vong. Sự việc xảy ra khoảng 15 giờ ngày 14-9-2019. Hôm ấy, B. được người chị 8 tuổi dẫn đi lại xóm coi mấy anh chị đá banh. Các em chơi đá bánh cùng nhau xuống mương chơi, sau đó ra về. Lúc đó, chị của B. cũng đi về nhà và bỏ quên em mình. Đến nhà, mẹ của B. không thấy em cùng về, cả nhà tức tốc chạy lại nơi các em chơi khi nãy tìm B., nhưng B. đã té xuống nước và tử vong.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 20 vụ đuối nước trẻ em. Trong các nguyên nhân dẫn đến các vụ việc đáng tiếc phần lớn là do sự bất cẩn, thiếu giám sát của người lớn khi trẻ đến những nơi nguy hiểm và sự hiếu động của các em.

Giải pháp tích cực

Để chủ động phòng, chống đuối nước cho trẻ em, cũng như hạn chế đến mức thấp nhất những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra, các xã, phường, thị trấn đã tích cực tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho mọi người trong cộng đồng về phòng, chống đuối nước cho trẻ. Các phụ huynh luôn nhắc nhở con em mình không nên tắm sông khi không có người lớn giám sát. Em Nguyễn Văn Nhiều, ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Năm nay, em 12 tuổi rồi. Do nhà ở gần sông, nên cha mẹ đi ruộng về cũng tranh thủ tập bơi cho em. Đến nay, em đã tự bơi được. Cha mẹ cũng căn dặn em không được xuống gần mé sông, hoặc tự ý tắm sông mà không có cha mẹ trông chừng”.

Tai nạn đuối nước đối với trẻ em không những gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng về con người, tài sản, những mất mát vô cùng đáng tiếc mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội… Do đó, việc phòng, tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em không chỉ là trách nhiệm của gia đình mà còn của cả cộng đồng xã hội. Theo ông Võ Phú Cường, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, để hạn chế đến mức thấp nhất những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho người dân. Đồng thời, thực hiện các mô hình, để xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ em. Phối hợp các ngành tổ chức dạy bơi cho trẻ. Việc học bơi sẽ giúp trẻ tránh được sự nguy hiểm khi ở dưới nước, cũng như có khả năng cứu được người không may bị đuối nước…

Bên cạnh sự nỗ lực của ngành chức năng, rất cần sự chung tay của toàn xã hội. Trong đó, mỗi gia đình, các bậc phụ huynh cần nhắc nhở các em không nên tắm sông, đùa giỡn gần sông sâu nguy hiểm nếu không có người lớn trông coi. Chủ động cho các em tham gia các khóa học bơi an toàn để nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng tránh đuối nước, góp phần xây dựng một xã hội an toàn cho trẻ em.

Những thông điệp, khẩu hiệu truyền thông của Tháng hành động vì trẻ em năm 2020

Mùa hè an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em; bảo vệ trẻ em sống an toàn ngay tại gia đình là trách nhiệm của cha mẹ và các thành viên của gia đình; Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động; Gọi Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để tố cáo mọi hành vi xâm hại trẻ em...

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>