Chính phủ chủ động nâng cao chất lượng các dự án, dự thảo luật trình Quốc hội

15/08/2019 | 18:30 GMT+7

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp vừa báo cáo đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018 thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Tư pháp.

Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: QUOCHOI.VN

Theo đó, về nội dung “Chính phủ dành thời gian thỏa đáng để thảo luận tập thể, nâng cao chất lượng xem xét, quyết định về các chính sách lớn, những vấn đề còn ý kiến khác nhau, hoàn chỉnh đầy đủ thủ tục, hồ sơ của Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hồ sơ của Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải thể hiện đã được tập thể Chính phủ biểu quyết thông qua (có nghị quyết, biên bản hoặc tổng hợp phiếu lấy ý kiến). Không trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội các dự án không đảm bảo đầy đủ hồ sơ, không chất lượng và tính khả thi, không đủ nguồn lực thực hiện; thực hiện tốt hơn nữa công tác thẩm định đối với các đề nghị xây dựng các dự án luật, pháp lệnh và các dự án luật, pháp lệnh trước khi trình Chính phủ. Các cơ quan chủ trì xây dựng luật, pháp lệnh phải nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp”.

Chính phủ cho biết, xác định được tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật, Chính phủ đã ưu tiên, dành nhiều thời gian hơn cho công tác xây dựng. Trong nhiều Phiên họp thường kỳ, nội dung thảo luận, xem xét, quyết định đối với các dự án luật, pháp lệnh trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được Chính phủ ưu tiên thực hiện đầu tiên. Đối với các dự án luật quan trọng, phức tạp, Thường trực Chính phủ tổ chức nhiều cuộc họp để cho ý kiến. Đặc biệt, từ tháng 3-2018 đến nay, Chính phủ đã tổ chức 2 Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật (tháng 8-2018 và tháng 3-2019).

Theo Chính phủ, các dự án trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến và chỉnh lý, hoàn thiện trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều được thực hiện đúng quy trình quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (BHVBQPPL), Nghị định số 34/2016 hướng dẫn thi hành Luật này và Quy chế làm việc của Chính phủ; hồ sơ các dự án khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thể hiện rõ đã được tập thể Chính phủ biểu quyết thông qua.

Để nâng cao chất lượng các dự án, dự thảo trình Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo, kiên quyết không trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội các dự án không đảm bảo đầy đủ hồ sơ, không chất lượng và tính khả thi, không đủ nguồn lực thực hiện. Thực hiện nhiệm vụ này, ngay từ khâu thẩm định, Bộ Tư pháp đã thắt chặt công tác kiểm tra và thẩm định hồ sơ; kiên quyết trả lại và yêu cầu các cơ quan bổ sung, hoàn thiện hồ sơ khi gửi hồ sơ thẩm định không đầy đủ. Trong quá trình thẩm định, Bộ Tư pháp cũng thể hiện rõ quan điểm đối với các dự án đủ điều kiện trình hay không đủ điều kiện trình tại báo cáo thẩm định. Từ năm 2018 đến nay, Bộ Tư pháp đã khẳng định 2 dự án luật không đủ điều kiện trình Chính phủ (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến quy hoạch (37 luật); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (thẩm định lần 1 khẳng định không đủ điều kiện trình).

Để nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 160 ngày 16/4/2018 chấn chỉnh việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu quả công tác xây dựng pháp luật; hằng năm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định phân công Lãnh đạo Bộ trực tiếp chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ thực hiện việc thẩm định đối với từng văn bản; Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 1653 ngày 16/5/2018 về nâng cao chất lượng, đảm bảo tiến độ xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết. Nhờ đó, chất lượng công tác soạn thảo, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật được nâng lên, bảo đảm tiến độ, chất lượng, một số mặt công tác đạt kết quả cụ thể như:

Tất cả các đề nghị xây dựng và dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều được Bộ Tư pháp thành lập Hội đồng thẩm định. Ngoài thành phần bắt buộc theo quy định của Luật BHVBQPPL là Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, tùy theo tính chất của các đề nghị, dự án, dự thảo văn bản, Bộ Tư pháp còn mời đại diện các bộ, ngành liên quan, MTTQ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các nhà khoa học, chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau, đại diện đối tượng chịu sự tác động của văn bản để bảo đảm ý kiến thẩm định chính xác, khách quan.

Tính từ tháng 3-2018 đến nay, Bộ Tư pháp đã thẩm định 44 đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhìn chung, công tác thẩm định của Bộ Tư pháp đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Luật BHVBQPPL, Nghị định số 34/2016 cũng như Quy chế thẩm định của Bộ Tư pháp. Ý kiến thẩm định được các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đánh giá cao.

Theo khoản 5 Điều 58 của Luật BHVBQPPL năm 2015, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm nghiên cứu giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định để chỉnh lý, hoàn thiện dự án, dự thảo và đồng thời gửi báo cáo giải trình tiếp thu kèm theo dự thảo văn bản đã được chỉnh lý đến cơ quan thẩm định khi trình Chính phủ. Nhìn chung, các dự án, dự thảo đều được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, trong đó chủ yếu là tiếp thu.

Chính phủ cũng báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội những tồn tại, hạn chế đối với công tác trên.

Theo đó, hồ sơ một số dự án, dự thảo gửi Bộ Tư pháp thẩm định còn chậm làm ảnh hưởng đến chất lượng thẩm định (như: Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Nghị quyết của Quốc hội về việc cấp thị thực điện tử…); cơ quan chủ trì soạn thảo gửi thiếu hồ sơ hoặc hồ sơ chưa đáp ứng theo quy định của Luật BHVBQPPL phải yêu cầu bổ sung, hoàn thiện (như: hồ sơ dự án Luật Dân quân tự vệ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức).

Sự phối hợp tham gia thẩm định của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan vẫn còn hạn chế, chưa bố trí được người tham gia hoặc cử cán bộ tham gia không đúng thành phần hoặc còn ít kinh nghiệm xây dựng văn bản nên chất lượng ý kiến tham gia thẩm định chưa cao, đặc biệt các cơ quan là thành phần bắt buộc trong hội đồng thẩm định.

Ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đối với một số dự án, dự thảo chưa được tiếp thu đầy đủ hoặc có giải trình nhưng chưa thuyết phục; có dự án, dự thảo trong báo cáo có nêu là tiếp thu ý kiến thẩm định, nhưng dự thảo và tờ trình lại không được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến thẩm định. Một số dự án, dự thảo chưa có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp nhưng cơ quan chủ trì soạn thảo đã trình Chính phủ hoặc vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định vừa trình Chính phủ; không có báo cáo giải trình, tiếp thu hoặc không gửi lại Báo cáo giải trình, tiếp thu cho Bộ Tư pháp hoặc gửi không đúng thời hạn, gây khó khăn cho Bộ Tư pháp trong theo dõi việc giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định. Có trường hợp, dự án, dự thảo cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung nhiều vấn đề mới sau khi thẩm định, Bộ Tư pháp phải phát biểu bổ sung tại phiên họp Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu có ý kiến thẩm định bổ sung của Bộ Tư pháp…

T.T tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>