Bồi hồi thăm lại chiến trường xưa

08/10/2019 | 07:36 GMT+7

Hậu Giang không phải là nơi có bến để Đoàn tàu không số huyền thoại năm xưa từ Bắc vào Nam cập bến giao chuyển vũ khí, nhưng với những cựu chiến binh (CCB) tàu không số ngày đó, nơi nào thuộc Quân khu 9 trong những năm chiến tranh ác liệt, đều là ruột thịt của mình...

Các chú đã vào tuổi xưa nay hiếm, nhưng nhắc đến chuyện xưa vẫn nhớ nhiều.

Mới đây, Đoàn Hội CCB tàu không số Nghệ Tĩnh (thuộc Ban Liên lạc tàu không số) đã đến thăm lại chiến trường xưa tại nhiều tỉnh, thành từ miền Trung, miền Đông đến miền Tây Nam bộ, trong đó có Hậu Giang, những sự bồi hồi, bất ngờ, chứa chan tình cảm đã được bày tỏ…

Bước lên tàu là làm lễ truy điệu

Năm nay, ông Lâm Hữu Minh đã 86 tuổi, là thành viên lớn tuổi nhất của Đoàn Hội CCB tỉnh Nghệ Tĩnh về thăm lại chiến trường xưa lần này. Ông là một trong những chiến sĩ đầu tiên của Đoàn tàu không số, nhớ lại, có những chuyến đi kéo dài 15 ngày lênh đênh trên biển, từ Đồ Sơn, Hải Phòng chi viện cho miền Nam. Những năm tháng đó, thanh niên miền Bắc hừng hực khí thế chiến đấu, vì miền Nam ruột thịt, chẳng ai có thể nghĩ là sau chuyến đi mình trở về. “Chiến tranh, đâu ai biết trước điều gì. Hồi tôi lên tàu không số, mới mười tám tuổi rưỡi, chưa hề ngỏ lời yêu ai. Thật sự tình yêu non nước, tình yêu miền Nam quá lớn, nên nhiều thanh niên như tôi và các anh, chị em khác cũng chưa vội nghĩ đến chuyện yêu đương. Vì ra đi có biết sống chết ra sao đâu mà nghĩ đến chuyện đó”, ông Minh bày tỏ.

Bởi vậy, cụm từ “Cảm tử quân” từ đó mà thành. Khi xuống tàu là sẽ làm lễ truy điệu trước lúc hành quân. Ông Nguyễn Đình Sin, Thuyền trưởng tàu không số 417, 418, tham gia vào đoàn quân cảm tử từ năm 1964. Hiện là Chủ tịch Hội CCB Hải quân Nghệ Tĩnh, Chủ tịch Hội CCB tàu không số Nghệ Tĩnh, nay đã 77 tuổi, vẫn còn nhớ như in những lời thề, những lời truy điệu trước khi tàu xuất bến:

“Chúng tôi quân nhân trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, lấy danh dự người chiến sĩ cách mạng, xin thề dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc - Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh.

Vì đồng bào miền Nam ruột thịt, chúng ta những chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam quyết tử”…

Đó là những lời thề, lời hứa đầy chất hùng tráng với Tổ quốc, với miền Nam thân yêu, không hề bi lụy mà hừng hực một khí thế chiến đấu… Những con tàu cập bến, vận chuyển vũ khí thành công chính là nhờ sức mạnh của lòng dân, không có bến nào an toàn, bí mật và vững vàng như bến lòng dân. Ông Sin vẫn còn nhớ câu chuyện về má Mười Dìu ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã đóng góp 40 cây vàng để sửa chữa tàu cá đi ra miền Bắc xin viện trợ vũ khí cho cách mạng đánh giặc và một người con trai của bà cũng theo tàu ra Bắc. “Kể lại câu chuyện này để thấy rằng, không có gì bằng thế trận lòng dân, có khó vạn lần dân liệu cũng xong mà. Chính nhân dân đã làm nền thành công của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, những người như má Mười Dìu và rất nhiều bà má miền Nam khác là điểm tựa cho cách mạng”, ông Sin nhớ lại.

Đầu năm 1960, điều kiện, thời cơ khởi nghĩa ở Nam bộ và khu V đã đến. Phong trào Đồng Khởi liên tiếp thắng lợi từ Tây Nam bộ đến khu VI đến khu V. Nhưng vận chuyển vũ khí theo đường mòn dọc dãy Trường Sơn còn chưa vươn tới Nam bộ. Bình quân mỗi chiến sĩ gùi 20kg vũ khí, muốn có được 10 tấn vũ khí cần 500 người và mất 5 tháng mới đến Nam bộ, điều này rất khó cho công cuộc kháng chiến. Sau khi phân tích tình hình, Bộ Chính trị có chỉ thị: “Tiếp tế cho Nam bộ vào thời điểm này không còn con đường nào khác hơn là con đường biển”.

Đầu 1961, theo sự chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam, 4 tỉnh có biển là Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre và Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức tuyển chọn và đưa thuyền ra Bắc xin chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam. Ngày 23-10-1961, Bộ Quốc phòng có quyết định thành lập Đoàn 759 vận tải biển có nhiệm vụ chi viện vũ khí cho miền Nam. 4 chiếc thuyền gỗ theo kiểu thuyền đánh cá ở miền Nam, được đóng tại Hải Phòng mang tên Phương Đông 1, 2, 3, 4. Ngày 11-10-1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên chở 30 tấn vũ khí, sau 8 ngày cập bến Vàm Lũng an toàn, mở ra con đường chiến lược trên biển - “Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển”. Những con tàu không số ra đời từ đó. 174 chuyến tàu với 157.000 tấn vũ khí chi viện vũ khí cho miền Nam, là tiền đề cho sự lớn mạnh của quân giải phóng miền Nam và những chiến thắng đầy vinh quang trước quân thù.

Đoàn tàu không số huyền thoại năm xưa vẫn trải dài, hoạt động cho đến ngày đất nước thống nhất, nhưng nhiệm vụ đã khác những năm tháng đất nước có chiến tranh.

Âm vang tự hào khi nhắc đến Đoàn cảm tử quân tàu không số

Trong những chuyến đi thăm căn cứ kháng chiến cũ của Hội CCB thuộc đoàn tàu không số, có những người tuy không vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam, nhưng họ cũng là những CCB của đoàn tàu không số huyền thoại, làm những nhiệm vụ thật cao cả, thiêng liêng, đó là vận chuyển vật liệu xây dựng, nhu yếu phẩm và các vật dụng cần thiết, cùng hàng hóa, cho cán bộ, chiến sĩ hải quân đang xây dựng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Ông Nguyễn Hữu Hành, Thuyền trưởng tàu HQ 617, Lữ đoàn 125 Hải Quân, cho biết, tuy không thuộc thế hệ những cán bộ, chiến sĩ đi chi viện cho chiến trường miền Nam, nhưng ông vẫn là CCB của đoàn tàu không số… Chính những cán bộ, chiến sĩ thế hệ đầu tiên của những chiếc tàu không số, là tấm gương, là động lực để những cán bộ, chiến sĩ năm xưa phấn đấu, tiếp tục cống hiến vì đất nước, vì Nhân dân.

Ngày về thăm lại căn cứ kháng chiến tại Hậu Giang, có những người chiến sĩ năm xưa vì tuổi già, vì những căn bệnh hậu do chiến tranh để lại đến nay đã không thể nghe được, như ông Hồ Hữu Độ, năm nay 77 tuổi, điếc nặng không thể nghe được, giờ đây mỗi khi nói chuyện, ông chỉ nhìn ra hiệu hoặc khẩu hình đoán nội dung mà nói. Ông Độ từng tham gia 8 chuyến vận chuyển vũ khí từ bến Đồ Sơn vào tận Cà Mau, Bến Tre… ông là thuyền trưởng tàu không số C41 - Con tàu đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia. “Giờ điếc lắm, không nghe được gì, nhưng hôm nay đi được về Hậu Giang và các tỉnh, thành phố khác - những nơi mà chúng tôi đã từng chở vũ khí chi viện, thấy rất bồi hồi, xúc động. Những cống hiến của những chiến sĩ tàu không số năm xưa đã được đền đáp xứng đáng, khi chiến tranh lùi xa, miền Tây nơi nào cũng trù phú, phát triển. Rất mừng!”, ông Độ chia sẻ.

Hàng trăm chuyến tàu với hàng ngàn lượt những người con ưu tú hai miền Nam - Bắc đã sẵn sàng hy sinh để chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam. Có những người hy sinh khi đang tuổi thanh xuân, chưa kịp nghĩ đến chuyện yêu đương, chưa kịp ngắm mắt xanh của một người con gái… Giờ kể lại, vẫn thấy âm vang tiếng vọng hào hùng và đầy tự hào về những Cảm tử quân của Đoàn tàu không số huyền thoại năm nào!

Tàu không số nhưng thật sự có rất nhiều số…

Những con tàu vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam thật sự đều được đánh dấu và có nhiều số, những chuyến tàu đầu tiên có tên Phương Đông 1, 2, 3, 4… Mỗi chiếc tàu được trang bị như 1 trung đội với đầy đủ trang thiết bị và đặc biệt là ngụy trang như tất cả những chiếc tàu cá của ngư dân Việt Nam và các nước khác. Vì không thể đi một tuyến đường thẳng trên vùng biển thuộc lãnh thổ Việt Nam, những con tàu phải vòng qua một số nước trong khu vực… Rồi mới đến được miền Nam. Tàu có thể ngụy trang thành tàu đánh cá của cả nước ngoài để qua mắt được sự kiểm tra dò xét, nghi ngờ của quân thù. Đến mỗi vùng biển các nước khác tàu sẽ có 1 con số ký hiệu khác. Bởi vậy, tàu không có con số cố định, tên gọi “Tàu không số” cũng từ đó mà thành.

 

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>