Bảo hiểm xã hội - Trụ cột của hệ thống an sinh xã hội

19/02/2021 | 06:04 GMT+7

Tổng Giám đốc

BHXH Việt Nam

Nguyễn Thế Mạnh.

Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) nêu rõ đến năm 2021 phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)... Để thực hiện đạt mục tiêu này, ngay từ đầu năm ngành BHXH đã đề ra những giải pháp cụ thể.

Theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, trong năm 2020 dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến kinh tế - xã hội tất cả các quốc gia, và hiện vẫn còn diễn biến phức tạp. Ngay khi dịch bệnh bùng phát, Chính phủ đã có những giải pháp cụ thể, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, cùng sự đồng lòng, đoàn kết của toàn dân. Là cơ quan Chính phủ chuyên trách thực hiện các chính sách BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam đã chủ động, bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch. Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 như cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 (gửi hồ sơ, nhận và trả kết quả trực tuyến) trên Cổng Dịch vụ công quốc gia của Chính phủ; chi trả lương hưu, chế độ BHXH qua tài khoản ATM và hệ thống ngân hàng; giãn, hoãn đóng của doanh nghiệp vào quỹ hưu trí, tử tuất theo chỉ đạo của Chính phủ; đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tham gia BHYT.

Đặc biệt, tháng 11-2020, BHXH Việt Nam đã công bố ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” trên điện thoại thông minh với nhiều tiện ích giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tiếp xúc trực tiếp trong tham gia, tra cứu, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, đáp ứng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được thực hiện phù hợp nên mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 nhưng công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT vẫn đạt được kết quả tích cực. Đến cuối năm 2020, diện bao phủ BHXH được mở rộng với hơn 16,1 triệu người tham gia, đạt 32,6% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó số người tham gia BHXH tự nguyện gần 1,1 triệu người, tăng gần gấp đôi so với năm 2019, tăng 1,2% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28 của Đảng và tăng gấp 5 lần so với năm 2015. Duy trì và tăng trưởng đối tượng tham gia BHYT theo lộ trình BHYT toàn dân với 88 triệu người tham gia, chiếm 90,85% dân số, vượt 0,15% chỉ tiêu bao phủ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ…

Công tác giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT được thực hiện kịp thời, với phương thức quản lý hiện đại, linh hoạt, sáng tạo, nhất là trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19, bão lũ tại miền Trung. Trong năm 2020, ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết gần 134.000 người hưởng mới BHXH hàng tháng, gần 9,6 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe gần 167,3 triệu lượt người KCB BHYT, giải quyết chế độ BHTN cho hơn 1 triệu người với số tiền chi trả hơn 16.000 tỉ đồng, tăng 32,7% so với cùng kỳ 2019…

Có thể thấy, vượt qua nhiều khó khăn, ngành BHXH vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đạt được nhiều kết quả tích cực. Đây là nền tảng để ngành tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong năm 2021. Theo ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, để thực hiện đạt mục tiêu phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN thì sự tham gia vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp và mỗi người dân đối với công tác BHXH là rất cần thiết và có tính tiên quyết.

Trước hết, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tham mưu với Chính phủ, Quốc hội trong xây dựng, hiện thực hóa các định hướng của Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách BHXH, xây dựng hệ thống BHXH đa tầng; điều chỉnh điều kiện thời gian tham gia BHXH linh hoạt hơn, lương hưu được tính dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, chia sẻ và bền vững. Tăng cường liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH, chú trọng yếu tố thị trường trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp; thiết kế nhiều gói BHXH tự nguyện để người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn phù hợp để tham gia và chuyển sang BHXH bắt buộc khi có đủ điều kiện.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông BHXH trong tình hình mới. Đẩy mạnh việc phát triển người tham gia BHXH, nhất là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện; giải quyết đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người tham gia; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Cùng với đó, tăng cường và rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên nguyên tắc đơn giản, dễ dàng, thuận tiện cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện giao dịch với cơ quan BHXH. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, xử lý nghiệp vụ ngành BHXH; hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thường xuyên nâng cấp hệ thống các phần mềm nghiệp vụ, cơ sở dữ liệu tập trung; thực hiện liên thông dữ liệu với các bộ, ngành; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4… “Với những giải pháp nêu trên, tôi mong rằng, trong năm 2021, toàn thể công chức, viên chức, người lao động ngành BHXH sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần nỗ lực vượt khó, đẩy mạnh thi đua yêu nước, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW”, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh.

BÍCH CHÂU tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>