Mỹ ngừng tài trợ cho WHO sẽ giảm sức mạnh chống dịch Covid-19

20/05/2020 | 17:16 GMT+7

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố tạm ngừng tài trợ và đe dọa rút khỏi WHO vì tổ chức này chưa minh bạch trong xử lý dịch Covid-19 liên quan tới Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: ALJAZEERA

Từ giữa tháng 4 vừa qua, Tổng thống Trump đã yêu cầu Chính phủ Mỹ tạm ngừng tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), do cho rằng cách thức giải quyết đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 của tổ chức này chưa phù hợp. Washington cảnh báo tạm thời đóng băng quỹ tài trợ cho WHO và xem xét rút Mỹ khỏi tổ chức này.

Trong bức thư gửi cho Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đăng tải trên tài khoản Twitter, Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Nếu WHO không cam kết tiến hành những cải thiện thực chất đáng kể trong vòng 30 ngày tới, tôi sẽ tạm thời đóng băng quỹ viện trợ của Mỹ dành cho WHO trong một thời gian dài và xem xét lại tư cách thành viên của chúng tôi tại tổ chức này”.

Ông chủ Nhà Trắng cũng đã xem xét giảm mức tài trợ của Mỹ cho WHO từ 450 triệu USD/năm (tương ứng khoảng 15% ngân sách của WHO) xuống còn 40 triệu USD. Ông Trump cho rằng: “Tổ chức Y tế Thế giới đã chống lại các lệnh cấm của chúng tôi. Điều này quá nghiêm trọng. Họ đã cho chúng tôi rất nhiều lời khuyên tồi tệ. Họ đã sai. Họ đã đứng về phía Trung Quốc”.

Đồng quan điểm trên, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar cũng khẳng định, những thất bại của WHO xuyên suốt đại dịch đã khiến “nhiều người mất mạng”. Cụ thể là: “WHO đã thất bại trong việc thu thập thông tin mà thế giới cần. Sự thất bại đó đã khiến nhiều người phải trả giá. Trong một nỗ lực rõ ràng nhằm che giấu sự bùng phát dịch bệnh, ít nhất một quốc gia thành viên đã không hoàn thành nghĩa vụ minh bạch của họ, khiến thế giới phải chịu tổn thất nặng nề”.

Trong một diễn biến liên quan, trước đó Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã đe dọa sẽ cắt đứt quan hệ với Trung Quốc, nơi các cas mắc Covid-19 đầu tiên được ghi nhận vào cuối năm ngoái, đồng thời đưa ra những cáo buộc rằng vi-rút SARS-CoV-2 bắt nguồn từ phòng thí nghiệm Trung Quốc.

Động thái mang tính trừng phạt của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào WHO đã gây ra làn sóng dư luận trái chiều. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đưa ra cam kết sẽ thúc đẩy một cuộc đánh giá độc lập về quy trình ứng phó với đại dịch Covid-19 của cơ quan này vào “thời điểm thích hợp sớm nhất”. Ông cũng kêu gọi các bên tham gia đánh giá một cách minh bạch và có trách nhiệm, cho rằng quá trình đánh giá cần hội tụ trách nhiệm của các bên tham gia một cách thiện chí. Người đứng đầu WHO cũng cho biết, mục tiêu lớn nhất của ông hiện nay vẫn là tiếp tục dẫn dắt cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch Covid-19.

Phản ứng về các tuyên bố của giới chức Mỹ, người đứng đầu Ủy ban Y tế quốc gia của Trung Quốc Mã Hiểu Vĩ khẳng định, Bắc Kinh đã hành động kịp thời và đầy đủ về việc thông báo dịch bệnh cũng như chia sẻ trình tự mẫu gen đầy đủ của vi-rút. Còn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng bày tỏ sự sẵn sàng và ủng hộ đánh giá toàn diện phản ứng toàn cầu đối với Covid-19, sau khi đại dịch được kiểm soát, nhằm rút ra kinh nghiệm và giải quyết những thiếu sót. Theo ông, công việc này nên được WHO tiến hành một cách chuyên nghiệp, có khoa học, khách quan và trung lập. Ngoài ra, Chủ tịch Trung Quốc cũng cam kết ủng hộ 2 tỉ USD trong 2 năm để hỗ trợ công tác đối phó Covid-19, đặc biệt là những nước đang phát triển.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi gần đây cho rằng việc Chính phủ Mỹ chấm dứt tài trợ trong khi WHO đang dẫn dắt cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch Covid-19 là “việc làm vô nghĩa”. Bà khẳng định Mỹ chỉ có thể giành thắng lợi trong cuộc chiến chống dịch bệnh khi phối hợp với các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, Phòng Thương mại Mỹ nhận định quyết định của Tổng thống Trump không phục vụ lợi ích cao nhất của đất nước. Hiệp hội Y khoa Mỹ cũng đánh giá đây là một bước đi nguy hiểm sai hướng, đồng thời hối thúc nhà lãnh đạo Mỹ xem xét lại vấn đề này.

Giới phân tích nhận định, việc trừng phạt WHO trong giai đoạn hiện nay là nhạy cảm sẽ làm giảm sức mạnh cộng đồng chống đại dịch Covid-19. Mặt khác, hành động của Mỹ vô hình trung đã đẩy WHO xích lại gần với Trung Quốc. Về lâu dài đây sẽ là điều kiện căn cơ để Trung Quốc nâng cao uy tín của mình trên trường quốc tế.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>