Nhớ Tết ở trong cứ hồi đó...

23/01/2023 | 12:06 GMT+7

/uploads/Audio/News/2023/01/23/120958nhớ tết ở trong cứ hồi đó.mp3

Tết đang về trên khắp những nẻo đường quê hương. Trong suy nghĩ của mọi người, tết là dịp để nghỉ ngơi, sum vầy. Riêng những người đã từng đi qua thời chiến tranh, ký ức về tết luôn đong đầy nhiều câu chuyện gắn liền với lịch sử oai hùng của dân tộc, với tình quân dân, nghĩa đồng bào.

Thời chiến, ông Nguyễn Minh Đức không dám nghĩ đến một ngày mình được tri ân bằng nhiều huân chương, huy chương, bằng khen.

Những ngày xuân không quên

Một sáng cuối năm đến thăm nhà bà Nguyễn Thị Thu, ở xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, nhìn những bông mai vàng đua nhau nở trước sân nhà bà, chúng tôi chợt hỏi: “Hồi xưa ở chiến khu, cô Thu với đồng đội ăn tết ra sao vậy cô?”. Bà Thu, vốn là nữ cựu thanh niên xung phong của Quân khu 9, chậm rãi trả lời: “Có ăn tết gì đâu con, không có như bây giờ được họp mặt ăn uống linh đình. Ở trong cứ, tụi cô có gì ăn nấy, rồi các mẹ các chị gửi thêm đồ ăn vào để ăn, đơn sơ vậy thôi!”.

Đó là hình ảnh ngày tết ở những căn cứ gần chiến trường Lộ Vòng Cung - nơi được mệnh danh là “vành đai lửa” của vùng đất Cần Thơ, cũng như cả Khu 9 lúc bấy giờ. Với vị trí đặc biệt quan trọng, các cán bộ, chiến sĩ hoạt động tại Lộ Vòng Cung luôn đối mặt với khó khăn, nguy hiểm. Trong sinh hoạt hàng ngày, họ cũng chịu nhiều sự thiệt thòi, thiếu thốn. Những căn cứ nơi họ đóng quân thường ở xa người dân, nên ít khi được tiếp tế lương thực. Bữa ăn được họ tự “cải hoạt” bằng cách hái rau đồng, bắt chuột, bắt cá, mò tôm.

Ngày tết của bà Thu và đồng đội ở chiến khu này có phần đầy đủ hơn ngày thường. Các bà, các mẹ thương bộ đội, tìm cách gửi vào nào là bánh tét, bánh ít, nào là gà, vịt rồi thịt heo để kho tàu. Tuy không có đủ nguyên liệu để chế biến nhiều món đa dạng như bây giờ, nhưng bữa ăn ngày tết ở chiến khu luôn ấm áp tình đồng đội. Trong chiến tranh khốc liệt, ai cũng sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo, chia nhau gian khổ để cùng tiến về phía trước, để ngày độc lập gần hơn.

Có những mùa xuân không bao giờ quên, như trong ký ức của ông Văn Đình Thanh, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, cái tết đáng nhớ nhất có lẽ là Tết Mậu Thân năm 1968. Trong lịch sử dân tộc, Mậu Thân 1968 đánh dấu một cột mốc quan trọng của nước ta thời kháng chiến chống Mỹ. Ông Thanh lúc bấy giờ đang công tác tại lực lượng Biệt động Cần Thơ, là một cái tết mà ông cùng đồng đội chiến đấu quên mình ở bên trong “vành đai lửa”, nay thuộc địa bàn các quận Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thủy của thành phố Cần Thơ.

Ông Thanh kể: “Tết năm đó, chúng tôi cứ 3, 4 người sẽ gom lại ăn tết bằng một hộp sữa. Không phải một ngày mà là cả tuần lễ. Chúng tôi cứ pha nước loãng loãng để uống cầm hơi, không ai dám húp nhiều vì phải nhường nhịn nhau mà sống. Khi nhào vô đánh rồi thì chúng tôi nhịn đói nhiều ngày trời. Đồng đội tôi có 13 người mà hy sinh hết 7 người, 1 người bị bắt sống. Tôi chạy khỏi và bị mắc kẹt ở đó 15 ngày, đêm, súng hết đạn, tôi phải trốn tránh cho tới khi về được vùng giải phóng. Tôi lại tiếp tục đánh cho đến hết năm đó luôn”.

Ông Văn Đình Thanh thường xuyên viết hồi ký để lưu giữ lại những ký ức về thời chiến tranh.

Với những lực lượng đặc biệt như bà Thu, ông Thanh, cô chú cũng cần tết, mong được có những phút giây nghỉ ngơi, sum vầy cùng gia đình, người thân, nhưng vượt lên tất cả, khao khát được chiến đấu để giành lại độc lập cho dân tộc là trên hết. Với cô chú, ngày tết sẽ không thể trọn niềm vui nếu bóng giặc còn giày xéo quê hương.

Tình quân dân, nghĩa đồng bào !

“Bộ đội với dân như môi với răng”, đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Minh Đức, ở xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A. Ông Đức năm nay 73 tuổi, nhưng những lần được dân che chở trong thời gian hoạt động cách mạng, ông vẫn còn nhớ như in. Từng công tác ở Công an huyện Châu Thành (cũ), Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Huyện ủy Châu Thành A, nên ông Đức và đồng đội thường được người dân đùm bọc, nuôi nấng.

Ông Đức kể: “Hồi đó chúng tôi hay chia tổ, mỗi tổ đóng quân ở một ấp, sống cùng với người dân. Tết đến chúng tôi cùng dân tát đìa, tát mương bắt cá, bắt tôm càng. Một số nhà làm heo ăn rồi chia cho cả xóm, nhà nào có bộ đội thì mua nhiều thịt hơn. Chúng tôi còn gói bánh tét, bánh ít, nhiều anh bộ đội gói bánh khéo lắm. Có anh biết cắt tóc thì cắt tóc cho người dân, riêng tôi hồi đó có tài đan rổ tre, đi đâu cũng vót tre rồi đan cho dân xài, sau này gặp lại nhiều người còn nhắc”.

Sau khi nghỉ hưu, ông Trần Văn Sắc lại tiếp tục tham gia hoạt động xã hội để giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn.

Bộ đội ở cùng dân được dân lo, còn ở xa dân cũng nhiệt tình tiếp tế. Theo lời kể của ông Trần Văn Sắc, từng hoạt động cách mạng tại xã Long Bình (thị xã Long Mỹ ngày nay), ngày đó, ở đây có 4 ấp, trong khi các ấp Bình Thạnh, Bình An bị giặc tạm chiếm, lập ấp chiến lược, thì 2 ấp Bình Trung và Bình Hiếu, là nơi lực lượng cách mạng của ta đóng quân, thường bị địch tấn công, bao vây. Mặc nguy hiểm, mỗi dịp tết đến, bà con trong ấp chiến lược vẫn gói bánh tét, bánh lá dừa, chuẩn bị gà, vịt,… và tìm cách gửi cho lực lượng cách mạng.

Hình ảnh người mẹ, người chị tảo tần, tận tụy vì cách mạng đã đẹp hơn bao giờ hết qua những dịp tết như thế này. Gạt nước mắt đưa con em ra chiến trường, nhiều người mẹ, người chị còn tranh thủ lặn lội, tiếp tế cho lực lượng cách mạng trong căn cứ. Đội Biệt động thị xã Vị Thanh và nhiều đơn vị địa phương khác đóng quân tại khu vực Voi Ông Cả Mười, thuộc thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ ngày nay. Bà Phan Thị Nhạn, ở xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, từng là y tá của đội biệt động, cho biết: “Cứ tết đến là gia đình của mấy anh em trong đơn vị lại đem đồ ăn vô căn cứ, người thì gạo thóc, bánh mứt, người thì gà, vịt. Rồi người dân xung quanh biết các mẹ, các chị đi vào thăm bộ đội, lại gửi thêm bánh, trái”.

Những mâm cơm ngày tết đầy đủ, ấm áp tình quân dân cứ thế đi sâu vào ký ức của bà Nhạn và nhiều cán bộ, chiến sĩ hoạt động ở các đơn vị gần dân. Trong vòng tay đùm bọc của người dân, ngày tết của các lực lượng này cũng vui tươi hơn hẳn. Tạm gác lại những lo âu, căng thẳng của cuộc kháng chiến, ai cũng hồ hởi, lạc quan trước thời khắc chuyển giao năm mới. Tiếng chim hót hay một sắc mai vàng cũng làm cho cuộc đời cách mạng của mỗi người càng thêm phần thi vị. Trong không khí đó, sẽ thật thiếu sót nếu không có những câu ca, khúc hát.

Nhắc đến văn nghệ trong chiến khu, không thể nào thiếu được hình ảnh những đoàn văn công. Hễ nghe đoàn văn công đi đến đâu, là bộ đội và người dân lại háo hức đi đến đó để xem. Còn nếu không có đoàn, các đơn vị tự tổ chức đàn ca, thi diễn văn nghệ để tạo bầu không khí sôi nổi. Những ca khúc về cách mạng, những bài vọng cổ về tình yêu quê hương đất nước như: Anh Ba Hưng, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Cô gái vót chông, Giải phóng miền Nam,... cứ thế vang lên, hun đúc tinh thần lực lượng cách mạng ta.

Ngày tết ở chiến khu là những ngày luôn cảnh giác trước quân thù và hừng hực một khí thế phải đánh tan giặc, để cùng đồng chí, đồng đội, người dân được hưởng một cái tết trọn vẹn. Ai cũng ý thức được nhiệm vụ, trọng trách của mình nên dù ăn tết, cán bộ, chiến sĩ luôn đề cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu. Bởi hơn cả niềm vui ăn tết là niềm vui hòa bình cho dân tộc. Và niềm vui đó đã đến và lan tỏa trên khắp mọi miền Tổ quốc suốt 47 năm qua, với 47 mùa xuân độc lập, tự do, hạnh phúc.

Đi qua những mùa xuân ấy, bà Thu, bà Nhạn, ông Thanh, ông Đức, ông Sắc và nhiều cựu chiến binh, những chiến sĩ từng một thời làm cách mạng đã không khỏi tự hào xúc động xen lẫn nỗi nhớ ngày tết ở chiến khu, những ngày tết trong vòng tay của đồng đội và sự yêu thương của Nhân dân.

ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>