​​​​​​​Phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch bệnh

07/12/2021 | 10:28 GMT+7

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Hậu Giang) vẫn nỗ lực chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn.

Bệnh nhân HIV đến nhận thuốc tại CDC Hậu Giang.

An tâm, tích cực điều trị

Đến nhận thuốc ARV tại CDC Hậu Giang từ sáng sớm, trong lúc chờ tới lượt, chị L., 49 tuổi, ở huyện Châu Thành, kể: Cách đây 7 năm, chị như chết lặng khi phát hiện mình nhiễm HIV, chị gần như suy sụp, vì bản thân sống lành mạnh, rồi không lâu sau, chồng mất, bỏ lại chị và 2 con. Gạt qua nỗi đau, chị L. quyết tâm vượt lên số phận. Mỗi tháng, chị đều đến CDC Hậu Giang để kiểm tra sức khỏe và nhận thuốc.  “Khi biết mình bị bệnh, tôi buồn lắm, nhiều đêm không ngủ được, lo có chuyện gì thì tội cho 2 đứa con. Tôi giấu gia đình, chỉ có mấy đứa con biết bệnh của mẹ nên lúc nào cũng an ủi, khuyên mẹ cố gắng. Lúc đến đây khám lần đầu, tôi yếu lắm, phải có người dìu. Nhờ chăm chỉ uống thuốc theo hướng dẫn, các bác sĩ tư vấn động viên, tôi thấy sức khỏe dần ổn định, lạc quan hơn”, chị L. ngậm ngùi chia sẻ.

Tương tự chị L., anh C., ở thị xã Long Mỹ năm nay 24 tuổi, đã có gần 2 năm sống chung với HIV. Anh C. cho biết, hàng tháng đều đến CDC Hậu Giang tái khám, điều trị bằng thuốc ARV, khi dịch bệnh bùng phát CDC Hậu Giang tạo điều kiện cho lãnh thuốc 3 tháng. Hiện, sức khỏe anh ổn định, đi làm, sinh hoạt bình thường, nhưng anh luôn hối hận vì chủ quan khi quan hệ tình dục không an toàn, khiến bản thân bị nhiễm HIV.

Anh C. trầm ngâm: “Biết bị bệnh, tôi sợ lắm, cũng có suy nghĩ tiêu cực, nhiều lúc muốn buông xuôi, nhưng nhờ cha mẹ, các bác sĩ động viên, nhắc nhở uống thuốc đều đặn, đi khám đúng lịch nên về sau thấy quen dần, không còn mặc cảm. Tôi muốn chia sẻ với mọi người nếu mình đã nhiễm HIV thì nên đối diện với sự thật và tuân thủ điều trị, còn các bạn khác thì đừng bao giờ lơ là, mất cảnh giác trong phòng chống bệnh”.

Theo Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có thêm khoảng 11.000 người nhiễm HIV và 2.800 người tử vong. Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (81,8%) và qua đường máu (9,6%)... Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tăng rất nhanh, các hành vi nguy cơ lây nhiễm diễn biến phức tạp, đặc biệt liên quan đến ma túy tổng hợp… Với sự phát triển của y học, người nhiễm HIV/AIDS được điều trị kịp thời vẫn có đời sống tốt. Việc phát hiện sớm, theo dõi, điều trị bệnh nhân HIV luôn được ưu tiên hàng đầu, nhất là trong thời điểm dịch bệnh.

Nỗ lực vì bệnh nhân HIV

Bác sĩ chuyên khoa I Phan Văn Nhân, Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS, CDC Hậu Giang, cho hay: Những trường hợp bệnh nhân bị cách ly (F0 hoặc F1) nếu ở trong tỉnh thì cán bộ y tế liên hệ với bệnh nhân bằng số điện thoại ghi trong hồ sơ. Trường hợp bệnh nhân không đến nhận thuốc trực tiếp thì cán bộ của xã, huyện lập danh sách và đến nhận thuốc về cấp lại cho bệnh nhân. Những bệnh nhân đang ở ngoài tỉnh, có thể liên hệ trực tiếp đến phòng khám của CDC Hậu Giang để được hỗ trợ, đảm bảo không gián đoạn điều trị. Thuốc cho bệnh nhân hiện được cấp 3 tháng theo hướng dẫn của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế.

“Các bệnh nhân HIV/AIDS trên địa bàn được cán bộ của CDC tỉnh tư vấn cặn kẽ cách sinh hoạt, cách uống thuốc và cách phòng, tránh lây nhiễm cho người thân. Cán bộ chương trình tuyến huyện, xã được đào tạo qua các lớp tập huấn về phát hiện bệnh, quản lý điều trị, tư vấn xét nghiệm, chẩn đoán nhanh HIV cho người dân. Toàn tỉnh hiện có 2 cơ sở điều trị HIV là Trung tâm Y tế thành phố Ngã Bảy và CDC Hậu Giang. Mọi thông tin bệnh nhân đều được giữ bí mật nên bệnh nhân không nên mặc cảm, giấu bệnh”, bác sĩ Phan Văn Nhân nhấn mạnh.

Bên cạnh điều trị thì công tác truyền thông cũng được đẩy mạnh. anh Trần Hoàng Lâm, cán bộ Khoa phòng, chống HIV/AIDS, chia sẻ: Chúng tôi cung cấp kiến thức về bệnh giúp họ thấy rằng điều trị HIV cũng giống như điều trị căn bệnh mãn tính thông thường. Tư vấn về đường lây và cách phòng bệnh, Luật Phòng chống HIV/AIDS. Quan trọng nhất vẫn là sự tuân thủ của bệnh nhân, sự quan tâm, hỗ trợ của người nhà.

Được điều trị chu đáo, sinh sống và làm việc như người bình thường là niềm vui chung của tất cả bệnh nhân có “H” và gia đình. Niềm vui còn được nhân lên khi rất nhiều bệnh nhân HIV đã sinh ra những đứa con khỏe mạnh, các thành viên trong gia đình đều không bị lây nhiễm HIV. Đây cũng là niềm vui và là sự ghi nhận cho nỗ lực không mệt mỏi của các đơn vị điều trị bệnh nhân.

CDC Hậu Giang khuyến cáo: Bệnh nhân HIV cần uống thuốc liên tục để tránh kháng thuốc, đảm bảo điều trị hiệu quả. Nếu có nghi ngờ mình bị nhiễm bệnh thì nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và xét nghiệm miễn phí HIV. Riêng các bệnh nhân HIV quê Hậu Giang nhưng đang ở ngoài tỉnh, đến hạn lãnh thuốc có thể gọi về Phòng khám HIV/AIDS của CDC Hậu Giang theo số: 0293.358.0667 để được hỗ trợ.

Tính đến cuối tháng 11-2021 toàn tỉnh ghi nhận 62 trường hợp nhiễm HIV (giảm 1 trường hợp so với cùng kỳ năm 2020), lũy tích toàn tỉnh là 1.882 trường hợp, tập trung ở nhóm từ 16 đến 25 tuổi và từ 25 đến 35 tuổi. Có 8 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS, lũy tích 1.051 trường hợp, tử vong 10 trường hợp, lũy tích 615 trường hợp. Tất cả các trường hợp nhiễm HIV đang quản lý đều được điều trị thuốc ARV thông qua Bảo hiểm y tế.

 

Bài, ảnh: NHẬT MINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>