Giá cả và sức mua ổn định

06/11/2019 | 18:59 GMT+7

Thời gian này, nhiều loại thực phẩm trên thị trường có nguồn cung khá dồi dào và giá cả ổn định như thịt gia cầm, thủy hải sản. Bên cạnh đó, thịt heo sau thời gian tăng giá mạnh đã có dấu hiệu chững lại.

Các loại nông sản có nguồn cung tại địa phương không có biến động nhiều về giá so với đầu mùa mưa.

Chị Nguyễn Thị Linh Kiều, bán cá tại chợ nông thôn Vị Thanh cho hay, hiện nay cá đánh bắt và cả cá nuôi đều bán khá chạy, một phần bởi giá cả ổn định và có phần giảm so với trước đây. Theo nhìn nhận của các tiểu thương bán thủy sản ở các chợ trên địa bàn thành phố Vị Thanh, năm nay nguồn cá bắt được ngoài tự nhiên cung về chợ không đều. Những ngày có mưa thì thu mua được nhiều, có khi nắng 2-3 ngày liền thì số lượng giảm thấy rõ.

Cá lóc hiện có giá từ 60.000-100.000 đồng/kg (tùy theo khối lượng) được nhiều người tìm mua hết từ sáng sớm. Cá trê vàng khoảng 100.000-120.000 đồng/kg, lươn 190.000-220.000 đồng/kg… Bên cạnh đó, giá các loại cá nuôi như cá điêu hồng, cá lóc giảm nhẹ, hiện còn 48.000-55.000 đồng/kg, cá rô nuôi 35.000 đồng/kg. Các loại thủy sản khác như tôm thẻ chân trắng, tôm sú từ 160.000-200.000 đồng/kg. Các loại cá biển về chợ có giá bán không biến động nhiều, như cá nục, cá hường, cá bạc má từ 40.000-60.000 đồng/kg… Nhiều khả năng nguồn cung thủy sản còn tăng từ nay đến cuối năm do bước vào thời điểm thu hoạch các diện tích thủy sản nuôi trên ruộng lúa. Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh, diện tích thả nuôi thủy sản trên ruộng đến nay là 4.308ha, tăng 7,8% và tổng sản lượng thủy sản nuôi cũng đạt 68.032 tấn, tăng trên 9,4% so với cùng kỳ.

Sau thời gian tăng mạnh, giá thịt heo mấy ngày gần đây chững lại, tuy nhiên vẫn còn ở mức cao. Thịt đùi heo khoảng 80.000 đồng/kg, thịt sườn heo 95.000 đồng/kg, ba rọi 90.000 đồng/kg… Chị Nguyễn Thị Tuyết, bán thịt heo tại chợ Hỏa Lựu, cho biết: “Hiện tại, sạp chị vẫn duy trì số lượng bán lẻ khoảng 1 con mỗi ngày. Khách hàng không quá e dè mặt hàng này như trước nữa, nhưng vì giá bán hơi cao so với các loại thực phẩm khác nên mỗi người mua số lượng ít hơn, thời gian bán kéo dài ra đến buổi trưa”.

Hiện sức tiêu thụ các loại thịt gia cầm như gà, vịt còn nhiều do người tiêu dùng có xu hướng tìm mua các loại thực phẩm thay thế thịt heo khi giá cả tăng. Trước đó, khi tình hình dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho người chăn nuôi heo nên nhiều người đã chuyển sang vật nuôi khác trong đó có gà, vịt nên nguồn cung các loại này đang có chiều hướng tăng thêm. Anh Huỳnh Văn Mộng, bán gà vịt tại xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Vịt ta, lông trắng có giá 45.000 đồng/kg, còn vịt xiêm là 80.000 đồng/kg, gà vườn 100.000-110.000 đồng/kg. Khách lẻ đa số mua loại đã làm sẵn (tiền công là 15.000 đồng/con). Ngày ít tôi bán lẻ được 6 con, ngày nhiều thì từ 10 con trở lên. Từ khi thịt heo lên giá, các mối lấy số lượng vài chục con để làm đám tiệc cũng tăng theo”. Tuy vậy, anh Mộng cũng dè chừng, không lấy về số lượng quá lớn vì ngại tình trạng “đụng hàng dội chợ”.

Các loại rau, củ nhìn chung không có biến động lớn về giá so với thời điểm đầu mùa mưa, nhất là các loại có nguồn cung tại địa phương. Cụ thể, giá xà lách xoong 6.000-7.000 đồng/bó, giảm 1.000 đồng; khổ qua, bầu, bí 12.000 đồng/kg, dưa leo 13.000 đồng/kg, rau muống 5.000 đồng/bó. Rau gia vị, rau ăn sống các loại từ 15.000-35.000 đồng/kg, tần ô 30.000 đồng/kg. Tiểu thương Nguyễn Văn Sáu, bán rau chợ Vị Thanh, thông tin thêm: Mấy ngày qua, giá cà chua có tăng nhẹ, lượng hàng đẹp ít mà giá mắc nên có khi chỉ lấy loại trái nhỏ, giá cỡ 15.000-20.000 đồng/kg để dễ bán ra. Còn loại to, đẹp thì đến 35.000 đồng/kg làm người mua chần chừ.

Được biết trong thời gian này, ngành công thương tỉnh phối hợp với ngành nông nghiệp và các địa phương đang tiến hành rà soát, thống kê lại lượng cung - cầu một số loại thực phẩm thiết yếu, trong đó có thịt heo nhằm chuẩn bị cho thị trường tiêu thụ cuối năm 2019 và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Sở Công thương tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường và triển khai cho các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia. Tập trung các nhóm hàng lương thực, thịt heo, thịt gia cầm, trứng, dầu ăn, gia vị, bánh mứt và các thực phẩm chế biến khác, nhằm bình ổn thị trường, hạn chế tốc độ tăng giá, kiềm chế lạm phát, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh kể cả trong trường hợp thị trường có xảy ra biến động bất thường.

Bài, ảnh: THIÊN NGỌC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>