Số người thiệt mạng do nội chiến ở Libya tăng theo thời gian

20/06/2019 | 08:03 GMT+7

Hơn 4.700 người thương vong từ nội chiến ở Libya làm cho nhiều người hoang mang lo lắng. 

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây cho biết, đến thời điểm này tổng cộng có 691 người đã bị thiệt mạng và 4.012 người khác bị thương trong các cuộc chiến ở bên trong và quanh thủ đô Tripoli của Libya. Trong đó, có 41 dân thường bị thiệt mạng và 135 người khác bị thương.

Binh sĩ thuộc lực lượng GNA trong cuộc giao tranh với các tay súng LNA tại khu vực ngoại ô Tripoli, Lybia, ngày 25-4. Ảnh: AFP/TTXVN

Kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, quốc gia Bắc Phi này bị chia rẽ chính trị sâu sắc và bạo lực leo thang với việc tồn tại hai chính quyền. Lực lượng của Tướng Khalifa Haftar ủng hộ chính quyền ở miền Đông, trong khi Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn. Xung đột giữa hai bên leo thang sau khi Tướng Haftar phát động chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli hôm 4-4.

Hệ lụy của nội chiến liên miên đã làm cho hàng trăm ngàn người dân Libya phải “tha phương cầu thực”. Không ít trong số họ phải bỏ mạng ở Địa Trung Hải khi vượt biển đi tìm miền đất hứa ở các quốc gia châu Âu.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, kể từ năm 2014 đến nay đã có trên 650.000 người Libya vượt biển Địa Trung Hải tìm đường sang châu Âu. Trong số này có hàng ngàn người đã mất mạng vì phải đi trên những con tàu tạm bợ đầy nguy hiểm. Tuy nhiên, hoạt động trên đã chậm lại kể từ tháng 7 năm ngoái khi lực lượng chức năng Italia triệt phá các mạng lưới buôn người tại khu vực bờ biển của Libya, quốc gia có đường bờ biển dài nhất ở Địa Trung Hải.

Trong một động thái liên quan, dưới tác động của Liên Hiệp Quốc (LHQ) và nhiều quốc gia liên quan, GNA và quân đội miền Đông do Tướng Khalifa Haftar lãnh đạo, đã tiến hành nhiều lần đàm phán để lập lại hòa bình nhưng đều thất bại.

Mới đây, ông Fayez al-Serraj, Thủ tướng Chính phủ GNA được cộng đồng quốc tế công nhận, đã đề nghị tổ chức tổng tuyển cử và bầu cử tổng thống trước cuối năm nay để chấm dứt cuộc khủng hoảng ở nước này. Sáng kiến này dựa trên việc phối hợp với phái bộ LHQ tại Libya để tổ chức một hội nghị quốc gia, nhằm tập hợp mọi lực lượng chính trị và đại diện nhân dân ở mọi khu vực đất nước. Hội nghị sẽ đề ra một lộ trình cho giai đoạn sắp tới và thống nhất việc thiết lập một cơ sở hiến pháp để tổ chức bầu cử, kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ và cộng đồng quốc tế ủng hộ và công nhận các kết quả đạt được. Ngoài ra, Thủ tướng al-Serraj cũng đề cập đến việc thành lập một “cơ quan hòa giải dân tộc cấp cao”.

Tuy nhiên, Thủ tướng al-Serraj cũng cho biết, ông không sẵn sàng đàm phán với Tướng Khalifa Haftar, Tư lệnh lực lượng quân đội miền Đông (GLA) nhằm chấm dứt chiến dịch quân sự ở thủ đô Tripoli suốt hai tháng qua. Tuyên bố này đã phần nào hạ thấp khả năng đạt được thỏa thuận ngừng bắn sớm tại Libya.

Trước đó, 15 nước thành viên trong Hội đồng Bảo an LHQ đã nhất trí thông qua Nghị quyết áp đặt các biện pháp trừng phạt, trong đó có cấm buôn bán vũ khí, đối với Libya. Từ đó đến nay, Hội đồng Bảo an LHQ đã vài lần gia hạn lệnh cấm này nhằm hạn chế giao tranh giữa các bên liên quan.

Từ những diễn biến trên, mặc dù có nhiều nỗ lực từ nhiều tổ chức và quốc gia liên quan nhưng xem ra một giải pháp hòa bình ổn định cho Libya vẫn đang là bài toán khó.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>