Tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc phải đảm bảo an toàn

08/11/2021 | 08:02 GMT+7

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là dịp để người dân gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong lao động, sản xuất; biểu dương tập thể, hộ gia đình, cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở địa phương nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi trong những năm tiếp theo... Các địa phương trên địa bàn thành phố Ngã Bảy đang khẩn trương chuẩn bị tổ chức Ngày hội này.

Ngoài phát triển kinh tế gia đình, ông Nguyễn Thanh Lâm (trái) còn giúp đỡ nhiều người dân bằng cây giống.

Theo ông Nguyễn Văn Du, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn sự lây lan dịch Covid-19 trong cộng đồng, đơn vị đã có kế hoạch tổ chức Ngày hội với hai phương án.

Theo đó, phương án 1: Tổ chức trong điều kiện bình thường mới. Các khu dân cư đều tổ chức Ngày hội. Cụ thể, ngày 12-11, 6 khu dân cư ở 6 xã, phường tổ chức (điểm của tỉnh); ngày 13 và 14 các khu dân cư còn lại đồng loạt tổ chức. Tuy nhiên, chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội. Đối với các địa bàn được đánh giá mức độ dịch cấp 2, số tham dự không quá 30 người; trường hợp 100% người tham dự đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 thì tham dự không quá 100 người.

Phương án 2: Tổ chức trong điều kiện tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Về phương án này, thời gian cũng giống như phương án 1, nhưng địa điểm thì tại hội trường UBND xã, phường, thời gian tổ chức không quá 90 phút; thành phần tham dự thì đại diện khu dân cư, hộ gia đình tiêu biểu.

“Với 2 phương án trên, tùy theo điều kiện và tình hình thực tế, từng địa phương sẽ tổ chức Ngày hội cho phù hợp. Nhưng nhìn chung phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, đồng thời cũng biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho địa phương”, ông Du cho biết. 

Theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngã Bảy, năm 2021 tình hình dịch Covid-19 bùng phát làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều hộ dân trên địa bàn, tuy nhiên cũng thừa nhận rằng, từ đây xuất hiện nhiều tấm gương điển hình vì cộng đồng.

Hộ ông Nguyễn Thanh Lâm, ở ấp Sơn Phú 2A, xã Tân Thành là một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu của ấp mấy năm qua không chỉ phát triển kinh tế mà còn giúp nhiều người dân.

Hộ ông Lâm có 6 công đất cây ăn trái, trước năm 2018 mỗi năm thu về trên 100 triệu đồng. Để tăng thu nhập, năm 2018 ông ươm, ghép cây giống để bán, thu nhập tăng lên gần gấp đôi. Từ bán cây giống, nhiều người trong, ngoài xã biết và đến mua, có hộ được ông bán chịu. Trong quá trình trồng, nhiều trường hợp cây giống chết, rồi đến ông mua 5-10 cây, phần lớn ông đều tặng.

Năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát, ông Lâm tham gia tổ tuyên truyền của ấp để vận động người dân chấp hành tốt các quy định phòng, chống dịch; thông báo bà con đi tiêm ngừa. Đặc biệt, ông tặng hơn 2 triệu đồng tiền mặt cho Hội Chữ thập đỏ xã, chốt kiểm soát dịch của xã để mua nhu yếu phẩm trực chốt, hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Nhân Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm nay, ông mua 5 phần quà (mỗi phần 200.000 đồng) để tặng hộ cận nghèo của ấp. “Tôi chưa khá, giàu nhưng cuộc sống đã thoát nghèo. Tôi giúp đỡ người dân cũng muốn cuộc sống của họ đỡ khó khăn, vất vả, mau khá lên”, ông Lâm tâm sự.

Trong khi đó, hộ ông Đoàn Văn Đủ, ở ấp Sơn Phú 2A cũng là gia đình văn hóa tiêu biểu. Ngoài chấp hành tốt các quy định địa phương, hộ ông còn tham gia nhiều hoạt động xã hội. Cụ thể, hơn 2 năm qua, đoạn đường từ cầu Ba Nhàn đến đến kênh Mười Sơn dài khoảng 3km xuống cấp, hư hỏng, ảnh hưởng việc giao thương của người dân. Thấy vậy, đầu năm 2021, ông mua gần 10 khối đá để cùng với chính quyền địa phương giặm vá. Hay hồi tháng 9 vừa rồi, ông mua 20 phần quà để tặng cho những trường hợp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19...

Còn rất nhiều gương người tốt việc tốt tiêu biểu, gia đình văn hóa tiêu biểu của ấp Sơn Phú 2A, xã Tân Thành nói riêng, trên địa bàn thành phố Ngã Bảy nói chung đã chung tay cùng với địa phương giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn, thực hiện nhiều hoạt động an sinh xã hội, góp phần làm thay đổi bộ mặt của địa phương.

Theo ngành chức năng, những trường hợp tiêu biểu như trên không hẳn cuộc sống của họ đã đủ đầy, nhưng vì trách nhiệm với cộng đồng, muốn cùng nhau tiến bộ, phát triển nên tự nguyện tham gia, giúp đỡ.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngã Bảy cho biết, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm nay dự kiến UBND thành phố sẽ tặng giấy khen cho 30 gương người tốt việc tốt tiêu biểu, 19 hộ gia đình văn hóa tiêu biểu, đồng thời các xã, phường còn tặng giấy khen cho hàng chục tập thể, cá nhân có những đóng góp cho địa phương trong năm.

Cũng tại Ngày hội này, ban, ngành, địa phương tổ chức bàn giao nhà Đại đoàn kết cho những gia đình khó khăn về nhà ở; vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm tặng nhiều phần quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn...

“Chúng tôi sẽ thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến tình hình dịch Covid-19 để kịp thời thông báo, chỉ đạo các địa phương tổ chức đúng theo kế hoạch. Mong rằng người dân tiếp tục đồng hành cùng với các cấp ủy đảng, chính quyền để xây dựng thành phố Ngã Bảy ngày càng giàu đẹp, văn minh”, ông Du nói.

Thành phố Ngã Bảy có 14.203 hộ. Năm 2021, qua bình xét, thành phố có 96,29% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa; 884 hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa tiêu biểu; 3.561 gương người tốt việc tốt; 369 gương người tốt việc tốt tiêu biểu; 100% khu dân cư đạt chuẩn khu dân cư đảm bảo về an ninh trật tự; 100% ấp, khu vực đạt chuẩn văn hóa; 100% ấp, khu vực không có người vi phạm sản xuất, kinh doanh về an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>