Cha mẹ đã quá dễ dãi với con cái !?

14/11/2019 | 07:11 GMT+7

Chứng kiến cảnh một bé trai chưa đầy 3 tuổi cầm một chiếc điện thoại thông minh (smartphone), dán mắt vào điện thoại tại một trung tâm thương mại, còn cha mẹ mải miết ngắm hàng hóa, lại thấy giật mình. Phải chăng cha mẹ đã quá dễ dãi với con mình trong thời điểm bùng nổ công nghệ thông tin như thế này, mà không nghĩ tới tác hại mang lại cho trẻ?

Hình ảnh em bé (khoanh tròn) với chiếc điện thoại thông minh trên tay khiến nhiều người suy nghĩ.

Câu chuyện của bé trai mà tôi chứng kiến chắc không lạ. Tại tiệm kem, quán ăn, quán cà phê, khu vui chơi… tất tần tật. Cảnh cha mẹ cho con cầm miết cái điện thoại xem đủ thứ kênh trên Youtube, đã không còn là chuyện hiếm.

Điện thoại thông minh hầu như không nhà nào không có, từ những người khá giả cho đến những người điều kiện còn khó khăn. Chính vì vậy, trẻ em được tiếp cận với điện thoại thông minh từ rất sớm, dễ dàng. Ông Nguyễn Văn Tuất, ở khu vực 3, phường V, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Con nó mua cho cái điện thoại, tôi gần tháng trời mới quen được nhận cuộc gọi đến, biết lướt cảm ứng này kia. Còn mấy đứa cháu 4-5 tuổi, nó cầm có 2-3 ngày nó biết sử dụng đủ thứ, thiệt tụi nó hay hơn mình biết bao nhiêu”. Cái hay của những đứa bé nói như ông Tuất có phần đúng vì trẻ bây giờ thông minh, nhưng đó cũng là cái dở, khi cho trẻ tiếp cận quá sớm với những thiết bị công nghệ thông minh một cách không cần thiết.

Chị Lê Thị Lệ, ở thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, nói: “Con cái khi hè tới hoặc lúc học về không có bạn chơi, mình bận buôn bán này nọ nên đâu có chơi với con suốt được, công chuyện tùm lum hết, nên nó mượn điện thoại thì đưa luôn chứ có biết sao giờ, có cái điện thoại nó ở trong nhà suốt à, không có đi đâu nên đỡ lo”. Chị Lê Thị Lý Lan, ở khu vực 3, phường IV, thành phố Vị Thanh, thì nhớ lại, cách đây 6, 7 năm, làm gì có chuyện mỗi bé cầm một cái điện thoại đắt tiền bấm bấm thế này. Còn thời của chị, chẳng có gì liên quan đến trò chơi điện tử. Sau giờ học chỉ có những trò chơi vận động.

Nhiều người đang rất lo lắng, khi trẻ càng ngày càng thích điện thoại thông minh, trong khi cha mẹ ngày càng ít trò chuyện, chơi các trò chơi vận động với con mình, nên gần như cứ bận rộn là cho trẻ xem ti vi hoặc đơn giản… quăng cho mình cái điện thoại coi như xong. Các bậc cha mẹ đâu biết rằng, họ mang lại sự hài lòng cho con ít phút, nhưng hậu quả có thể để lại cả đời. Tình cờ biết được câu chuyện của gia đình chị Trương Thị T., ở gần chợ Phường III, thành phố Vị Thanh, có con trai 5 tuổi bị bệnh tự kỷ đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ, chị cho biết, công việc của anh chị quá bận rộn, nên cố gắng lo những cái đầy đủ nhất cho con của mình. Nên hầu như rất ít trò chuyện cùng con cái, có chăng là cưng nựng chút ít khi chiều về nhà. Anh chị có mua cho con một cái điện thoại, ban đầu đứa bé thích thú, nhưng càng ngày nó càng ít cười nói, ít trò chuyện, chơi giỡn cùng người thân… Thấy con thay đổi, chị đưa đi khám, thì bác sĩ cho biết con mình bị tự kỷ. Qua sự tư vấn của bác sĩ, chị mới biết, nguyên nhân có phần là do gia đình cho trẻ sử dụng điện thoại quá nhiều và quá sớm, khiến bệnh của con nặng hơn.

Theo thống kê của các tổ chức độc lập và ngành y tế được công bố trên các tạp chí chuyên ngành uy tín, cứ 10 phụ huynh, có tới 8 người cho trẻ dùng điện thoại thông minh, máy tính bảng. Đáng lo hơn là có tới hơn 90% gia đình cho trẻ từ 2 tuổi trở lên sử dụng các thiết bị công nghệ, điện thoại thông minh như là một cách để bé ngoan ngoãn hơn. Các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa ra nhiều thông tin về hậu quả liên quan tới sử dụng điện thoại ở trẻ em, gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các bậc phụ huynh, cha mẹ trẻ. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra những nguy cơ như giảm trí nhớ, u tế bào thần kinh, ung thư não ở những trẻ sử dụng điện thoại nhiều...

Không chỉ như vậy, việc sử dụng các thiết bị di động còn tác động rất xấu đến tâm sinh lý của trẻ: Làm trẻ tăng nguy cơ béo phì lên tới hơn 30%, tăng nguy cơ mất ngủ lên 55%, sự suy giảm hệ thống miễn dịch do tiếp xúc với vi khuẩn trên điện thoại, gây ra các bệnh tim mạch cho trẻ, gia tăng tính bạo lực, giảm sự tập trung của trẻ… sử dụng điện thoại, ipad lâu, dán mắt quá tập trung vào màn hình, không chỉ ảnh hưởng đến cột sống lưng, cổ mà thị lực vốn còn non yếu và chưa hoàn thiện ở trẻ nhỏ sẽ dễ bị ảnh hưởng. Trẻ có thể bị cận thị từ rất sớm.

Những bậc phụ huynh hãy cố gắng bảo vệ trẻ trước những thiết bị số hiện đại, đó cũng là cách xây tương lai tốt nhất cho con cái mình.

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>