Để trẻ phát triển toàn diện, an toàn

31/05/2020 | 13:51 GMT+7

Hậu Giang đã thực hiện nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ vật chất, tinh thần cho trẻ em, giúp các em phát triển một cách toàn diện, an toàn. Đó cũng là thực hiện theo lời dạy của Bác “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ”...

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đồng Văn Thanh (bìa trái) trong một dịp trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Mô hình hay trong bảo vệ con em

Gia đình có cháu nhỏ, nên khi được địa phương vận động thực hiện mô hình “Ngôi nhà an toàn cho trẻ em”, vợ chồng ông Lê Văn Tuấn, ở khu vực 4, phường V, thành phố Vị Thanh, đã đăng ký thực hiện. Hiện nay, vợ chồng ông Tuấn trông chừng đứa cháu nội chỉ mới 1 tuổi. Để đảm bảo vệ sinh, hàng ngày bà Trần Thị Lệ - vợ ông Tuấn đều lau dọn nhà cửa sạch sẽ, để cháu ngồi chơi dưới sàn nhà. Các vật dụng đồ chơi của cháu, cũng được bà rửa sạch sẽ. Đặc biệt, các vật dụng sắc nhọn, đồ điện đều được bố trí trên cao, tránh xa tầm với của trẻ. Ông Tuấn cho biết: “Nhà có cháu nhỏ nên mình phải cẩn thận, kỹ lưỡng, chỉ cần sơ suất là gây hậu quả lắm”.

Điểm nổi bật của mô hình là xây dựng hàng rào xung quanh nhà, cũng như bố trí đồ đạc hợp lý, để phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ. “Qua hướng dẫn của cán bộ địa phương, tôi đã biết cách bố trí các vật dụng trong nhà sao cho an toàn với trẻ như cửa sổ, cửa đi phải có móc áp sát vào tường, để trẻ chạy nhảy không bị va quẹt, vướng víu. Các đồ vật gia đình sắc nhọn, bình thủy đựng nước nóng, bếp nấu ăn chúng tôi bố trí trên cao, xa tầm với của trẻ. Lối đi từ nhà trên xuống nhà dưới có cửa ngăn, để đảm bảo an toàn cho trẻ”, ông Tuấn cho biết.

Gia đình ông Tuấn luôn thực hiện tốt mô hình “Ngôi nhà an toàn cho trẻ”.

Còn bà Nguyễn Thị Lan, cũng ở khu vực 4, phường V, tỏ ra yên tâm khi mấy năm nay việc trông coi cháu nội đỡ vất vả hơn nhờ có hàng rào chắc chắn, cháu không chạy ra đường, bởi nhà ở gần lộ. Theo bà Lan, qua tuyên truyền về những tác hại nguy hiểm của tai nạn thương tích đối với sức khỏe, làm ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Từ đó, gia đình có những biện pháp phòng tránh an toàn cho trẻ. “Nhà bán nước giải khát, tôi bố trí ly uống nước, bếp gas nấu nước cũng ở trên cao, để cháu không với tay được. Con nít hiếu động lắm, chỉ cần mình không để ý là chạy tới lấy rồi”, bà Lan cho hay.

Xác định công tác bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ quan trọng, tỉnh đã triển khai xây dựng mô hình “Ngôi nhà an toàn cho trẻ em” để phòng, chống tai nạn thương tích tại các xã, phường, thị trấn.

Đảm bảo quyền lợi cho trẻ em - Nhiệm vụ thường xuyên

Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh nói riêng luôn được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện tốt, xem đây là nhiệm vụ có ý nghĩa thiết thực.

Những năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ngành, các cấp tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Cùng với đó, quan tâm thực hiện các mô hình để phát huy các quyền của các em. Đồng thời, thông qua các hình thức như thăm hỏi tặng quà, trao học bổng, tặng xe đạp, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, phẫu thuật tim… giúp trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có thêm nguồn động viên, niềm tin để vươn lên trong cuộc sống. Em Trịnh Thị Nhiên, ở thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, cho biết: “Được các cô, chú quan tâm tặng quà nhân dịp xuân yêu thương, em và các bạn thấy vui lắm, bởi chúng em biết rằng, ngoài gia đình thì mọi người vẫn luôn quan tâm, dành tình yêu thương cho những học sinh nghèo tụi em. Em sẽ cố gắng học thật tốt để không phụ lòng yêu thương và sự quan tâm của mọi người”.

Toàn tỉnh có trên 178.000 trẻ em, trong đó có gần 15.300 em thuộc hộ nghèo, trên 10.000 em thuộc hộ cận nghèo, trên 1.000 trẻ em khuyết tật. Nhìn chung, các em rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của toàn xã hội. Thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh đã thực hiện nhiều mô hình, cách làm thiết thực, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần. Trong tháng 6 này, những hoạt động đó càng được đẩy mạnh hơn nữa, nhằm giúp các em có sân chơi vui tươi, bổ ích.

Ông Huỳnh Minh Kha, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Vị Thủy, cho biết: “Trong tháng 6 này, ngoài phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tặng quà cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, địa phương cũng ra mắt mô hình tập bơi cho trẻ em, vận động xây dựng nhà tình thương cho trẻ mồ côi… Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, tạo sân chơi an toàn, lành mạnh cho các em”.

Nhằm giúp trẻ được phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Võ Phú Cường nhấn mạnh: “Công tác bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em luôn được xác định là nhiệm vụ xuyên suốt và lâu dài. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, các cấp thực hiện tốt việc chăm lo, bảo vệ trẻ em. Thực hiện các giải pháp để phát huy quyền trẻ em, tiếp tục kêu gọi mọi người đóng góp vào Quỹ bảo trợ trẻ em cũng như huy động các nguồn lực trong cộng đồng để chăm lo, hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Qua đó, giúp các em vơi bớt khó khăn, vươn lên hòa nhập cộng đồng”.

Nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cùng cộng đồng đã tạo điều kiện cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, phát triển toàn diện. Cảm nhận được sự quan tâm, chia sẻ, lòng yêu thương sẽ là động lực để các em nỗ lực hơn trong học tập, vững vàng hơn trong cuộc sống. Từ đó, tiếp tục phấn đấu vươn lên trở thành công dân có ích cho xã hội trong tương lai.

   Phấn đấu có 1.000 “Ngôi nhà an toàn cho trẻ em” được công nhận

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã xây dựng 600 “Ngôi nhà an toàn cho trẻ em”, dự kiến đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 1.000 “Ngôi nhà an toàn cho trẻ em” được công nhận. Theo ông Võ Phú Cường, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, mô hình “Ngôi nhà an toàn cho trẻ em” có các tiêu chí như đảm bảo an toàn trong nhà, đảm bảo an toàn về điện cũng như các đồ dùng trong gia đình, các vật sắc nhọn phải để xa tầm tay trẻ em… Thời gian qua, mô hình đã nhận được sự quan tâm của địa phương và người dân. Nhờ đó, số lượng “Ngôi nhà an toàn cho trẻ” được công nhận ngày càng tăng, góp phần phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ.

 

“Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em”

Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 trên địa bàn tỉnh diễn ra từ ngày 1 đến 30-6, với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em”. Tháng hành động năm nay có các hoạt động như tổ chức truyền thông trên các phương tiện thông tin về pháp luật, chính sách hỗ trợ cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; đăng tải các khẩu hiệu, thông điệp của Tháng hành động. Tỉnh sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức thăm, tặng 200 phần quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, trẻ em bị bạo lực, xâm hại thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em…

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 178.000 trẻ em. Trong đó có trên 26.000 trẻ em sống trong gia đình thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trên 1.000 trẻ em khuyết tật…

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>