Bất lợi bủa vây Triều Tiên

09/10/2019 | 17:18 GMT+7

Vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên chính là “giọt nước tràn ly” tác động xấu đến quan hệ của Bình Nhưỡng với các quốc gia liên quan. 

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) họp kín trong ngày 8-10, thảo luận về vụ phóng tên lửa mới đây của Triều Tiên. Ảnh: MINT

Mới đây, Hội đồng Bảo an LHQ có cuộc họp kín nhằm thảo luận về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Cuộc họp này được thực hiện theo đề xuất của Anh, Pháp và Đức sau khi Triều Tiên tuyên bố nước này bước vào giai đoạn mới trong nỗ lực phòng vệ, với vụ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm vào tuần trước. Đây được cho là vụ việc nghiêm trọng nhất kể từ khi Triều Tiên bắt đầu đối thoại với Mỹ vào năm 2018. Trong khi Mỹ im lặng thì các nước châu Âu cho rằng vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. Điều này đồng nghĩa với các biện pháp trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng đang chờ trực gia tăng.

Về phía Triều Tiên, Đại sứ nước này tại LHQ Kim Song lên tiếng cảnh báo Mỹ, Anh, Pháp và Đức về việc đưa vụ thử tên lửa của Triều Tiên tại Hội đồng Bảo an sẽ càng khiến nước này thúc đẩy các hoạt động phòng vệ xa hơn nữa. Ông Kim Song cho rằng: “Mỹ và các đồng minh nên hiểu rằng, nếu họ nêu vấn đề phòng vệ của Triều Tiên tại LHQ, sẽ càng khiến khuyến khích chúng tôi thúc đẩy chương trình vũ khí của mình. Triều Tiên đang theo dõi chặt chẽ mọi động thái của Mỹ và Hội đồng Bảo an LHQ”.

Một vấn đề đáng lưu ý khác, vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên diễn ra ngay trước thềm vòng đàm phán cấp chuyên viên đầu tiên giữa Mỹ và Triều Tiên tại Thụy Điển sau nhiều tháng bế tắc. Các nhà phân tích cho rằng, vụ việc trên là nguyên nhân chính dẫn đến đàm phán đổ vỡ mà không có bất cứ kết quả cụ thể nào. Tuy nhiên, Mỹ và Hàn Quốc vẫn khẳng định sẽ tiếp tục duy trì đối thoại với Triều Tiên trong thời gian tới.

Trong một động thái được cho là bất lợi khác, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) mới đây cho rằng Triều Tiên có khả năng sử dụng lại bãi thử hạt nhân Punggye-ri đã bị phá bỏ sau khi tu sửa địa điểm này, mặc dù hiện chưa phát hiện bất kỳ động thái nào như vậy. Tướng Park Han-ki cho rằng trong 4 đường hầm tại bãi thử Punggye-ri của Triều Tiên, có 2 đường hầm có thể tái sử dụng sau khi tu sửa.

Triều Tiên đã phá bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri hồi tháng 5-2018 để tỏ rõ cam kết phi hạt nhân hóa với Mỹ nhằm đổi lại việc Mỹ và LHQ xóa bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của Bình Nhưỡng đều bị đổ vỡ sau 3 lần gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thất bại.

Trong bối cảnh bế tắc của các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ, Triều Tiên mới đây lại chỉ trích Hàn Quốc về kế hoạch mua vũ khí của Mỹ, coi động thái này là “hành động phản bội không thể dung thứ”. Bình Nhưỡng cũng lên án Hàn Quốc có hành động làm gia tăng căng thẳng khi tập trận chung với Mỹ và mua vũ khí của Mỹ.

Cùng thời điểm này, Triều Tiên lại gây mất lòng Nhật Bản sau vụ tàu đánh cá của Bình Nhưỡng va chạm với một tàu tuần tra bờ biển của Nhật Bản tại vị trí cách bán đảo Noto, tỉnh Ishikawa (Nhật Bản) 350km về phía Đông Bắc. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh Nhật Bản sẽ có hành động “kiên quyết” để ngăn chặn việc đánh bắt cá bất hợp pháp của các tàu nước ngoài trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của đất nước. Ông Abe nhấn mạnh: “Chúng tôi đã phản đối Triều Tiên thông qua Đại sứ quán ở Bắc Kinh”, đồng thời nói thêm rằng Nhật Bản sẽ có hành động “kiên quyết” để ngăn chặn việc đánh bắt này.

Liên tục những vụ việc gây xôn xao dư luận liên quan đến Triều Tiên, vô hình trung đã tạo bất lợi bủa vây đối với quốc gia này trong tiến trình tìm kiếm đàm phán hòa bình tại bán đảo Triều Tiên. Để đàm phán hòa bình tiếp tục diễn ra, Bình Nhưỡng cần có thái độ cầu thị bằng thiện chí như đã từng làm thời gian qua.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>