Quốc hội yêu cầu thực hiện những vấn đề quan trọng sau chất vấn và trả lời chất vấn

25/07/2019 | 23:38 GMT+7

(Tiếp theo)

Trên cơ sở kết quả chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khoá XIV ghi nhận các kết quả đạt được và giải pháp, cam kết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Công an; Xây dựng; Giao thông Vận tải; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Quang cảnh Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: QUOCHOI.VN

Đồng thời, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung thực hiện những giải pháp, cam kết, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.

Về giao thông vận tải

Quốc hội yêu cầu rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải; sửa đổi quy định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa taxi truyền thống, taxi công nghệ và xe vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử; nghiên cứu hoàn thiện quy định về xử phạt đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về giao thông qua trích xuất hình ảnh từ thiết bị ghi hình.

Bộ, ngành liên quan khẩn trương điều chỉnh và thực hiện các quy hoạch ngành giao thông vận tải theo Luật Quy hoạch; phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; cân đối nguồn lực để đầu tư hiệu quả hệ thống giao thông, ưu tiên khu vực khó khăn, vùng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Có cơ chế huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông.

Thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư các dự án giao thông trọng điểm. Xử lý các vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án giao thông, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng; có phương án giải quyết dứt điểm các dự án đang thực hiện dở dang chưa được bố trí vốn. Nâng cao chất lượng công tác quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông; thực hiện tốt công tác đấu thầu, ưu tiên các nhà đầu tư, nhà thầu trong nước đủ điều kiện, năng lực; thực hiện nghiệm thu, kiểm toán, quyết toán dứt điểm các công trình sau khi hoàn thành.

Đẩy mạnh cơ cấu lại lĩnh vực vận tải, tăng cường kết nối các phương thức vận tải. Nâng cấp, hiện đại hóa công tác đăng kiểm và áp dụng công nghệ mới trong kiểm định phương tiện; nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; tăng cường thanh tra, kiểm tra các trung tâm đăng kiểm, trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe và xử lý nghiêm các vi phạm; kiểm soát chặt chẽ xe quá khổ, quá tải và xe hết niên hạn sử dụng. Năm 2019, hoàn thành Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông vận tải, tập trung đối với lĩnh vực đường bộ.

Đồng thời tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 437 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV về tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT). Đến hết năm 2019, tất cả các trạm thu phí thực hiện thu phí tự động không dừng. Rà soát, xử lý các vướng mắc tại một số trạm thu phí BOT giao thông đường bộ, trong đó tập trung xử lý nghiêm các vi phạm trong việc thu phí. Giám sát chặt chẽ và công khai việc thu phí hoàn vốn của các dự án BOT giao thông.

Thực hiện các biện pháp, giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; rà soát, khắc phục các “điểm đen” trên các tuyến quốc lộ. Thực hiện kết nối dữ liệu giám sát hành trình của tất cả phương tiện kinh doanh vận tải hành khách, vận tải hàng hóa với cơ quan có thẩm quyền quản lý; tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vận tải sử dụng nhiều lái xe, lái tàu có hành vi vi phạm pháp luật.

Lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch

Cần rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; chú trọng công tác hướng dẫn thi hành pháp luật, phối hợp giải quyết những nội dung có tính chất liên ngành, liên vùng. Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, đặc biệt là các di tích cấp quốc gia, tác phẩm nghệ thuật có giá trị, các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống.

Đẩy mạnh đầu tư, có chính sách thu hút xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, khuyến khích nhà văn, nghệ sĩ, nghệ nhân phát huy tài năng, năng lực sáng tạo, hỗ trợ hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.

Phát huy vai trò chủ động của các địa phương trong công tác quản lý, khai thác và bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa, bảo đảm quyền tham gia của người dân. Có chính sách đầu tư thông qua đặt hàng để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, phát hành, phổ biến phim, ảnh về truyền thống lịch sử, dân tộc, phim thiếu nhi có tính giáo dục cao cho trẻ em; hoàn thiện quy trình, nâng cao chất lượng kiểm duyệt phim nhựa, phim truyền hình. Tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm các sai phạm trong việc tổ chức phát hành, phổ biến phim, các chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, cuộc thi người đẹp, người mẫu.

Phải tổ chức thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo; nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; quản lý và sử dụng nguồn thu từ các di sản văn hóa. Công khai, minh bạch thông tin về các dự án đầu tư khu du lịch tâm linh theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hiểu biết cho người dân, đấu tranh phòng, chống mê tín dị đoan. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng hành nghề mê tín dị đoan nhằm thu lợi bất chính.

Quan tâm rà soát, điều chỉnh chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch theo hướng tập trung nguồn lực xây dựng các khu vực động lực phát triển du lịch với mục tiêu đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; quy hoạch đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng nhằm phát huy thế mạnh và tiềm năng phát triển du lịch biển; nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch; huy động nguồn lực, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tại thị trường quốc tế; đa dạng hóa sản phẩm du lịch với chất lượng cao, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch tại các địa phương; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường du lịch; kiểm soát, quản lý tốt các điểm đến du lịch, bảo đảm chất lượng dịch vụ, an ninh, an toàn cho du khách; chấn chỉnh hoạt động lữ hành, hướng dẫn du lịch; có biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc liên doanh, liên kết tổ chức du lịch giá rẻ, không bảo đảm chất lượng dịch vụ; tăng cường quản lý hoạt động tổ chức đưa người Việt Nam đi du lịch nước ngoài.

T.T tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>