Vững tâm thế phục vụ

12/07/2021 | 09:36 GMT+7

Là quyết tâm của Đoàn ca múa nhạc dân tộc, trực thuộc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, khó tập trung toàn lực để xây dựng những chương trình mới...

Các chương trình chất lượng của Đoàn ca múa nhạc dân tộc từng biểu diễn phục vụ trước khi dịch bùng phát...

Nâng chất chương trình, chất lượng phục vụ

Trước đây, khi còn là đơn vị độc lập, Đoàn ca múa nhạc dân tộc luôn thể hiện sự chuyên nghiệp bằng việc xây dựng các chương trình nghệ thuật chất lượng để không chỉ phục vụ nhiệm vụ chính trị trong tỉnh, mà còn lưu diễn và tham gia các hội thi, hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc.

Sau khi sáp nhập, với tên Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, đoàn vẫn giữ tên - Đoàn ca múa nhạc dân tộc. Ông Lê Hoàng Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, từng là Trưởng đoàn, chia sẻ: “Dù đã sáp nhập nhưng tôi luôn động viên anh chị em luôn giữ sự chuyên nghiệp của mình, máu lửa với nghề, tự mình nâng cao trình độ chuyên môn, tư duy nghệ thuật, đảm đương những tiết mục xứng tầm. Lực lượng dù mỏng nhưng vẫn còn đội ngũ nòng cốt. Khi cần tập chương trình lớn, chúng tôi sẽ quy tụ thêm lực lượng cộng tác viên có chất lượng”.

Từ đầu năm đến nay, Đoàn ca múa nhạc dân tộc đã xây dựng chương trình nghệ thuật, biểu diễn phục vụ người dân dịp 3-2, 30-4 và biểu diễn phục vụ người dân vùng nông thôn. Qua đó, biểu diễn được 47 buổi, thu hút trên 21.000 lượt người xem, đạt hơn 50% kế hoạch năm.

Thời điểm này, là lúc các ca sĩ, diễn viên bận rộn để xây dựng chương trình mới. Tuy nhiên, với yêu cầu đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tránh tụ tập nên tiến độ chậm hơn so với dự kiến. Dù vậy, chương trình nghệ thuật năm đã được đầu tư và sẽ có hơn 10 tiết mục, trong đó có 2 bài đặt hàng các nhạc sĩ có tiếng, viết về Hậu Giang và du lịch Hậu Giang; việc tìm biên đạo cho những tiết mục đơn lẻ cũng như toàn chương trình đã được chuẩn bị. Thời điểm hiện tại, việc triển khai tập luyện vẫn chưa thể thực hiện, chỉ cầm chừng tập theo nhóm nhỏ, nhất là với các tiết mục cần biên đạo đến từ Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khác...

Dung hòa giữa công việc và gia đình

Hàng năm, đến thời điểm này, Đoàn ca múa nhạc dân tộc đã báo cáo chương trình nghệ thuật năm, đảm bảo công tác phục vụ các sự kiện nửa cuối năm, tham gia các cuộc thi cấp khu vực và toàn quốc. Năm nay cũng không ngoại lệ, nhưng do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc xây dựng chương trình không đúng như kế hoạch.

Các cuộc thi đã tạm dừng, nên các ca sĩ, diễn viên… rảnh hơn. Họ có thêm nhiều thời gian chăm chút cho gia đình, thay vì phải tập luyện, đi diễn, đi thi…, rất ít thời gian chăm chút cho mái ấm của mình. Lực lượng nghệ sĩ, diễn viên có thời gian chơi, học cùng con, phụ việc nhà, cùng nhau nấu những bữa cơm đầm ấm. Anh Nguyên Luân, diễn viên múa Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh, hồ hởi: “Đây là khoảng thời gian mình được nghỉ ngơi nhiều cùng gia đình, chăm sóc con cái, còn trước đây, cứ tập luyện, đi diễn, đi thi suốt”.

Dù vậy, việc xây dựng chương trình nghệ thuật năm vẫn được đảm bảo. Ông Lê Hoàng Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, cho biết thêm: “Chúng tôi đang xây dựng chương trình nghệ thuật năm, để tập luyện. Không tập trung đông thì có thể chia thành nhiều nhóm nhỏ như đã làm trong thời gian qua để đảm bảo tiến độ. Song song đó, mỗi cá nhân phải tự tạo điều kiện và sắp xếp thời gian cho mình để có thể nghiên cứu, học nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng nhu cầu phục vụ trong tình hình mới”.

Chia sẻ trên là điều mà mỗi ca sĩ, diễn viên phải chuẩn bị cho mình, nếu muốn bám trụ với nghề. Bởi chương trình nghệ thuật ngày càng được nâng chất, đòi hỏi khó hơn ở từng tiết mục, nhằm đảm bảo chất lượng, thu hút khán giả. Lúc này, dù an toàn sức khỏe là trên hết nhưng các ca sĩ, diễn viên càng ý thức hơn và dành quỹ thời gian quý giá để nghiên cứu sâu chuyên môn, tự rèn giọng hát, điệu múa vừa tôi rèn, vừa giữ cho mình ngọn lửa và tình yêu nghệ thuật...

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>