Syria đối mặt với thách thức lớn nhất trong 9 năm qua

28/05/2020 | 17:09 GMT+7

Kinh tế yếu kém, chính trị rối rắm, bị Mỹ và EU trừng phạt... đã làm cho Syria rơi vào khó khăn, thách thức lớn nhất trong 9 năm nội chiến.

Một trại tị nạn ở Syria. Ảnh: ANADOLU

Hiện tại, nội chiến ở Syria đã đi vào hồi kết với phần thắng thuộc về Quân đội Chính phủ. Các nhóm phiến quân hiện giờ đã bị dồn vào chân tường, không còn gây ra bất cứ mối đe dọa nào và cũng không có một đối thủ nặng ký nào đứng ra cạnh tranh vị trí lãnh đạo quốc gia mà gia đình Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã nắm quyền điều hành suốt 50 năm qua. Chiến thắng này, công đầu phải kể đến 2 đồng minh của Syria là Nga và Iran. Đây được cho là lực lượng chính yếu giúp quốc gia Trung Đông này chiến thắng phiến quân kể từ khi Mỹ rút quân.

Tuy nhiên, quốc gia Trung Đông này đang đối mặt với nhiều thách thức khó khăn chưa từng có. Nhà phân tích Lina Khatib tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh, nhận xét: “Tổng thống Bashar Al-Assad hiện giờ ở tình thế dễ bị tổn thương hơn bất cứ thời điểm nào trong 9 năm xung đột. Bởi lẽ, ông Assad phụ thuộc khá nhiều vào sự hỗ trợ của Nga và Iran. Ông không có đủ nguồn lực trong nước để phục hồi kinh tế và cũng không có sức mạnh quân sự như trước cuộc xung đột”.

Gần đây lại có nhiều đồn đoán quan hệ giữa Nga và Syria đã bị rạn nứt với nhiều lý do liên quan. Báo Newsweek của Mỹ đăng bài viết cho rằng, Nga có thể “mệt mỏi” với những gì đang xảy ra ở Syria và để ổn định tình hình ở quốc gia Trung Đông này, Nga buộc phải thỏa thuận với phương Tây. Nếu nhận định trên là sự thật thì Syria sẽ rơi vào tình thế khó khăn nhất trong 9 năm nội chiến vì thiếu thế lực chống lưng để tiêu diệt phiến quân và tái thiết đất nước.

Trong một động thái liên quan, Đại sứ Nga tại Iran Levan Dzhagaryan đã bác thông tin cho rằng, Nga không hài lòng với Tổng thống Syria Bashar Al-Assad và cách điều hành đất nước của ông này. Đây là lần đầu tiên Nga đưa ra phản ứng kể từ khi thông tin này xuất hiện. Ông Dzhagaryan nhấn mạnh, Nga sẽ tiếp tục ủng hộ tiến trình chính trị tại Syria, ủng hộ chính phủ hợp pháp tại Syria. Tương lai của Syria thuộc về người dân Syria.

Thực tế hiện nay Syria đang gặp 2 khó khăn lớn chưa có giải pháp tháo gỡ là mâu thuẫn gia tộc và kinh tế bị suy thoái nghiêm trọng.

Trước tiên là cuộc tranh cãi giữa ông Assad và người em họ Rami Makhlouf - một trong những doanh nhân giàu có nhất Syria, là dấu hiệu cho thấy sự rạn nứt ngày càng sâu sắc trong gia đình Tổng thống Assad vốn rất đoàn kết từ trước đến nay. Chính phủ Syria đã tịch thu tài sản của gia đình ông Rami Makhlouf, cấm công ty của ông làm ăn với nhà nước trong 5 năm. Quyết định này được đưa ra sau nhiều tuần tranh cãi về các khoản tiền thuế quá hạn mà chính phủ yêu cầu Tập đoàn viễn thông Syriatel do ông Makhlouf điều hành, phải thanh toán. Trong khi đó, doanh nhân Makhlouf từng được xem là trợ lý thân cận của ông Assad, luôn ủng hộ người anh họ kể từ khi ông nhậm chức Tổng thống vào năm 2000.

Một vấn đề khác được cho là bài toán nan giải của Syria hiện nay là nền kinh tế suy yếu. Đồng nội tệ của Syria đã giảm hơn 1 nửa giá trị trong 1 tháng qua, sau khi suy yếu liên tiếp trong vòng 6 tháng trước đó. Giá cả các mặt hàng như bánh mì và đường đã tăng gấp đôi, khiến người dân Syria đứng trước bờ vực của nạn đói cần phải cứu trợ nhân đạo.

Mặt khác, biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), nhằm gây sức ép buộc chính quyền Tổng thống Assad phải thỏa hiệp với phe đối lập đã ngăn chặn hoạt động đầu tư hoặc tái thiết để thúc đẩy tăng trưởng. Theo kế hoạch, bắt đầu từ tháng 6-2020, những biện pháp trừng phạt cứng rắn mới của Mỹ sẽ có hiệu lực theo Đạo luật Caesar quy định trừng phạt bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào trên thế giới hỗ trợ cho Chính phủ Syria.

Từ những diễn biến trên, cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Syria Noureddin Mouna đã bày tỏ lo lắng: “Viễn cảnh tại Syria rất ảm đạm và đáng sợ. Sẽ có những sự kiện khó thấy trước hoặc khó lý giải. Người dân Syria luôn sống trong sự sợ hãi, lo lắng và đói nghèo”.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>