Nỗi đau tai nạn giao thông

23/11/2020 | 09:43 GMT+7

Có những gia đình đang hạnh phúc, yên ấm nhưng tai nạn giao thông (TNGT) bỗng chốc cướp đi người thân yêu nhất hay gây thương tật nặng, đẩy cuộc sống gia đình vào cảnh cùng cực.

Bà Đỗ Thị Huỳnh trao đổi với phóng viên.

Đã hơn một năm qua, kể từ khi ông Trần Văn Mãnh, ở ấp 3, thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy tử vong vì TNGT thì bà Đỗ Thị Huỳnh (vợ ông Mãnh) cô đơn, vất vả hơn.

Vợ chồng bà Huỳnh có 4 người con, trong đó 3 người đã lập gia đình và ở riêng. Qua nhiều năm tích cóp, cộng với số tiền mượn từ người thân, đầu năm 2019, vợ chồng bà Huỳnh cất được căn nhà cấp 4, trị giá khoảng 200 triệu đồng. Có nhà mới, vợ chồng bà vui mừng khôn tả.

Nhằm kiếm tiền lo cho cuộc sống cũng như trả nợ, ông Mãnh quyết định học và làm thợ cửa nhôm, còn bà Huỳnh thì đi làm thuê. “Lúc đó, cuộc sống vợ chồng có vất vả nhưng rất hạnh phúc vì vui, buồn có nhau”, bà Huỳnh chia sẻ.

Dù vợ chồng bà Huỳnh vất vả trong việc chăm lo cuộc sống nhưng hầu như chiều nào cũng tranh thủ cùng nhau quây quần bên mâm cơm gia đình. Giống như mọi khi, đến chiều tối ngày 21-4-2019, bà Huỳnh vẫn chờ ông Mãnh về ăn cơm. Trong lúc này, bà nghe người thân đến báo tin rằng ông Mãnh bị TNGT, dẫn đến tử vong.

Theo Công an huyện Vị Thủy, nguyên nhân dẫn đến vụ TNGT này là do một thanh niên điều khiển phương tiện tham gia giao thông đi ngược chiều và có nồng độ cồn trong người trước khi đụng ông Mãnh.

“Tôi nhớ lúc hay tin ông nhà tôi gặp TNGT ra đi mãi mãi là vào khoảng 18 giờ 50 phút. Nghe xong, tay chân tôi bủn rủn, nói không nên lời”, bà Huỳnh kể.

Từ khi ông Mãnh mất, bà Huỳnh không chỉ cô đơn mà còn chật vật hơn với cuộc sống mưu sinh, kể cả lo việc chi trả khoản nợ 30 triệu đồng cho người thân.

Tương tự, kể từ khi Đoàn Văn Nhi, sinh năm 1992, ở ấp 6, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy bị TNGT thì cuộc sống gia đình lâm vào cảnh túng thiếu đủ đường. Nhi sống chung với mẹ là bà Đoàn Thị Sơn.

Do không đất canh tác nên bà Sơn chủ yếu kiếm tiền nhờ vào việc sắp lá trầu thành ốp tại địa phương với mức thu nhập khoảng 70.000 đồng/ngày và mỗi tháng, bà chỉ làm được từ 8-10 ngày. Vậy nên sau khi học hết lớp 9, Nhi nghỉ để làm nghề tiếp thị nước sơn nhà, thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng.

Vào khoảng 8 giờ 35 phút ngày 19-7-2020, trên đường đi tiếp thị bằng xe gắn máy, đến đoạn đường thuộc ấp 7, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy thì Nhi không may bị xe ô tô tải chạy hướng ngược lại đụng vào. Hậu quả, làm chân phải của Nhi rách toàn bộ phần cơ.

Để chữa trị cho con, bà Sơn chạy ngược xuôi để vay, mượn tiền người thân với gần 100 triệu đồng. Sau hơn 1 tháng điều trị, Nhi xuất viện, đến nay, vẫn đi khập khiễng, vết thương chưa lành, lỡ loét nên phải uống thuốc hàng ngày.

Theo bà Sơn, bác sĩ khám, chẩn đoán, để đi lại bình thường, Nhi cần phẫu thuật thêm một lần nữa, chi phí từ 40-50 triệu đồng, nhưng khả năng của gia đình thì không thể.

Biết hoàn cảnh gia đình bà Sơn khó khăn nên mới đây, nhà hảo tâm hỗ trợ cất lại căn nhà xập xệ. Đáng nói là về lâu dài, nếu đôi chân của Nhi không được chữa trị, hồi phục thì cuộc sống của gia đình này sẽ càng khó khăn hơn.

Thực tế cho thấy, TNGT chỉ xảy ra trong chớp mắt và cướp đi sinh mạng của bất kỳ ai. Có lẽ trong nhiều nỗi đau mất người thân thì tử vong do TNGT luôn để lại sự day dứt, tiếc nuối nhất, không thể bù đắp được.

Công tác trong ngành giao thông nhiều năm và từng tiếp xúc không ít gia đình có người thân tử vong, bị thương do TNGT, ông Nguyễn Lâm Thành, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, khuyên mỗi người tham gia giao thông cần nâng cao trách nhiệm của mình trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

“Khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, chúng ta đừng vì vội vàng mà phóng nhanh, vượt ẩu. Đặc biệt, đã uống rượu, bia thì không lái xe để bảo vệ tính mạng của mình và những người xung quanh”, ông Thành nhấn mạnh.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>