Nâng cao nhận thức về dân số và phát triển cho lao động nữ

07/11/2019 | 08:42 GMT+7

Đó là mục tiêu của buổi tọa đàm với chủ đề “Dân số và phát triển” theo tinh thần Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới, vừa được Ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp với Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và LĐLĐ tỉnh tổ chức.

Thạc sĩ, bác sĩ Mai Xuân Phương giao lưu với cán bộ công đoàn tại buổi tọa đàm.

Đây cũng là hoạt động truyền thông nhằm cung cấp những thông tin bổ ích liên quan đến công tác dân số trong giai đoạn hiện nay.

Theo Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam, công tác dân số là bộ phận trong hoạt động nữ công. Vì vậy đơn vị đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền về công tác dân số và phát triển, nhất là các vấn đề mới, trọng tâm về cơ cấu, chất lượng, phân bổ dân số và lồng ghép công tác dân số vào kế hoạch hoạt động của các cấp công đoàn.

Theo Nghị quyết 21, sau 25 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa VII và các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cụ thể, tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, đạt mức sinh thay thế sớm 10 năm so với mục tiêu Nghị quyết đề ra và tiếp tục duy trì cho đến nay, hạn chế tăng thêm hàng chục triệu người. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Mỗi cặp vợ chồng có 2 con đã trở thành chuẩn mực, lan tỏa, thấm sâu trong toàn xã hội.

Tuy nhiên, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình vẫn còn nhiều hạn chế. Mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể. Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng. Chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số. Nội dung truyền thông, cung cấp dịch vụ chưa toàn diện, chủ yếu tập trung vào kế hoạch hóa gia đình…

Bà Đỗ Hồng Vân, Phó trưởng Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam, băn khoăn hiện nay, tình trạng phụ nữ mắc bệnh phụ khoa còn cao nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Vấn đề nạo, phá thai còn phổ biến, nhất là trong nữ công nhân, lao động ở các khu công nghiệp; riêng tỷ lệ mất cân bằng giới tính cũng có chiều hướng gia tăng, làm phát sinh, tiềm ẩn nhiều hệ lụy sau này.

Còn theo thạc sĩ, bác sĩ Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục truyền thông, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, vấn đề truyền thông về việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho công nhân, lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước nói chung, Hậu Giang nói riêng rất cần thiết. Đây cũng là giải pháp giúp nâng cao chất lượng dân số gắn liền với phát triển trong tình hình mới.

Do đó, tại buổi tọa đàm, thạc sĩ, bác sĩ Mai Xuân Phương tập trung phân tích, làm rõ 6 nội dung trọng tâm trong chính sách dân số và phát triển theo tinh thần Nghị quyết 21. Cụ thể là phải duy trì vững chắc mức sinh thay thế; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng; thích ứng với quá trình già hóa dân số; phân bổ quy mô dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số.

Đồng thời, ông cũng chia sẻ nhiều kiến thức bổ ích nhằm trang bị cho nữ cán bộ, công đoàn viên, công chức, lao động nâng cao kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục đúng đắn và có hệ thống thông qua các biện pháp tránh thai, phá thai an toàn; cách phòng, chống bệnh nhiễm khuẩn, lây truyền qua đường tình dục; khả năng làm chủ cảm xúc cho nữ giới…

Bà Lê Thị Thanh Lam, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho rằng nội dung buổi tọa đàm rất thiết thực, ý nghĩa. Do đó, Hậu Giang rất mong Ban Nữ công Tổng LĐLĐ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện tổ chức những hoạt động truyền thông như thế này để góp phần nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe nói chung cho nữ cán bộ, công đoàn viên, công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

“Sau buổi tọa đàm này, chúng tôi sẽ chỉ đạo Công đoàn các khu công nghiệp nghiên cứu, tham mưu LĐLĐ tỉnh sớm tổ chức thêm hoạt động truyền thông xoay quanh các nội dung chuyên sâu về chính sách dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản trực tiếp tại những doanh nghiệp có số lượng lớn lao động nữ”, bà Lam nói.

Thời gian qua, công tác dân số ở Hậu Giang được đánh giá là đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Mức sinh thay thế khá ổn định, trường hợp sinh con thứ 3 rất ít; công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em cũng được quan tâm. Đáng ghi nhận là với mục tiêu giảm sự chênh lệch giới tính nam - nữ, Hậu Giang đang thực hiện hỗ trợ chính sách dân số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025.

Theo đó, sẽ tiến hành biểu dương, khen thưởng cặp vợ chồng sinh đủ 2 con một bề là gái thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; cho cha mẹ sinh con một bề là gái khi hết tuổi lao động nhưng không có lương hưu. Cụ thể là tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho gia đình sinh đủ 2 con một bề là gái, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, mẹ còn trong độ tuổi sinh đẻ nhưng không vi phạm chính sách dân số kể từ khi sinh con gái thứ 2...

 

Bài, ảnh: GIA NGUYỄN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>