Thách thức trong giải ngân vốn đầu tư công

06/10/2021 | 09:14 GMT+7

Đầu tư công giữ vai trò hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các lĩnh vực về sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng rất nhiều bởi dịch Covid-19. Những yếu tố “đặc biệt” từ đầu năm đến nay, như vật liệu xây dựng tăng giá, giãn cách xã hội, gián đoạn vận chuyển, thi công các công trình đã tác động lớn đến tiến trình giải ngân vốn đầu tư công của năm đầu nhiệm kỳ.

Bài 1: Nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công

Ngay thời điểm quý II/2021, giá vật liệu xây dựng tăng, tình hình dịch Covid-19 bùng phát đã tác động không nhỏ đến quá trình thi công nhiều công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng khoảng 3 tháng qua giảm do giãn cách xã hội.

Giá vật liệu xây dựng tăng

Từ đầu quý II, giá một số mặt hàng vật liệu xây dựng tăng mạnh. Trong đó, giá cát “leo thang” nhiều nhất. Các cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng cho biết ở thời điểm đó giá cát từ mức 140.000-160.000 đồng/m3 (tùy loại) đã tăng lên 210.000-260.000 đồng/m3. Nếu giao hàng tận nơi theo yêu cầu có thể lên mức 300.000 đồng/m3.

Theo bà Phan Thị Bé Diễm, cửa hàng vật liệu xây dựng Bảy Bạc, ở thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, thông thường từ tháng 2 âm lịch trở lên, nhu cầu xây dựng tăng là giá vật liệu sẽ biến động. Nhưng năm nay, giá cát tăng nhiều. Những tháng đầu năm, nguồn hàng cũng khan hiếm, khó mua hơn.

Sự tăng giá của nguyên, vật liệu phục vụ lĩnh vực xây dựng tác động không nhỏ đến các dự án đầu tư xây dựng (ảnh tư liệu).

Ngoài cát, giá một số loại vật liệu khác phục vụ lĩnh vực xây dựng tăng nhẹ từ quý II đến nay, cụ thể đá 1x2, đá 4x6, đá mi từ 340.000-360.000 đồng/m3, xi măng từ 77.000-82.000 đồng/bao (50kg), gạch ống, gạch thẻ có giá 1.150-1.250 đồng/viên…

Tình hình biến động giá một số mặt hàng vật liệu xây dựng đã làm ảnh hưởng đến công tác tổ chức đấu thầu và đối với các gói thầu đang triển khai thi công một số dự án. Tại thời điểm này, một số nhà thầu có xu hướng thi công cầm chừng chờ giá vật liệu ổn định, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án và tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản.

Doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh cho biết giá vật liệu xây dựng đã ổn định vào khoảng tháng 6. Tuy nhiên, đến tháng 7-2021, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát ở các tỉnh, thành phía Nam, nhiều địa phương phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16. Các công trình, dự án, nhà ở của người dân không đảm bảo yêu cầu “3 tại chỗ” phải tạm dừng thi công. Từ đó, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng cũng giảm theo.

Bà Nguyễn Thị Xuân Yến, Chủ doanh nghiệp VLXD Thanh Sơn, ở xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, cho hay: Trước dịch, giá cát các loại trung bình khoảng 250.000 đồng/m3 thì nay còn khoảng 200.000 đồng/m3. Nguồn không thiếu, giá cả ổn định, nhưng hơn 2 tháng qua lượng hàng hóa bán ra rất chậm do các công trình dừng thi công.

Sự tăng giá của nguyên, vật liệu phục vụ lĩnh vực xây dựng tác động không nhỏ đến các dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là tâm lý của nhà thầu khi các hợp đồng đã ký kết. Nhiều nhà thầu cho biết gặp khó tìm nguồn cung về nguyên liệu hoặc ảnh hưởng đến phương án tài chính khi triển khai dự án.

Thi công bị gián đoạn do Covid-19

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 đối với 19 tỉnh, thành phố phía Nam từ ngày 19-7. Thời điểm này, hầu hết công trình, dự án trên địa bàn tỉnh tạm dừng thi công do nhà thầu khó đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ”.

Theo ông Phan Vĩnh Lộc, Giám đốc Sở Xây dựng Hậu Giang, tính từ khi áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 đến ngày 4-8, toàn tỉnh chỉ còn 43 công trình các loại đang thi công, bao gồm công trình vốn ngân sách và vốn ngoài ngân sách; nhà ở riêng lẻ chỉ còn 5 công trình hoạt động.

Các chủ đầu tư cho biết giai đoạn này, việc huy động nhân lực, thiết bị, tổ chức thi công gặp rất nhiều khó khăn. Các phương tiện vận chuyển vật tư, thiết bị, chủ yếu là thiết bị đóng cọc, xà lan vận chuyển cát đá khi xuất phát ra khỏi các tỉnh nơi đặt trụ sở phải trải qua rất nhiều quy trình, từ test nhanh đến xin giấy phép để có thể di chuyển trong thời gian giãn cách. Khi đến Hậu Giang cũng phải chờ kết quả test nhanh âm tính Covid-19, xác nhận hướng đi, đến, xin ý kiến cấp thẩm quyền mới được phép vào đến công trình. Mặt khác, không ít đơn vị cung cấp vật tư, thiết bị quyết định tạm ngưng cung cấp trong thời gian giãn cách do việc di chuyển khó khăn, nhiều thủ tục liên quan nên việc cung ứng cho nhà thầu bị gián đoạn.

Sau khi kết thúc thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, các huyện, thị xã, thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh từng bước được công nhận “vùng xanh”. Công trình, dự án trong “vùng xanh” an toàn được phép hoạt động trở lại với điều kiện nhà thầu, chủ đầu tư phải xây dựng phương án thi công gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19 thật chặt chẽ.

Trong buổi làm việc với các sở, ngành về kế hoạch tổ chức thi công và phương án phòng, chống dịch đối với một số công trình, dự án trên địa bàn tỉnh vừa qua, bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đã yêu cầu các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định thống nhất về điều kiện đối với các công trình khi thi công trở lại. Chủ đầu tư, đơn vị thi công sẽ căn cứ theo đó để xây dựng phương án thi công, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh trên từng công trình, dự án.

Bài, ảnh: ẨN LIÊN

--------------

Bài 2:  Nhọc nhằn khi tái thi công dự án

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>