Nghị quyết số 102 và 113 của Quốc hội khóa XIV

02/07/2020 | 19:39 GMT+7

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV vừa thông qua các nghị quyết quan trọng. Trong đó có nghị quyết Phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (Nghị quyết số 102); Nghị quyết về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (Nghị quyết số 113).

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV thông qua nhiều nghị quyết quan trọng. Ảnh: QUOCHOI.VN

Nghị quyết 102

Theo đó, Quốc hội thống nhất phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (Hiệp định) được ký ngày 30-6-2019 tại Hà Nội.

Cụ thể, áp dụng toàn bộ nội dung của Hiệp định, trong đó, áp dụng trực tiếp các quy định của Hiệp định tại Phụ lục 2; áp dụng các quy định của Hiệp định tại Phụ lục 3 kèm theo Nghị quyết này cho đến ngày Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 đã được sửa đổi bổ sung một số điều theo Luật số 36/2009/QH12 và Luật số 42/2019/QH14 được sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành.

Áp dụng Hiệp định với Vương quốc Anh trong thời gian từ ngày Hiệp định có hiệu lực đến hết ngày 31-12-2020 (có thể gia hạn đến 24 tháng theo thỏa thuận giữa Vương quốc Anh và Liên minh Châu Âu về việc Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu).

Một trong những nội dung tại Phụ lục 2 của Nghị quyết: “Dịch vụ tài chính mới” nghĩa là một dịch vụ có bản chất tài chính bao gồm các dịch vụ liên quan đến các sản phẩm mới và hiện có hoặc phương thức mà một sản phẩm được cung cấp, mà chưa được cung cấp bởi bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ tài chính nào trên lãnh thổ của một bên, nhưng đang được cung cấp trên lãnh thổ của bên kia.

Đối với các dịch vụ tài chính mới, Việt Nam có thể áp đặt một chương trình thử nghiệm thí điểm cho một dịch vụ tài chính mới và khi làm như vậy có thể áp đặt số lượng các nhà cung cấp dịch vụ tài chính có thể tham gia thử nghiệm thí điểm hoặc hạn chế phạm vi của chương trình thí điểm. Những biện pháp này không được phức tạp hơn mức cần thiết để đạt được mục tiêu.

Về hải quan và tạo thuận lợi thương mại: Trường hợp thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam thì việc khai hải quan được thực hiện bởi đại lý làm thủ tục hải quan hoặc người đại diện cho thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có tên trên Giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu.

Một trong những nội dung tại Phụ lục 3 của Nghị quyết: Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu bị chấm dứt hiệu lực nếu việc sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký bởi chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được chủ sở hữu cho phép làm cho công chúng hiểu sai lệch về bản chất, chất lượng hoặc nguồn gốc địa lý của hàng hóa hoặc dịch vụ đó.

“Kiểu dáng công nghiệp” là hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoàn chỉnh hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh. Hình dáng bên ngoài được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này và nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm.

Khi thực hiện thủ tục duy trì hiệu lực bằng độc quyền sáng chế, chủ bằng độc quyền sáng chế không phải nộp phí sử dụng văn bằng bảo hộ cho khoảng thời gian mà thủ tục đăng ký lưu hành lần đầu tại Việt Nam đối với dược phẩm được sản xuất theo bằng độc quyền sáng chế đó bị chậm.

Thủ tục đăng ký lưu hành dược phẩm bị xem là chậm nếu kết thúc 24 tháng kể từ ngày nộp đơn mà cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục đăng ký lưu hành dược phẩm không đưa ra phản hồi lần đầu đối với đơn đăng ký lưu hành dược phẩm mà không có lý do chính đáng. Khoảng thời gian bị chậm được tính từ ngày đầu tiên sau khi kết thúc 24 tháng tính từ ngày nộp đơn đăng ký lưu hành dược phẩm đến khi cơ quan có thẩm quyền đưa ra phản hồi lần đầu.

Nghị quyết số 113

Nghị quyết này quy định việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết chung thẩm về nghĩa vụ tài chính do cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư ban hành (Phán quyết) theo quy định tại Mục B Chương 3 của Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (Hiệp định).

Về công nhận và cho thi hành Phán quyết: Phán quyết được ban hành trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực hoặc trong một thời gian dài hơn theo quyết định của Ủy ban thành lập theo Điều 4.1 của Hiệp định đối với bị đơn là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được coi như phán quyết của Trọng tài nước ngoài. Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài phù hợp với Công ước Niu-oóc năm 1958 về công nhận và thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài để xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận Phán quyết đối với bị đơn là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Phán quyết được ban hành sau thời hạn quy định (tại khoản 1 Điều này của Nghị quyết) đối với bị đơn là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được công nhận như bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người phải thi hành Phán quyết có tài sản ra quyết định công nhận và cho thi hành Phán quyết trên lãnh thổ Việt Nam khi người được thi hành Phán quyết có đơn yêu cầu.

Kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, Phán quyết được ban hành đối với bị đơn là Liên minh Châu Âu hoặc nước thành viên Liên minh Châu Âu được công nhận như bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người phải thi hành Phán quyết có tài sản ra quyết định công nhận và cho thi hành Phán quyết trên lãnh thổ Việt Nam khi người được thi hành Phán quyết có đơn yêu cầu.

Phán quyết theo quy định tại Điều này được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự...

T.T tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>