Khi nào kết thúc nội chiến đẫm máu ở Libya ?

20/09/2019 | 08:16 GMT+7

Quân đội miền Đông (LNA) lại không kích mạnh mẽ sân bay quốc tế Tripoli, Libya, làm nhiều người thương vong. Động thái này khiến Liên Hiệp Quốc quan ngại.

Khói bốc lên sau cuộc không kích của lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) tự xưng của Tướng Haftar tại Tajoura, phía Nam Tripoli ngày 29-6-2019. Ảnh: AFP/TTXVN

LNA của Tướng Khalifa Hafta Haftar đã phát động 3 cuộc không kích nhằm vào khu vực quân sự của sân bay quốc tế Mitiga ở thủ đô Tripoli. Các cuộc không kích trên được thực hiện bởi các máy bay chiến đấu của lực lượng này. Sân bay quốc tế Mitiga là một trong những mục tiêu thường xuyên của các vụ không kích do LNA thực hiện, với cáo buộc Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) sử dụng sân bay này cho mục đích quân sự. Hậu quả của những đợt tấn công liên tục này đã buộc GNA phải đóng cửa sân bay quốc tế Mitiga hồi đầu tháng 9-2019 vì bị hư hỏng nặng.

Bên cạnh đó, LNA cũng thực hiện một số cuộc không kích tại thành phố Sirte, cách Tripoli khoảng 450km về phía Đông, nhằm vào các vị trí của GNA. Văn phòng LNA cho biết, các cuộc không kích đã đạt được mục tiêu đề ra.

Đáng quan ngại hơn, LNA tuyên bố bất kỳ sự tập hợp hoặc di chuyển đáng ngờ nào của các lực lượng ủng hộ GNA đều sẽ là mục tiêu của các cuộc không kích do quân đội miền Đông thực hiện. Hành động này không loại trừ khả năng tấn công nhằm vào dân thường gây ra thương vong cho người dân vô tội.

Trong một động thái liên quan, trước đó LNA đã không chấp nhận lời kêu gọi đàm phán của LHQ. Tướng Ahmed al-Mesmari, Phát ngôn viên của LNA, khẳng định: “Trận chiến tại Tripoli đang ở giai đoạn cuối. Khi các biện pháp ngoại giao bất lực, không còn thời gian để quay lại đối thoại. Quân sự là cách thức hữu hiệu nhất để khôi phục an ninh và áp đặt lại luật pháp”.

Libya chìm trong bất ổn và hỗn loạn kể từ cuộc chính biến 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Hiện quốc gia Bắc Phi này tồn tại 2 chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. GNA do ông Fayed al-Sarraj đứng đầu được quốc tế công nhận và các nhóm dân quân hậu thuẫn, hoạt động ở thủ đô Tripoli. Trong khi đó, lực lượng LNA của Tướng Khalifa Hafta Haftar thì hoạt động ở miền Đông. Đầu tháng 4-2019, Lực lượng quân đội miền Đông đã phát động chiến dịch quân sự nhằm vào thủ đô Tripoli, vốn nằm dưới sự kiểm soát của GNA, dẫn tới các cuộc giao tranh ở các vùng ngoại ô làm 1.000 người thiệt mạng và hơn 120.000 người phải đi sơ tán. Sau gần 5 tháng xung đột nổ ra, LNA vẫn đang bế tắc khi gặp phải sự kháng cự quyết liệt của các lực lượng ủng hộ GNA ở ngoại ô phía Nam Tripoli.

Hệ lụy của nội chiến dai dẳng tại Libya đã làm cho làn sóng người di cư tị nạn ở quốc gia này cứ tăng dần theo thời gian. Nếu cuộc chiến tiếp tục diễn ra sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo ngoài mong muốn.

Trước thực trạng trên, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) mới đây đã thông qua Nghị quyết 2486 gia hạn nhiệm vụ của Phái bộ tại Libya (UNSMIL) tới ngày 15-9-2020 đồng thời kêu gọi một lệnh ngừng bắn lâu dài tại quốc gia Bắc Phi này.

Theo đó, UNSMIL sẽ tiếp tục hỗ trợ tiến trình chính trị toàn diện, đối thoại an ninh và kinh tế cùng “một lệnh ngừng bắn” tại quốc gia này. Nghị quyết đề nghị Tổng Thư ký LHQ đánh giá những bước đi cần thiết để đạt được một lệnh ngừng bắn lâu dài tại Libya và vai trò tiềm năng của UNSMIL cung cấp các biện pháp hỗ trợ lệnh ngừng bắn. Nghị quyết cũng rút lại lệnh cấm vận vũ khí ở Libya được ban hành trong các nghị quyết trước đó.

Nghị quyết mới của LHQ cũng kêu gọi các quốc gia có ảnh hưởng tới các bên tham chiến tại Libya hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn và giải pháp chính trị cho cuộc xung đột dai dẳng tại quốc gia Bắc Phi này.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>