Bảo hiểm y tế - “Người đồng hành thầm lặng”

03/07/2020 | 05:52 GMT+7

Hơn ai hết, những người bệnh nặng là những người hiểu rõ nhất giá trị của bảo hiểm y tế (BHYT). Nhờ đó, họ có thêm “sức mạnh” để chống chọi với nỗi đau bệnh tật, vượt qua hoàn cảnh khó khăn.

Tham gia BHYT là việc làm cần thiết, để chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân.

Giá trị hiện hữu của tấm thẻ BHYT

Mắc bệnh tan máu bẩm sinh khi còn nhỏ, gia đình anh Trương Tấn Phát, ở phường Hiệp Lợi, thành phố Ngã Bảy, tốn rất nhiều chi phí cho việc điều trị căn bệnh của anh. Được biết, mỗi đợt truyền máu tốn vài triệu đồng và cứ cách một tháng thì phải truyền máu một lần. Dẫu mỗi lần điều trị tốn chỉ vài triệu đồng, nhưng nếu cộng dồn suốt hơn 20 năm qua, thì đó là số tiền không hề nhỏ, trong khi gia đình làm vườn, cuộc sống cũng chỉ đủ ăn. Chính vì thế, nếu không có tấm thẻ BHYT, chắc anh sẽ không có điều kiện để tiếp tục chữa bệnh.

Trò chuyện cùng mọi người, anh Phát chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi chẳng may mắc phải căn bệnh này. Do ảnh hưởng của bệnh, nên sức khỏe tôi khá yếu, chẳng thể lao động nặng. Nhìn người ta bằng tuổi mình, đi làm kiếm tiền, lo cho cha mẹ, còn mình bệnh tật như vầy, tôi buồn lắm. Cũng may có thẻ BHYT, giảm gánh nặng chi phí điều trị, nếu không chẳng biết gia đình tôi phải xoay xở thế nào. Khỏe mạnh thì không sao, khi mắc bệnh mới thấm thía”.

Hiện nay, mỗi tháng anh Phát phải đến Bệnh viện Huyết học - Truyền máu thành phố Cần Thơ truyền máu một lần, mỗi lần 3 đơn vị máu (1 đơn vị máu là 350ml). Anh Phát nói vui: “Có lẽ, với nhiều người tấm thẻ ngân hàng có giá trị lớn nhất, nhưng với những bệnh nhân như tôi thì tấm thẻ có giá trị lớn nhất lại là thẻ BHYT”.

Cũng như anh Phát, em Nguyễn Huỳnh Thanh Hà - con gái anh Nguyễn Thanh Chắc, ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, cũng không may mắc phải căn bệnh tan máu bẩm sinh. Theo anh Chắc, khoảng tháng 10-2019, con gái anh bỗng nhiên biếng ăn, da mặt thâm đen lại, thấy vậy, gia đình vội vàng đưa em đến bệnh viện để khám và chữa bệnh. Khi đến Bệnh viện Huyết học - Truyền máu thành phố Cần Thơ, bác sĩ cho hay em Hà mắc chứng tan máu bẩm sinh - bệnh đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến máu, nếu không kịp thời truyền máu và thải sắt, sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Nghe đến đó, vợ chồng anh khóc nghẹn, bởi đây là căn bệnh nguy hiểm. “Lúc đó, gia đình tôi rất buồn. Hoàn cảnh khá khó khăn, thu nhập chỉ trông chờ vào mấy công ruộng, trong khi việc điều trị cho con phải kéo dài. Rồi được bác sĩ tư vấn, bệnh của Hà sẽ được quỹ BHYT chi trả, chúng tôi cũng thấy bớt lo một phần và tìm thấy niềm hy vọng”, anh Chắc chia sẻ.

Theo anh Chắc, dẫu được nghe mọi người nói nhiều về lợi ích của BHYT nhưng vẫn nghĩ đó là một điều gì đó xa xôi, bởi trước nay cả nhà đâu có ai bệnh phải đến bệnh viện đâu. Nhưng giờ đây, tấm thẻ BHYT vô cùng quan trọng, tiếp thêm niềm tin, động lực, để gia đình tiếp tục điều trị bệnh cho em Hà.

Anh Phát, em Hà chỉ là hai trường hợp mắc bệnh tan máu bẩm sinh được hưởng lợi ích từ tấm thẻ BHYT. Với những bệnh nhân không may mắc căn bệnh này, nếu không có thẻ BHYT, hầu hết người bệnh khó có thể theo đuổi việc điều trị, bởi rất tốn kém và đòi hỏi quá trình lâu dài.

Ý nghĩa và tầm quan trọng của BHYT

BHYT là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng, mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc, thể hiện sự tương thân tương ái, chia sẻ rủi ro giữa người khỏe với người ốm, giữa người trẻ với người già, giữa người có thu nhập cao với người có thu nhập thấp. Đồng thời, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhằm hướng tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân. Nhờ có tấm thẻ này, nhiều người có cơ hội, điều kiện, để tiếp tục chữa bệnh. Những người bệnh đã xem tấm thẻ BHYT ấy như chiếc phao cứu sinh của đời mình.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng như vậy, ngành bảo hiểm xã hội cùng với các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể và địa phương đã, đang và sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, để ngày càng có nhiều người tham gia BHYT, hướng đến mục tiêu BHYT toàn dân. Từ đó, mọi người được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Hiện nay, các cơ sở y tế ngày càng áp dụng những phác đồ điều trị, máy móc tiên tiến, hiện đại, chất lượng khám, chữa bệnh tăng lên đồng nghĩa với chi phí cũng cao hơn. Do đó, nếu không có BHYT, người bệnh rất khó đủ điều kiện tiếp cận, thụ hưởng.

Tránh suy nghĩ chỉ khi có bệnh mới tham gia BHYT

Theo bà Quách Thị Bích Phượng, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, theo Luật BHYT sửa đổi bổ sung, BHYT theo hộ gia đình là hình thức bắt buộc, do đó mọi người nên xem việc tham gia BHYT là trách nhiệm và có tính san sẻ cộng đồng, tránh suy nghĩ chỉ khi có bệnh mới tham gia BHYT. “Chúng ta đều mong muốn bản thân hoặc gia đình mình không có người mắc bệnh, nhưng nếu không có sự chủ động, mọi người cũng như gia đình sẽ rất vất vả khi không may xảy ra bất trắc hoặc đau ốm bất ngờ. Vì vậy, tham gia BHYT hàng năm sẽ là một việc làm cần thiết để mỗi người bảo vệ sức khỏe, kinh tế của bản thân và gia đình…”, bà Phượng nhấn mạnh.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích