Tương lai của Afghanistan vẫn mờ mịt

23/02/2024 | 08:19 GMT+7

Tìm giải pháp khả thi để phụ nữ Afghanistan được học tập, sinh hoạt và tham gia các hoạt động xã hội đang được các tổ chức quốc tế quan tâm.

Phụ nữ Afghanistan biểu tình đòi các quyền lợi tại thủ đô Kabul ngày 8-3-2023. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Mặc dù lên nắm quyền tại Afghanistan từ tháng 8-2021 nhưng đến nay Taliban vẫn chưa được quốc tế công nhận là chính phủ hợp pháp vì có những chính sách ngược đãi phụ nữ. Cụ thể, Taliban đã bác bỏ lời kêu gọi thành lập một “chính phủ toàn diện” và đảm bảo quyền học tập và làm việc của phụ nữ. Hậu quả là không có quốc gia nào công nhận chính quyền Taliban.

Hiện dự trữ ngân hàng của nước này đang bị đóng băng ở phương Tây và nhiều lãnh đạo cấp cao của Taliban nằm trong danh sách truy nã của Mỹ. Hệ lụy của những chính sách trên đã khiến quốc gia châu Á này vốn đã nghèo nay lại càng khó khăn hơn.

Từ thực trạng đau lòng trên, mới đây Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã triệu tập cuộc họp kéo dài 2 ngày với sự tham dự của đại diện đặc biệt nhiều quốc gia do Tổng Thư ký LHQ António Guterres chủ trì để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho Afganistan. Tuy nhiên, chính quyền Taliban ở Kabul đã từ chối tham gia cuộc họp với lý do các điều kiện chưa được đáp ứng. Taliban muốn được công nhận “là đại diện chính thức duy nhất của Afghanistan” và muốn tổ chức đàm phán với LHQ về “tất cả các vấn đề ở cấp độ cao”.

Hồi tháng 12 năm ngoái, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua nghị quyết yêu cầu Tổng thư ký LHQ bổ nhiệm một đặc phái viên về Afghanistan. Nhưng Taliban phản đối việc này, với lý do không cần thêm một đặc phái viên nào khác do đã có sự hiện diện của phái đoàn ngoại giao LHQ tại Kabul.

Kể từ khi lên nắm quyền, Taliban đã áp dụng nhiều chính sách hà khắc nhằm vào phụ nữ và trẻ em như: quy định không cho các trẻ em gái đến trường kể từ lớp 7 trở lên, phụ nữ cũng bị cấm rời khỏi nhà mà không có người thân nam giới đi cùng và phải trùm khăn kín mặt. Chính quyền Taliban còn ban hành các quy định hà khắc hơn khi cấm phụ nữ tới công viên, hội chợ, phòng gym cũng như nhà tắm công cộng. Nữ giới tại Afghanistan không được phép lui tới công viên hay vườn hoa và không được đi du lịch nếu không có người thân là nam giới đi cùng. Ngoài ra, hầu hết các nhân viên chính phủ là nữ đều đã bị cho thôi việc, phụ nữ không được làm việc cho các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế.

Trong khi đó, cộng đồng quốc tế coi quyền được giáo dục của phụ nữ là một điều kiện quan trọng trong các cuộc đàm phán về viện trợ và công nhận chính phủ hợp pháp đối với Taliban.

Trước dư luận quốc tế và phản ứng của người dân trong nước, Taliban đã thay đổi một số chính sách áp đặt với phụ nữ và trẻ em. Gần đây, phụ nữ Afghanistan được phép làm việc trong các cơ sở y tế công. Cụ thể, các cơ sở y tế công ở các tỉnh Kapisa, Parwan, Panjshir, Wardak, Ghazni, Paktika, Logar, Khost, Badakhshan, Paktia và Bamyan đã bắt đầu tiếp nhận phụ nữ tốt nghiệp lớp 12 trở lên vào làm việc.

Trong một động thái liên quan, Ngân hàng Thế giới (WB) có thể cấp 300 triệu USD giúp Afghanistan khôi phục các dịch vụ cơ bản ở Afghanistan. Nguồn vốn này được bổ sung cho Quỹ Tín thác Phục hồi Afghanistan (ARTF) để hỗ trợ các dịch vụ cơ bản như thực phẩm, nước uống, y tế, giáo dục và việc làm. WB cũng đã phê duyệt nối lại dự án năng lượng sạch trị giá 1,2 tỉ USD có tên CASA-1000, liên quan đến 3 quốc gia gần Afghanistan là Tajikistan, Kyrgyzstan và Pakistan.

Kể từ khi Taliban nắm quyền tại Afghanistan, ARTF đã chuyển 1,5 tỉ USD viện trợ của các tổ chức đối tác dành cho 25 triệu người dân nước này. Quỹ IDA cấp các khoản viện trợ không hoàn lại và các khoản vay ưu đãi cao cho các nước nghèo nhất thế giới. Nguồn vốn của quỹ này được các nước tài trợ bổ sung vài năm một lần và đợt bổ sung 93 tỉ USD hiện tại sẽ kết thúc vào năm 2025.

Tuy nhiên, với những chính sách hà khắc áp đặt lên người dân đặc biệt là phụ nữ và trẻ em của Taliban khó có thể được cộng đồng quốc tế chấp nhận. Điều này đồng nghĩa với việc Afghanistan sẽ tiếp tục đối mặt với tương lai mờ mịt ở phía trước.

Chương trình Lương thực Thế giới cho biết, ước tính gần 16 triệu người Afghanistan sẽ cần hỗ trợ trong mùa Đông này, trong đó 2,8 triệu người trong tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ khẩn cấp.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>