Tổ chức thực hiện Công ước số 98

01/08/2019 | 23:58 GMT+7

Ban hành Nghị quyết số 80/2019/QH14 gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể (Công ước số 98), Quốc hội quyết nghị: “Áp dụng toàn bộ nội dung của Công ước số 98”. 

Đại biểu Quốc hội biểu quyết tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: QUOCHOI.VN

Tổ chức thực hiện

Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các tổ chức, cơ quan liên quan theo thẩm quyền tiến hành rà soát các quy định của Bộ luật Lao động hiện hành và văn bản pháp luật khác để tự mình hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và thực hiện các cam kết trong Công ước số 98.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức liên quan ở Trung ương, địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Công ước số 98; tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ nội dung Công ước số 98 để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân.

Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành liên quan hoàn thành thủ tục đăng ký gia nhập Công ước số 98 và xác định thời điểm có hiệu lực đối với Việt Nam theo quy định của Công ước.

Nội dung Công ước số 98

Công ước được thông qua ngày 01-7-1949, gọi là Công ước về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể (1949).

Theo đó, người lao động phải được hưởng sự bảo vệ thích đáng trước những hành vi phân biệt đối xử chống lại công đoàn trong việc làm của họ.

Sự bảo vệ đó phải được áp dụng trước hết đối với những hành vi nhằm: làm cho việc làm của người lao động phụ thuộc vào điều kiện là người đó không được gia nhập công đoàn hoặc phải từ bỏ tư cách đoàn viên công đoàn; sa thải hoặc gây tổn hại cho người lao động với lý do là đoàn viên công đoàn, hoặc tham gia các hoạt động công đoàn ngoài giờ làm việc hoặc với sự đồng ý của người sử dụng lao động trong giờ làm việc.

Công ước cũng nêu, các tổ chức của người lao động và của người sử dụng lao động phải được hưởng sự bảo vệ thích đáng chống lại mọi hành vi can thiệp của bên kia hoặc của những phái viên hay thành viên của bên kia trong quá trình thành lập, hoạt động hoặc điều hành hoạt động của mình.

Cụ thể, những hành vi được coi là can thiệp theo định nghĩa của Điều này là những hành vi nhằm thúc đẩy việc thành lập tổ chức của người lao động do người sử dụng lao động hay tổ chức của người sử dụng lao động chi phối, hoặc nhằm hỗ trợ tổ chức của người lao động bằng tài chính hay bằng những biện pháp khác, với ý đồ đặt các tổ chức đó dưới sự kiểm soát của người sử dụng lao động hay tổ chức của người sử dụng lao động.

Đồng thời, nếu cần thiết, phải thiết lập bộ máy phù hợp với điều kiện quốc gia để đảm bảo cho việc tôn trọng quyền tổ chức đã được xác định trong các điều trên.

Và nếu cần thiết, phải có những biện pháp phù hợp với điều kiện quốc gia để khuyến khích, xúc tiến việc xây dựng và tận dụng đầy đủ các thể thức thương lượng tự nguyện giữa một bên là người sử dụng lao động và các tổ chức của người sử dụng lao động với một bên là các tổ chức của người lao động nhằm quy định những điều khoản và điều kiện về sử dụng lao động bằng thỏa ước lao động tập thể.

Mức độ áp dụng những đảm bảo nêu trong Công ước này cho các lực lượng vũ trang và cảnh sát sẽ do pháp luật hoặc quy định quốc gia quy định.

Theo những nguyên tắc được đề cập đến trong đoạn 8, Điều 19 của Điều lệ Tổ chức Lao động Quốc tế, việc một thành viên phê chuẩn Công ước này sẽ không được coi là làm ảnh hưởng tới mọi đạo luật, mọi phán quyết, mọi tập quán hoặc mọi thỏa thuận hiện có mà theo đó, các thành viên lực lượng vũ trang, cảnh sát được hưởng quyền được bảo đảm trong Công ước này.

Công ước này không điều chỉnh vị trí của các công chức tham gia quản lý nhà nước và bằng bất kỳ cách nào cũng không thể giải thích là làm phương hại đến quyền hoặc địa vị của họ.

Công ước này chỉ ràng buộc những thành viên của Tổ chức Lao động Quốc tế đã đăng ký việc phê chuẩn của mình với Tổng Giám đốc Văn phòng Lao động Quốc tế.

Công ước này sẽ bắt đầu có hiệu lực sau 12 tháng kể từ ngày hai thành viên đã đăng ký việc phê chuẩn của mình với Tổng Giám đốc.

Sau đó, Công ước này sẽ bắt đầu có hiệu lực đối với bất kỳ thành viên nào sau 12 tháng kể từ ngày việc phê chuẩn của thành viên đó đã đăng ký với Tổng Giám đốc.

T.T tổng hợp

(Còn tiếp)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>