Quan tâm nâng chất công tác xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật

29/08/2019 | 16:55 GMT+7

Trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp... Chính phủ (ủy quyền cho Bộ Tư pháp) thông tin cụ thể.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vất tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: QUOCHOI.VN

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn:

“Chính phủ cần tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), tổ chức thi hành pháp luật, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế ở bộ, ngành và địa phương. Quan tâm lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu tác động của văn bản để bảo đảm phù hợp với thực tiễn”.

Chính phủ (ủy quyền cho Bộ Tư pháp) trả lời:

Việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật, PBGDPL, tổ chức thi hành pháp luật, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế ở bộ, ngành và địa phương luôn được chú trọng.

Hằng năm, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu cho cán bộ, công chức tham gia xây dựng VBQPPL về kiến thức, kỹ năng xây dựng chính sách, đánh giá tác động của chính sách, thẩm định chính sách trong quá trình lập đề nghị xây dựng và soạn thảo VBQPPL; soạn thảo VBQPPL, thẩm định dự án, dự thảo VBQPPL; kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất VBQPPL, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; kiểm soát thủ tục hành chính; lấy ý kiến góp ý đối với dự án, dự thảo VBQPPL; đánh giá việc thi hành VBQPPL. Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng đã biên soạn và phát hành nhiều tài liệu, sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng cần thiết cho cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật.

Các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều đợt phổ biến, tập huấn, đào tạo tại chỗ để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực xây dựng pháp luật cho đội ngũ công chức của bộ, ngành, địa phương mình. Đồng thời, tạo điều kiện cho công chức của bộ, ngành, địa phương tham dự các khóa bồi dưỡng chuyên sâu về xây dựng VBQPPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật do Bộ Tư pháp tổ chức. Hầu hết đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật của Bộ Tư pháp, Vụ Pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, sở tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều được đào tạo chính quy, bài bản (gần 99% cán bộ, công chức làm nhiệm vụ xây dựng pháp luật có trình độ từ đại học trở lên), có kinh nghiệm, tâm huyết và trách nhiệm trong công việc theo tiêu chuẩn quy định tại Nghị định số 55 ngày 04 tháng 7 năm 2011 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.

Tính đến ngày 01/01/2019, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có 4.332 người làm công tác pháp chế, có 3.351 người có trình độ cử nhân luật, 981 người chưa có trình độ cử nhân luật. Ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh có 2.631 người làm công tác pháp chế, có 1.210 người có trình độ cử nhân luật, có 1.421 người chưa có trình độ cử nhân luật.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 471 ngày 26/4/2019 phê duyệt Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019-2021, Quyết định số 705 ngày 25/5/2017 ban hành Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017-2021.

Để nâng cao chất lượng hoạt động cũng như năng lực, trình độ của đội ngũ này, Bộ Tư pháp ký Quyết định số 3147 ngày 28/12/2018 ban hành Chương trình khung bồi dưỡng nghiệp vụ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật. Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Tư pháp quan tâm tham mưu, hướng dẫn để củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL, tập trung vào đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật.

Về kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tổ chức thi hành pháp luật, ngày 26/02/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 242 phê duyệt “Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn năm 2018-2022”, trong đó có nhiều nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường năng lực cho cán bộ, công chức làm công tác tổ chức thi hành pháp luật, nhất là cán bộ pháp chế các bộ, ngành, địa phương. Trên cơ sở Đề án này, Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Quyết định số 1020 ngày 08/5/2018 ban hành Kế hoạch thực hiện “Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn năm 2018-2022” và tổ chức các Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Đề án.

Bên cạnh việc tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật, PBGDPL, tổ chức thi hành pháp luật, Chính phủ, Bộ Tư pháp cũng quan tâm lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu tác động của văn bản để bảo đảm phù hợp với thực tiễn. Có nhiều chuyên gia, nhà khoa học am hiểu chuyên sâu về từng lĩnh vực thường xuyên cộng tác tham gia các Hội đồng thẩm định các dự án luật quan trọng (như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức Chính quyền địa phương; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật Thi hành án hình sự).

Tuy nhiên, việc kiện toàn tổ chức pháp chế ở địa phương còn chậm, các phòng pháp chế tiếp tục bị giải thể.

Chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo công tác pháp chế còn mờ nhạt. Công tác pháp chế ở một số Bộ, ngành còn chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức pháp chế với đơn vị chuyên môn. Ở địa phương, công tác pháp chế đã mang lại nhiều lợi ích cho địa phương, tuy nhiên, lãnh đạo ở một số cơ quan về vị trí, vai trò, tầm quan trọng cũng như chức năng, nhiệm vụ của công tác pháp chế còn hạn chế. Do đó, chưa có sự quan tâm, chỉ đạo, điều hành kịp thời và đưa ra quyết sách phù hợp cho công tác này. Nhiều nơi, nhiều lúc công tác pháp chế chưa được coi trọng, dẫn đến hoạt động nhiều khi chỉ mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất.

Trình độ, năng lực của đội ngũ những người làm công tác pháp chế chưa đồng đều. Đối với đội ngũ cán bộ, công chức của các đơn vị chuyên môn (không phải Vụ Pháp chế) thuộc bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, nhiều trường hợp chưa có trình độ đại học chuyên ngành luật theo quy định tại Nghị định số 55 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật, PBGDPL và tổ chức thi hành pháp luật tại nhiều bộ, ngành, địa phương còn thiếu ổn định. Chế độ, chính sách đối với người làm công tác pháp chế chưa được quan tâm đúng mức…

T.T tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>