Lo kinh tế toàn cầu suy thoái

21/10/2019 | 08:03 GMT+7

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP toàn cầu chỉ tăng 3% trong năm nay do các căng thẳng thương mại và địa chính trị.

Nền kinh tế thế giới đang trải qua những biến động lớn.

Theo báo cáo của IMF, các căng thẳng thương mại và địa chính trị khiến GDP toàn cầu được dự báo chỉ tăng 3% trong năm nay, thấp hơn mức 3,2% được đưa ra trong báo cáo hồi tháng 7. Đáng chú ý, đà phục hồi kinh tế toàn cầu năm tới cũng sẽ yếu hơn dự báo trước đó. Theo IMF, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,4% năm 2020, so với mức 3,5% đưa ra trước đó.

“Viễn cảnh kinh tế toàn cầu vẫn bấp bênh với sự giảm tốc tăng trưởng đồng bộ và sự phục hồi không chắc chắn. Ở mức tăng trưởng 3%, không có chỗ cho những sai lầm về chính sách và các nhà hoạch định chính sách cần cấp thiết bắt tay giảm các căng thẳng thương mại và địa chính trị”, bà Gita Gopinath, chuyên gia kinh tế trưởng của IMF, nhận định.

Còn ông Ray Dalio - nhà quản lý quỹ đầu cơ hàng đầu thế giới - cho rằng chu kỳ kinh doanh toàn cầu hiện nay đang ở giai đoạn “võng sâu” và nền kinh tế thế giới đang có ít nhất hai điểm tương đồng với hồi thập niên 1930 - thời kỳ của Đại suy thoái. Hiện đã quá muộn để các ngân hàng trung ương có thể tạo ra khác biệt lớn, bởi các nền kinh tế đã bước vào một thời kỳ giảm tốc tự nhiên. Nhà sáng lập quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới Bridgewater Associates này cũng cho rằng có 4 dạng chiến tranh để theo dõi hiện nay, bao gồm chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ, chiến tranh tiền tệ, và chiến tranh địa chính trị.

Theo đài CNN, chấm dứt thương chiến Mỹ - Trung là một trong những cách thúc đẩy tăng trưởng. Các cuộc đàm phán giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này đã đạt tiến triển vào tuần rồi nhưng khả năng đạt được một thỏa thuận toàn diện vẫn còn khá xa vời.

Mỹ đã lên tiếng kêu gọi các cường quốc thế giới hành động nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đồng thời cho rằng tình trạng suy thoái kinh tế là do những chính sách tiết kiệm quá mức. Nếu chính phủ các nước không lập tức hành động, tình trạng tăng trưởng chậm của nền kinh tế Trung Quốc, Đức và châu Âu có thể còn kéo dài hơn hoặc sâu hơn so với hình dung ban đầu. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho rằng vẫn còn nhiều khả năng cắt giảm thuế và áp dụng các biện pháp tài chính khác để thúc đẩy sự phục hồi trong hoạt động kinh tế. Theo hãng tin Reuters, bên cạnh đó, ông Mnuchin đã ủng hộ đề xuất tăng gấp đôi quy mô quỹ cho vay khủng hoảng 250 tỉ USD của IMF như một phần của thỏa thuận nhằm duy trì nguồn lực IMF tổng thể.

Trái ngược với tuyên bố của ông Mnuchin, IMF cho rằng tác động toàn diện của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm và ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động đầu tư kinh doanh ở Mỹ. IMF cảnh báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm 0,8% trong năm tới do thương chiến Mỹ - Trung. IMF cũng kêu gọi tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế, đồng thời hạ dự báo kinh tế toàn cầu trong quý thứ 4 liên tục và cho rằng các cuộc chiến thương mại của chính quyền ông Donald Trump là nguyên nhân chính gây ra tình trạng suy giảm.

Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chậm nhất trong 27 năm qua. Trong khi đó, ở Mỹ, nhiều dấu hiệu cho thấy các cuộc chiến thương mại của ông Donald Trump đang làm tổn hại các ngành công nghiệp trong nước, trong đó lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề, xuất khẩu suy yếu và đầu tư của các doanh nghiệp sụt giảm đáng kể.

Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 trong bối cảnh lòng tin của giới đầu tư và kinh doanh sụt giảm.

Không chỉ Mỹ - Trung căng thẳng, mà quan hệ thương mại xấu đi giữa Nhật Bản với Hàn Quốc, cũng như mối quan hệ tương lai giữa Anh với Liên minh châu Âu (EU) cũng đang là những đám mây đen phủ bóng lên triển vọng kinh tế toàn cầu.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>