Giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”

11/07/2019 | 17:28 GMT+7

Thông qua Kế hoạch giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” mới đây, Đoàn giám sát của Quốc hội cho biết sẽ thực hiện giám sát 3 nội dung lớn.

Nghị quyết của Quốc hội thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm Trưởng đoàn.

Cụ thể là việc ban hành và tổ chức triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Thực trạng công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của Chính phủ, các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan. Tập trung làm rõ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân của hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Trách nhiệm và việc xử lý trách nhiệm đối với các tập thể và cá nhân liên quan.

Nội dung về các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trong thời gian tới.

Với nội dung trên, Quốc hội giám sát tối cao trên phạm vi cả nước. Mốc thời gian giám sát từ ngày 1/1/2015 - 1/6/2019.

Xác định mục đích của giám sát là xem xét, đánh giá việc ban hành chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc và xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em nên Quốc hội yêu cầu trong giám sát phải xem xét, đánh giá đầy đủ, trung thực, khách quan, đúng quy định của pháp luật; đảm bảo thực hiện đúng thời gian và tiến độ đã đề ra.

Từ đó, sẽ đề xuất, kiến nghị những giải pháp nhằm thực hiện đầy đủ, có hiệu quả chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.

Cơ quan chịu sự giám sát của đợt giám sát này là Chính phủ (báo cáo chung về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em); Bộ, ngành: Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tư pháp, Y tế, Thông tin và Truyền thông. Các cơ quan Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và UBND, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...

Theo đó, từ tháng 8-2019 Đoàn giám sát sẽ yêu cầu, tiếp nhận báo cáo theo nội dung đã yêu cầu từ Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành, địa phương và của tổ chức, cá nhân liên quan.

Đoàn cũng sẽ chỉ đạo Tổ giúp việc tiếp nhận, nghiên cứu, tập hợp, tổng hợp các tư liệu, tài liệu, báo cáo và thông tin có liên quan của các cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi tới Đoàn; tổng hợp báo cáo của các cơ quan theo các đề cương báo cáo đã gửi và yêu cầu báo cáo bổ sung (nếu có). Tổ chức các đoàn công tác để tiến hành giám sát tại một số địa phương, cơ sở.

Cũng từ thời gian trên, trừ những địa phương Đoàn giám sát có tổ chức Đoàn công tác đến làm việc, các đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành giám sát tại địa phương và gửi báo cáo kết quả giám sát đến Đoàn giám sát theo yêu cầu. 

Theo kế hoạch, Đoàn giám sát hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4-2020.

T.T tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>