Thách thức trong giải ngân vốn đầu tư công

07/10/2021 | 07:21 GMT+7

Bài 2: Nhọc nhằn khi tái thi công dự án

Ngay khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát vào giữa tháng 9, các công trình trong “vùng xanh” được ưu tiên khởi động lại với phương án phòng chống dịch Covid-19 chặt chẽ. Tuy nhiên, những khó khăn mới lại phát sinh.

Những nhà thầu có hợp đồng mua vật liệu xây dựng từ ngoài tỉnh cũng rất khó vận chuyển vào trong thời gian giãn cách xã hội.

Hoạt động cầm chừng

Giữa tháng 9, khi nhiều địa phương lần lượt được công nhận “vùng xanh”, các dự án trên địa bàn cũng được phép khởi động lại khi có phương án thi công đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 trên từng công trình. Tuy nhiên, khâu tái khởi động khá chậm.

Sau khi huyện Châu Thành A nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội vào trung tuần tháng 9, các công trình xây dựng cơ bản được phép hoạt động lại. Công trình Trường THCS Nhơn Nghĩa A là một trong số đó. Nhà thầu thi công bắt tay vào huy động nhân lực trong “vùng xanh”. Công nhân được yêu cầu phải tuân thủ nghiêm biện pháp phòng chống dịch Covid-19, test nhanh 72 giờ mới được tham gia vào công trường.

Ông Trần Thanh Thuấn, quản lý kỹ thuật công trình - Công ty TNHH TV Xây dựng TK, cho biết: “Chúng tôi đảm bảo 3 tại chỗ và các điều kiện phòng chống dịch Covid-19 nên được phép thi công lại. Công nhân có nhà ở gần công trường và chỉ ưu tiên thu nhận người từng làm việc trước đó. Sau khi trở lại công trường, chúng tôi bắt tay ngay vào việc xử lý phần vật liệu còn trước khi giãn cách, nhất là xi măng, sắt để tránh hư hỏng. Thời gian này, chủ yếu thi công cầm chừng trên những gì sẵn có”.

Ghi nhận ở nhiều địa phương khác, khó khăn phát sinh trong giai đoạn này còn nằm ở khâu khó huy động nhân công thực hiện “3 tại chỗ”. Người lao động lo ngại việc tiếp xúc nên xin tạm nghỉ, đợi đến khi tình hình dịch bệnh hoàn toàn được kiểm soát mới quay lại làm việc. Nhà thầu càng khó khăn hơn trong việc huy động nhân lực tái khởi động các công trình trong “vùng xanh”.

Ông Nguyễn Văn Kiên, ở thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, cho hay: “Tôi làm phụ hồ xây dựng cho các công trình trong huyện nhưng đã nghỉ việc gần 3 tháng. Nhà cũng ở cách công trình không xa, tầm một hai cây số, ở lại công trường thì rất bất tiện. Gia đình có người già, con nhỏ nên tạm ngưng việc là quyết định đúng đắn. Đợi đến khi hoạt động thoải mái trở lại, tôi xin việc sau cũng không muộn”.

Các đơn vị thi công công trình dân dụng quy mô nhỏ ở cấp huyện còn cho biết gặp khó khăn trong việc mua, vận chuyển vật liệu đầu vào trong thời gian giãn cách xã hội. Có những trường hợp hợp đồng mua vật liệu xây dựng từ các tỉnh, thành lân cận, muốn chuyển vào tỉnh phải trình phương án chặt chẽ, quá trình vận chuyển mất nhiều thời gian.

Nhiều vướng mắc nên chậm khởi động

Theo các địa phương, đặc thù khâu vận chuyển vật liệu xây dựng chủ yếu là bằng phương tiện ghe tàu. Các công trình cấp huyện có quy mô nhỏ, mỗi lần vận chuyển số lượng không nhiều. Người tham gia vận chuyển, công nhân bốc dở phải test nhanh Covid-19 mới được bốc dỡ vật liệu xây dựng vào công trường.

Ông Tống Tấn Linh, Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Châu Thành A, cho biết thêm: Một trong những khó khăn khi tái khởi động các công trình là nhà thầu không phải dân địa phương nên đi lại trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 rất khó khăn. Sau khi áp dụng Chỉ thị 15, phương án thi công được phê duyệt chỉ chấp nhận người trong “vùng xanh” tham gia vào công trình, dẫn đến tình trạng một số nơi không đủ công lực thi công. 

Còn tại huyện Vị Thủy, tính đến cuối tháng 9, mới có 6/17 công trình, dự án được duyệt phương án triển khai thi công lại. Ông Mai Trung Kiên, Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Vị Thủy, thông tin: Khó khăn chủ yếu là do một số doanh nghiệp ở ngoài tỉnh khác khó vào triển khai. Đơn vị thi công khó bố trí “3 tại chỗ”. Những nhà thầu có hợp đồng mua vật liệu xây dựng từ ngoài tỉnh cũng rất khó vận chuyển vào trong thời gian qua. 

Như vậy đến nửa cuối tháng 9, các dự án trong “vùng xanh” mới manh nha khởi động lại. Tuy nhiên, tiến độ chưa đạt như mong đợi. Chủ đầu tư, đơn vị thi công “nhọc nhằn” khi xây dựng phương án tái khởi động các công trình gắn với công tác phòng dịch Covid-19. Điều này khiến các chủ đầu tư lo lắng bởi chưa đẩy nhanh được tiến độ thi công thì khó có khối lượng để giải ngân nguồn vốn.

Thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhiều công trình tạm dừng thi công dự báo không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ từng dự án mà còn ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh năm 2021. Đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, kết quả giải ngân vốn đầu tư công tháng 7 tỷ lệ chỉ tăng khoảng 5% so với tháng trước. Riêng tháng 8, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ tăng khoảng 8%.

 

Bài, ảnh: ẨN LIÊN

Bài 3: Thách thức càng lớn - Quyết tâm càng cao

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích