Vụ tấn công nhà máy lọc dầu Saudi Arabia: Gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Iran

18/09/2019 | 18:10 GMT+7

Dù chưa ngã ngũ, ai chủ mưu vụ tấn công cơ sở lọc dầu Aramco của Saudi Arabia, nhưng rõ ràng mọi nghi ngờ đều đổ dồn về phía Iran. Điều này làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ với Iran.

Ảnh vệ tinh chụp các cơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabia bị tấn công ngày 14-9. Ảnh: Reuters

Vụ hai nhà máy lọc dầu tại Abqaiq và Khurais thuộc Tập đoàn dầu mỏ Aramco, Saudi Arabia bị máy bay không người lái của phiến quân nổi dậy Houthi tấn công hôm 14-9 đã gây ra tác động kép. Thứ nhất, vụ việc đã ảnh hưởng đến an ninh năng lượng toàn cầu làm tăng nhanh giá dầu trong thời gian ngắn. Thứ hai, tạo sự nghi ngờ của Mỹ đối với Iran khi cho rằng Tehran đứng phía sau vụ việc nên khó có thể xúc tiến cuộc gặp hòa đàm giữa Washington và Tehran trong tương lai gần.

Vụ không kích nhà máy lọc dầu vừa qua đã khiến Saudi Arabia mất gần 6 triệu thùng dầu/ngày, tương đương 50% tổng sản lượng quốc gia và làm sụt giảm 5% lượng cung dầu mỏ toàn cầu. Hệ quả trước mắt của vụ tấn công trên làm giá dầu thế giới tăng cao nhất trong vòng gần 30 năm qua. Về lâu dài sẽ gây bất ổn tại Trung Đông do nghi ngờ Iran chủ mưu nên đã dẫn đến gia tăng mâu thuẫn giữa Saudi Arabia và Iran. Nói một cách khác, vụ tấn công trên làm cho “chảo dầu” Trung Đông vốn dĩ đã nóng lại càng nóng hơn theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây, cho biết dường như Iran đã đứng sau giật dây vụ tấn công trên. Tuy nhiên, ông Trump cũng tuyên bố Mỹ không vội trả đũa và vẫn đang tìm cách xác minh ai là thủ phạm.

Trong khi đó, một loạt quan chức trong Nội các chính quyền Tổng thống Trump bao gồm Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Năng lượng Rich Perry đã đổ lỗi cho Iran tiến hành cuộc tấn công vào nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên tiếng cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công và sử dụng các tên lửa hành trình tấn công tổng cộng 19 mục tiêu, song Tehran đã bác bỏ thông tin này.

Về phần mình, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng người Yemen đã tiến hành vụ tấn công nhằm trả đũa các vụ tấn công của liên quân do Saudi Arabia đứng đầu trong cuộc chiến kéo dài 4 năm tại Yemen.

Vụ việc trên đã làm dư luận thế giới quan ngại. Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak khẳng định vụ tấn công nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia vừa qua có tác động đến an ninh năng lượng trên toàn thế giới. “Những cơ sở năng lượng lớn như vậy khi chúng bị tấn công thì điều này sẽ tác động đến toàn bộ các vấn đề an ninh năng lượng thế giới”. Người đứng đầu Bộ Năng lượng Nga đề xuất Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cần có một cuộc họp khẩn cấp để tìm phương án xử lý tác động của các cuộc tấn công gần đây.

Trong khi đó, người phát ngôn điện Kremlin cho biết, mặc dù vụ tấn công vào nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia gần đây sẽ không nằm trong chương trình nghị sự của Tổng thống Nga Putin trong các cuộc thảo luận tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ được các nhà lãnh đạo Nga, Iran vào Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra thảo luận để tìm giải pháp hạ nhiệt căng thẳng.

Xét trên bình diện chung giữa lợi và hại thì vụ tấn công nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia, sẽ tạo cơ hội để Iran xuất khẩu dầu giá cao vì sản xuất tại hai cơ sở lọc dầu lớn nhất của Saudi Arabia bị gián đoạn sẽ khiến giá dầu tăng. Mặt khác, nguồn cung dầu từ Riyadh bị gián đoạn tạo điều kiện cho Tehran giành thị trường và thu về nhiều hơn trong các giao dịch, vực dậy nền kinh tế chịu nhiều cấm vận và đẩy nhanh tiến độ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, nhằm đứng vững trước sức ép từ Mỹ. Đây được xem là một đòn trả đũa của Iran nhằm vào Mỹ và các nước đồng minh trên lĩnh vực năng lượng, nhằm mục tiêu hạ nhiệt căng thẳng ngoại giao và buộc Washington quay lại bàn đàm phán với Tehran. Tuy nhiên, vụ việc trên sẽ là tác nhân gia tăng căng thẳng giữa Mỹ với Iran. Điều này đồng nghĩa với cuộc đàm phán hòa bình như mong đợi giữa Washington và Tehran càng thêm xa vời.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>