Căng thẳng Mỹ - Iran tiếp tục leo thang

07/11/2019 | 17:14 GMT+7

Gia tăng trừng phạt Iran, Mỹ đã làm cho căng thẳng giữa hai quốc gia tiếp tục leo thang.

Người đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Ali Akbar Salehi (trái) báo cáo với Tổng thống Iran Hassan Rouhani (phải) tại một triển lãm nhân Ngày công nghệ hạt nhân ở Tehran. Ảnh: AFP/TTXVN

Mới đây, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với 9 người thân cận của lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei. Trong đó, bao gồm cả Chánh văn phòng, một trong những con trai của ông Khamenei và người đứng đầu ngành tư pháp.

Trước đó, Washington tái áp đặt 2 gói trừng phạt Iran trong vòng 90 ngày và 180 ngày sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử, nhằm “gây sức ép tối đa về mặt kinh tế” đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này. Thậm chí, Mỹ còn không ngại ngần công khai quyết tâm “bóp nghẹt” nền kinh tế Iran khi muốn thông qua gói trừng phạt “triệt tiêu” toàn bộ hoạt động xuất khẩu dầu - nguồn thu chủ lực của Tehran.

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Iran ký với Nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) hồi  năm 2015, vì cho rằng thỏa thuận chưa chặt chẽ, Mỹ đã tái áp đặt và gia tăng các biện pháp trừng phạt, đặc biệt nhằm vào mạng lưới tài chính và ngành kinh tế chủ lực của Iran là xuất khẩu dầu mỏ, với mục đích gây sức ép, buộc Iran quay trở lại bàn đàm phán.

Mặc dù Tehran tuyên bố các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên Hiệp Quốc nhằm vào nước này không gây tác động đến kinh tế Iran, song trong bối cảnh Tehran đang lâm vào khủng hoảng kinh tế, đây thực sự là “đòn hiểm” của Washington. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa đưa ra dự báo rằng nền kinh tế Iran sẽ giảm tới 9,5% trong năm 2019, so với ước tính trước đó là giảm 6%, và mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Iran sẽ gần bằng 0% vào năm tới.

IMF dự báo xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Iran sẽ giảm xuống còn 60,3 tỉ USD trong năm nay so với mức 103,2 tỉ USD của năm ngoái và sẽ tiếp tục giảm xuống còn 55,5 tỉ USD trong năm tiếp theo. Thể chế tài chính trên cũng cho biết Iran sẽ cần giá dầu thô ở mức 194,6 USD/thùng - một mức giá không tưởng, để cân bằng ngân sách vào năm tới. Có thể thấy nền kinh tế Iran phần nào đó đang bị “bóp nghẹt” do các biện pháp trừng phạt của Mỹ, và Tehran đang chấp nhận trò chơi “ăn miếng trả miếng” với Mỹ dù hiểu rằng nó quá rủi ro và mạo hiểm.

Ngay sau động thái áp đặt lệnh trừng phạt đối với 9 người thân cận của lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi đã cực lực phản đối, đồng thời gọi các biện pháp trừng phạt này là “dấu hiệu của sự tuyệt vọng và bất lực của Washington trong việc tiếp cận ngoại giao đối với các vấn đề quốc tế quan trọng.

Để trả đũa những biện pháp trừng phạt của Mỹ, Iran tuyên bố sẽ tiếp tục giảm cam kết của nước này trong JCPOA, đồng thời làm giàu uranium ở mức 5% tại cơ sở hạt nhân Fordow dưới lòng đất từ ngày 6-11. Và nhiều khả năng Iran sẽ nâng mức làm giàu uranium lên 20% nếu cần thiết. Tổng thống Iran Hassan Rouhani thông báo, Tehran sẽ bơm khí uranium vào 1.044 máy ly tâm tại nhà máy Fordow. Đây là bước đi thứ tư trong lộ trình cắt giảm cam kết JCPOA.

Trong một diễn biến liên quan, Đại giáo chủ Ali Khamenei vừa tuyên bố Iran sẽ không đầu hàng trước sức ép từ Mỹ, đồng thời khẳng định cấm tổ chức các cuộc đàm phán với Mỹ cho tới khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.

Những động thái thù địch gần đây của Mỹ và Iran đã khiến cho số phận của JCPOA, vốn đã hết sức bấp bênh sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA nay lại càng nguy cấp hơn. Đáng quan ngại là hệ lụy của những động thái thù địch này có thể là tác nhân để Iran quay lại phát triển vũ khí hạt nhân nhằm đối phó Mỹ.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>