Chờ vắc-xin phòng dịch Covid-19: Tự giãn cách xã hội vẫn là biện pháp hữu hiệu

27/05/2020 | 08:05 GMT+7

Dịch Covid-19 còn kéo dài và chỉ có vắc-xin mới chiến thắng được đại dịch này là nhận định của nhiều chuyên gia trên thế giới. Do vậy, bên cạnh cuộc đua nghiên cứu, sản xuất vắc-xin cần quan tâm giải pháp tự giãn cách xã hội.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa thêm 1 loại vắc-xin Nga vào danh sách thuốc triển vọng. Ảnh: TASS

Sau thời gian nghiên cứu và bước đầu thử nghiệm thành công, Nga vừa tuyên bố sẽ tiêm vắc-xin phòng dịch Covid-19 rộng rãi cho người dân nước này vào mùa Thu. Đây cũng là vắc-xin được WHO đưa vào danh sách các vắc-xin triển vọng ngừa Covid-19.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu dịch tễ học và vi trùng học N.F. Gamaley, Bộ Y tế Nga Alexander Ginzburg cho biết, các nhân viên của Trung tâm đã tự mình thử nghiệm vắc-xin phòng dịch Covid-19 và các thử nghiệm đã thành công. Các nhà khoa học đã kiểm tra không chỉ đơn giản là sự hiện diện của các kháng thể, mà kiểm tra các kháng thể bảo vệ có tác dụng trung hòa vi-rút.

Tuy nhiên, Giám đốc Alexander Ginzburg cũng cho biết, cùng lúc tất cả dân cư không thể nhận được vắc-xin. Theo tính toán của Trung tâm này, trong phương án tốt nhất thì quy trình tiêm chủng và tiến hành hàng loạt sẽ mất nửa năm.

Trước đó, một cán bộ khác của trung tâm nghiên cứu này, ông Viktor Zuev cho biết, đối tượng ưu tiên đầu tiên của việc tiêm phòng vắc-xin là các bác sĩ, cũng như những người về công việc thường tiếp xúc với số lượng lớn người, đó là các nhân viên thu ngân, lái xe taxi, những người bán vé, các tình nguyện viên... Bộ trưởng Bộ Y tế Mikhail Murashko đã cho biết, nước này sẽ có vắc-xin vào nửa cuối tháng 7. Ông cũng tuyên bố, chỉ có vắc-xin mới giúp trở lại cuộc sống bình thường một cách đầy đủ.

Mới đây, Công ty Novovax có trụ sở tại Mỹ đã đưa một loại vắc-xin ngừa Covid-19 vừa được  cấp phép vào thử nghiệm tại Australia. 130 người trong độ tuổi từ 18 đến 59 tuổi sẽ tham gia chương trình thử nghiệm tại Bệnh viện Alfred ở Melbourne. Sau đó các thử nghiệm sẽ được tiếp tục tiến hành tại thành phố Brisbane của Australia.

Hiện toàn thế giới có hàng trăm phòng thí nghiệm đang tìm kiếm vắc-xin phòng dịch Covid-19. Trong số này, có hàng chục quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp, Ấn Độ, Nga… tuyên bố đã sản xuất thành công vắc-xin ngừa Covid-19 và đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể người, với hy vọng sẽ sớm đưa vào sử dụng rộng rãi trong năm nay.

WHO đã tuyên bố, không tạo ra được vắc-xin thì không thể chiến thắng đại dịch. Hiện thế giới đang chứng kiến một cuộc chạy đua giữa các quốc gia, các hãng dược phẩm để sản xuất vắc-xin, với khoản đầu tư hàng tỉ USD.

Tuy nhiên thay vì theo đuổi một cuộc chạy đua giữa nước này với nước kia để sản xuất vắc-xin, các quốc gia và các phòng thí nghiệm cần hợp tác với nhau, thì thế giới sẽ sớm có được công cụ hữu hiệu để chống lại đại dịch chết người này. Đây cũng là chương trình phối hợp sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 mà WHO hướng đến.

Trong một động thái liên quan, ông William Haseltine, nhà nghiên cứu dự án ung thư, HIV/AIDS tại trường Y Harvard, Mỹ, cho biết cách tiếp cận tốt nhất với dịch bệnh là kiểm soát, thông qua các biện pháp truy dấu cas nhiễm và cách ly nghiêm ngặt bất cứ khi nào có dấu hiệu lây lan. Ông Haseltine kêu gọi mọi người nên tự ý thức giãn cách xã hội bằng các biên pháp như đeo khẩu trang, rửa tay, làm sạch các bề mặt và giữ khoảng cách.

Nhà nghiên cứu Haseltine đưa ra dẫn chứng là Hàn Quốc - một trong những nước đã thực hiện tốt việc cách ly các cas nhiễm và giãn cách xã hội, từ đó kiểm soát đà lây lan của dịch bệnh trong bối cảnh thế giới vẫn đang chờ đợi vắc-xin ngừa Covid-19.

Trong khi đó, Brazil được nhắc đến như một điểm nóng Covid-19 mới do số cas tử vong tăng mạnh trong khi tỷ lệ xét nghiệm vẫn ở mức thấp, và các biện pháp giãn cách xã hội không được áp dụng nghiêm ngặt.

Hiện tại thế giới đã có hơn 5,5 triệu người nhiễm bệnh, hơn 346.000 người tử vong và dịch Covid-19 đang tiếp tục gia tăng từng ngày. Trong khi chờ vắc-xin ngừa dịch Covid-19, mỗi người dân, mỗi quốc gia cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình bằng giãn cách xã hội để sống chung an toàn với đại dịch thế kỷ này.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>