Kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông

02/12/2020 | 09:08 GMT+7

Từ năm 2016-2020, có thời điểm tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, tăng cả 3 mặt nhưng nhờ đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) nên tai nạn dần kiềm chế, kéo giảm.

Cảnh sát giao thông Hậu Giang thường xuyên tuần tra, kiểm soát về TTATGT.

Theo đó, năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 82 vụ tai nạn giao thông, làm 54 người chết, 46 người bị thương, so năm 2015 giảm 1 vụ, tăng 1 người chết, giảm 6 người bị thương; năm 2017, xảy ra 117 vụ, làm 71 người chết, 61 người bị thương, so năm 2016 tăng 35 vụ, tăng 17 người chết, tăng 15 người bị thương... Đến 10 tháng đầu năm 2020, xảy ra 52 vụ, làm 38 người chết, 20 người bị thương, so cùng kỳ giảm 21 vụ, giảm 29 người chết, tăng 2 người bị thương.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá: “Kết quả nổi bật về tình hình TTATGT giai đoạn trên cho thấy sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong triển khai, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, nhất là đoàn kết của các ngành, các cấp, địa phương”.

Cụ thể là Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng, công an các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nhiều hình thức, nội dung đa dạng như: loa phóng thanh di động; treo pano, áp phích; tuyên truyền trong học sinh, sinh viên... Kết quả, tuyên truyền trực tiếp gần 5.000 cuộc, có khoảng 742.200 lượt người dự; tuyên truyền bằng xe thông tin lưu động, loa phóng thanh tại nơi tập trung đông người như khu dân cư, chợ được 970 cuộc, có khoảng 165.150 lượt người dự; phát 183.800 tờ bướm, cẩm nang, 1.590 nón bảo hiểm...

Trong khi đó, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh tổ chức hơn 100.000 cuộc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về TTATGT thông qua hội diễn, hội thi... với trên 2,7 triệu lượt cán bộ, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân tham gia; cấp hơn 33.000 bản tin, 58.200 tờ bướm, treo trên 820 băn rôn tuyên truyền.

Ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố cũng rất quan tâm duy trì, phát huy hiệu quả các mô hình đảm bảo TTATGT như: “Cổng rào an ninh trật tự, đoạn đường bảo đảm TTATGT”, “Cổng trường ATGT sáng - xanh - sạch - đẹp”, “Văn hóa ATGT trong trường học”, “Xã văn hóa, nông thôn mới an toàn”. Về tuyên truyền, Báo Hậu Giang thực hiện trên 1.000 tin, 600 bài chuyên trang, phỏng vấn và phóng sự ảnh về TTATGT đường bộ, đường thủy nội địa…

“Nhìn chung, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT trên địa bàn tỉnh được phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Trung ương và địa phương, cơ quan báo, đài và thành viên, trong đó chú trọng tuyên truyền chiều rộng lẫn chiều sâu, giúp mọi người hiểu và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về TTATGT”, ông Mai Văn Tân, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, cho biết.

Một điểm quan trọng nữa góp phần kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông giai đoạn trên là Ban An toàn giao thông tỉnh thường xuyên kiểm tra, phối hợp kiểm tra nhằm sớm phát hiện, kịp thời xử lý những vị trí thường xuyên gây xung đột giao thông, những vị trí bất cập trong công tác đảm bảo TTATGT. Từ năm 2016 đến nay đã triển khai, thi công, lắp đặt, di dời trên 100 trụ đèn cảnh báo giao thông và điều khiển giao thông; lắp đặt trên 450 bản báo hạn chế tốc độ, biển cảnh báo giao thông; cải tạo và tổ chức lại giao thông tại những nút giao, vòng xoay gây bất cập về TTATGT.

Thực hiện thường xuyên, nghiêm túc

Theo Ban ATGT tỉnh, phong trào thi đua bảo đảm TTATGT tuy phát triển rộng khắp nhưng kết quả thực hiện các nội dung thi đua vẫn còn một số hạn chế như: tình hình lấn chiếm hành lang ATGT trên một số tuyến lộ, tỉnh lộ còn diễn ra, nhất là tại cầu Cái Tắc (huyện Châu Thành A); tai nạn giao thông được kiềm chế, kéo giảm nhưng chưa mang tính bền vững, có thời điểm tăng về số vụ, số người chết; tình hình TTATGT ở một số tuyến nông thôn diễn ra phức tạp; việc chấp hành chưa nghiêm quy định của pháp luật về TTATGT của một bộ phận người dân vẫn còn; tình trạng đua xe, cổ vũ đua xe trái phép vẫn diễn ra.

Những khó khăn, hạn chế trên xuất phát từ cấp ủy và chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác thi đua bảo đảm TTATGT; công tác kiểm tra, đôn đốc trong tổ chức thực hiện chưa được thường xuyên.

Ông Đồng Văn Thanh yêu cầu thời gian tới, Sở Giao thông vận tải cần tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, kiểm định, chứng nhận an toàn kỹ thuật xe cơ giới và phương tiện thủy nội địa. Công an tỉnh cần chủ trì phối hợp với Sở Giao thông vận tải, UBND huyện Châu Thành A có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng mua bán trên cầu, dốc cầu Cái Tắc; khu vực phía trước khu công nghiệp, nhà máy gây mất TTATGT trên tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 61. Các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần tổ chức quán triệt trong tất cả cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên về mục đích, ý nghĩa và nội dung phong trào thi đua bảo đảm TTATGT; thường xuyên đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền sao cho phù hợp với từng nhóm đối tượng, nhất là lứa tuổi thanh, thiếu niên.

“Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, căn cứ vào điều kiện và tình hình thực tế địa phương xây dựng kế hoạch, phát động phong trào thi đua và triển khai thực hiện sao cho đạt kết quả tốt nhất, trong đó thường xuyên quan tâm thực hiện công tác duy tu, sửa chữa cầu đường, các tuyến giao thông nông thôn; chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm tra trên các tuyến giao thông nông thôn nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về TTATGT để giáo dục, răn đe”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh xảy ra 456 vụ tai nạn giao thông, làm 330 người chết, 216 người bị thương, so giai đoạn 2011-2015, giảm 35 vụ, tăng 12 người chết, giảm 105 người bị thương. Tuyến đường xảy ra tai nạn giao thông là Quốc lộ 264 vụ, Tỉnh lộ 87 vụ, lộ nông thôn và nội thị 98 vụ, đường thủy 7 vụ...

 

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>