Đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu

04/08/2020 | 18:14 GMT+7

Trong những ngày qua, tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và tại các chợ truyền thống, lượng hàng hóa cung ứng vẫn dồi dào và giá cả ổn định dù sức mua ghi nhận tăng.

Các mặt hàng phục vụ chống dịch như nước rửa tay, khẩu trang y tế, găng tay… được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ.

Hàng hóa đầy đủ, giá cả ổn định

Tại các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng trên địa bàn tỉnh đều đã thực hiện chế độ phòng, chống dịch khi lập chốt đo thân nhiệt, sát khuẩn tay ở các lối ra vào và nhắc nhở người dân đeo khẩu trang. Số lượng người ra vào chợ đông vào buổi sáng, tuy nhiên qua các đợt cao điểm chống dịch trước, mọi người đều chấp hành tốt, hợp tác để đội công tác làm nhiệm vụ, không để tình trạng kẹt xe, ùn ứ diễn ra trong thời gian dài.

Chị Lê Thị Phượng, bán thủy sản tại chợ Vị Thanh, chia sẻ: “Khoảng 4-5 ngày nay người đi chợ có đông hơn. Dù trời mưa nhiều nhưng sức mua hàng thủy sản không giảm mà còn nhộn nhịp hơn, hàng bán nhanh hết trong buổi sáng. Một phần cũng do cá đồng nhiều thu hút người mua, qua hỏi thăm mới biết thêm là mọi người đi chợ mua nhiều hơn ngày thường để sắp tới hạn chế đi ra ngoài. Đa phần mua đủ ăn trong 2-3 ngày rồi đi tiếp”. Về giá cả, chị Phượng cho biết do nguồn cung dồi dào nên nhiều mặt hàng còn giảm  so với trước đây.

Nhiều mặt hàng rau xanh cũng đã giảm giá nhẹ 1.000-2.000 đồng, như rau muống còn 5.000 đồng/bó, rau lan 2.000 đồng/bó, đậu que 15.000 đồng/kg, củ cải 12.000 đồng/kg, bắp cải 17.000 đồng/kg, cà chua 15.000 đồng/kg… Riêng các loại rau gia vị, xà lách sau thời gian tăng giá mạnh đã giảm khoảng 5.000 đồng, còn 40.000 đồng/kg. Theo các tiểu thương, sức mua mặt hàng này bình ổn, giá cả chỉ biến động trong vài ngày tới nếu mưa tiếp tục kéo dài vì rau là loại hàng dễ hư, giập, khó bảo quản.

Còn tại các siêu thị, hàng hóa không chỉ dồi dào mà còn có các chương trình khuyến mãi, giảm giá để thu hút người tiêu dùng. Ngoài thực phẩm tươi sống, nhu cầu một số loại đồ đóng gói cũng ghi nhận tăng nhưng không đột biến. Khi được hỏi về nhu cầu tiêu dùng trong những ngày này, bà Nguyễn Thị Ngọc Hân, đang mua sắm tại Siêu thị Vinmart Hậu Giang, cho hay các loại dầu ăn, nước mắm, gia vị như muối, đường, mỗi loại bà mua thêm một phần, còn thức ăn tươi sống thì mỗi tuần vẫn đi chợ hoặc siêu thị để mua một lần, thay vì đi mua 2-3 lần/tuần. “Do là nội trợ nên không vướng thời gian đi làm, tôi thường đi vào những ngày thứ trong tuần, vào buổi sáng sớm thay vì đợi đến cuối tuần, lúc mọi người vô siêu thị mua đông đúc. Đó cũng là cách mình hạn chế tiếp xúc, đảm bảo giãn cách”, bà Hân chia sẻ thêm.

Được biết để đảm bảo đủ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, giá cả ổn định, hệ thống Saigon Co.op đã chủ động phương án hàng hóa riêng cho từng khu vực, từng địa phương, đây là điểm mới so với các đợt cao điểm chống dịch trước đây. Trong tuần có các chương trình khuyến mãi, giảm giá vào các ngày cuối tuần cho các loại hàng hóa thiết yếu, tới đây là các sản phẩm hàng Việt Nam trong chương trình Tự hào hàng Việt 2020. Điều này cũng góp phần kích cầu và tiêu thụ các sản phẩm nội địa. 

Các mặt hàng thực phẩm tại chợ có nguồn cung đầy đủ, giá cả ổn định.

Tăng kiểm soát các mặt hàng phục vụ chống dịch

Trước thông tin dịch Covid-19 trở lại, các mặt hàng phục vụ công tác chống dịch như khẩu trang y tế, nước sát khuẩn tay, găng tay, cồn… lại được nhiều người tiêu dùng tìm mua, dẫn tới tình trạng hết hàng tạm thời. Hầu hết các điểm bán lượng hàng hóa tại chỗ không đủ cung ứng. Theo nhân viên bán hàng tại cửa hàng thuốc Long Châu, phường I, thành phố Vị Thanh, ngay từ tuần trước nhu cầu mua khẩu trang rục rịch tăng, cửa hàng chủ động giới hạn số lượng, mỗi người mua 1-2 hộp để nhiều khách hàng có cơ hội mua. Dù vậy, hàng vẫn hết khá nhanh, cửa hàng đã đặt hàng về thêm trong cuối tuần trước để phục vụ người dân. Giá mỗi hộp bán ra là 79.000 đồng, không tăng so với trước thời điểm thông tin về các cas nhiễm mới trong cộng đồng.

Tương tự, tại siêu thị, các mặt hàng như nước, gel rửa tay sát khuẩn nhanh, khẩu trang y tế đã ghi nhận sức mua tăng vọt so với ngày thường. Riêng khẩu trang y tế tại siêu thị giá từ 65.000-120.000 đồng/hộp, loại 50 cái cũng nhanh chóng hết hàng tại chỗ. Kể cả khẩu trang vải kháng khuẩn cũng hút người mua trong mấy ngày qua, giá bán từ 20.000-35.000 đồng/gói từ 3-5 cái. Ông Nguyễn Nghĩa Trọng, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opMart Vị Thanh, thông tin: Siêu thị vẫn cung cấp đều đặn ra thị trường các loại nước sát khuẩn tay và khẩu trang. Riêng khẩu trang y tế, trước mắt số lượng lớn vẫn ưu tiên các siêu thị tại khu vực có cas bệnh Covid-19.

Đã có kinh nghiệm từ những lần đi mua khẩu trang chuẩn bị cho gia đình vào đợt chống dịch, chị Huỳnh Ngọc Diệu Linh, ở phường VII, thành phố Vị Thanh, bộc bạch: “Đợt trước tìm mua khẩu trang y tế căng thẳng lắm vì chỗ nào cũng nói hết hàng. Lần này, tôi đã tới cửa hàng chuyên bán đồ dùng mẹ và bé mua khẩu trang vải kháng khuẩn cho cả người lớn và trẻ em cũng đảm bảo an toàn như khuyến cáo và giá 2 loại này là 89.000 và 79.000 đồng/bịch/3 cái, mỗi cái giặt lại được đến 30 lần”.

Việc đeo khẩu trang là một trong những biện pháp phòng ngừa, hạn chế sự lây lan bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, việc sử dụng khẩu trang kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ gây hại cho sức khỏe cũng như không có tác dụng phòng dịch. Người tiêu dùng khó nhận biết được đâu là hàng có chất lượng. Vì vậy, trước khi mua hãy tìm hiểu kỹ thông tin, lựa chọn cơ sở uy tín. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, những người khỏe mạnh, ở khu vực có ít nguy cơ lây nhiễm, có thể sử dụng loại khẩu trang vải 3, 4 lớp, các loại khẩu trang vải kháng khuẩn, ngăn giọt bắn… để giảm áp lực nguồn cung khẩu trang y tế.

Vừa qua, Cục Quản lý thị trường Hậu Giang cũng đã thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật đến các cơ sở, kinh doanh mặt hàng phục vụ chống dịch. Qua đó, cho các cơ sở viết cam kết chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong kinh doanh các loại hàng hóa như khẩu trang, nước rửa tay, thiết bị y tế…

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công thương tỉnh và địa phương có phương án đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân, ứng phó kịp thời nhất là khi tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp hơn. Các sở, ngành, các đơn vị liên quan và địa phương tăng cường các hoạt động kiểm tra, xử lý theo quy định đối với các trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, tăng giá bất hợp lý, tác động tiêu cực đến tâm lý người tiêu dùng, nhất là các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng phục vụ chống dịch.

 

Bài, ảnh: THIÊN NGỌC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>