Dư luận thế giới lên án Thổ Nhĩ Kỳ

17/10/2019 | 05:53 GMT+7

Việc Thổ Nhĩ Kỳ đơn phương tấn công Syria đã gây nhiều thương vong làm dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm và lên án.

Mỹ yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ dừng hành động quân sự đơn phương ở Syria. Ảnh: REUTERS

Chưa đầy một tuần, cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào miền Bắc Syria đã gây thiệt hại nặng nề cơ sở hạ tầng và làm hàng trăm người thương vong. Theo tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở tại Anh, chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến ít nhất 133 thành viên thuộc Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) do người Kurd đứng đầu cùng 69 dân thường thiệt mạng. Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, cũng có 4 binh sĩ và 18 dân thường nước này thiệt mạng.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã lên tiếng, mục tiêu của Ankara là nhằm đánh bật lực lượng người Kurd ra khỏi thị trấn Manbij ở miền Bắc Syria và ổn định cuộc sống cho những người Arab tại đây. Theo ông Erdogan, thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ là quét sạch các tổ chức khủng bố ở Manbij trong 90 ngày, ám chỉ các tay súng thuộc Các đơn vị Bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG). Tuy nhiên, một năm đã trôi qua và vẫn chưa quét sạch được khủng bố ở Manbij.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6-10 đã ra lệnh cho lính Mỹ rời khu vực biên giới (miền Bắc Syria). Ông Trump cũng kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ ngừng các cuộc tấn công Syria, đồng thời cảnh báo Washington sẽ trừng phạt Ankara nếu tiếp tục tấn công người Kurd, vốn dĩ là đồng minh của Washington trong chiến dịch tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhiều năm qua. Tuy nhiên, bất chấp lời cảnh báo trên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ồ ạt tấn công Syria.

Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra một sắc lệnh trừng phạt các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, tăng thuế đối với mặt hàng thép của Thổ Nhĩ Kỳ lên tới 50% và “lập tức” ngừng đàm phán thương mại với Ankara. Ông Trump nêu rõ: “Sắc lệnh này sẽ cho phép Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ bổ sung đối với những người có thể liên quan tới các vụ lạm dụng nhân quyền, cản trở một lệnh ngừng bắn, ngăn cản những người phải rời bỏ nhà cửa trở về nhà, ép người tị nạn phải hồi hương, hay đe dọa tới an ninh, hòa bình và ổn định tại Syria”.

Cùng quan điểm trên, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã kêu gọi các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Ankara và đề nghị Mỹ tổ chức cuộc họp liên quân chống IS. Hiện các nhà lãnh đạo EU đang tìm cách mở rộng lệnh cấm vận vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để phản đối cuộc tấn công của Ankara nhằm vào các lực lượng người Kurd ở quốc gia láng giềng Syria. Hiện Đức, Pháp và Hà Lan đã đình chỉ các thương vụ bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Liên quan đến chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã ra thông cáo bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến quân sự hiện nay ở Đông Bắc Syria, khiến 160.000 dân thường phải ly tán. Ông Guterres hối thúc các bên giải quyết các vấn đề thông qua giải pháp hòa bình và bảo vệ những người dân không liên quan tới cuộc chiến.

Trong một động thái liên quan, Bộ Quốc phòng Nga cho hay, dưới sự hỗ trợ của Matxcơva, quân đội Syria đã nắm quyền kiểm soát khu vực rộng hơn 1.000km2 quanh Manbij, gồm cả sân bay dã chiến Tabqa. Hiện, Nga đã lấp đầy chỗ trống mà Mỹ bỏ lại ở Bắc Syria và triển khai lực lượng để tách quân chính phủ Syria đang tiến bước với binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ.

Giới phân tích nhận định, việc Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Bắc Syria sẽ rơi vào tình thế “lợi bất cập hại”. Lợi là có thể giải phóng được khu vực biên giới, hạn chế nguy cơ tấn công của các phần tử đối lập và IS nhằm vào quốc gia này. Tuy nhiên, Ankara cũng gặp bất lợi lớn là mất đi đồng minh tin cậy Mỹ và NATO. Mặt khác, khi tấn công Bắc Syria sẽ tạo cơ hội để tàn quân IS hồi sinh trỗi dậy tại đây, gây ra nguy cơ khủng bố sau này. Điều đáng quan tâm là lợi dụng cuộc tấn công này, quân Chính phủ Syria chiếm lại các vị trí quan trọng từ tay người Kurd. Đây cũng là điều kiện để Nga thay thế vị trí của Mỹ tại Syria.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>