Phát huy đờn ca tài tử qua hội thi đặc biệt

19/11/2021 | 09:52 GMT+7

Đờn ca tài tử ở Hậu Giang đang và sẽ tiếp tục được phát huy theo cách mới, hứa hẹn tạo được sự lan tỏa...

Đờn ca tài tử sẽ tận dụng công nghệ thông tin để phát huy giá trị loại hình nghệ thuật độc đáo này. (Ảnh chụp trước đợt dịch)

Cách tổ chức mới

Hội thi Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Hậu Giang năm 2021 năm nay rất đặc biệt. Vì tình hình dịch bệnh, khó có thể tổ chức thi trực tiếp, nên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức dưới hình thức sản phẩm video và chấm qua sản phẩm cùng sự đánh giá của khán giả trên mạng xã hội với sản phẩm đó...

Mỗi đơn vị sẽ xây dựng chương trình ít nhất 35 phút, đảm bảo đầy đủ các điệu thức: Nam, Bắc, Hạ, Oán, Vọng cổ nhịp 16 hoặc nhịp 32; bắt buộc phải có 1 tiết mục hòa đờn và 1 tiết mục ca ra bộ; mỗi ban nhạc phải có từ 3 nhạc cụ trở lên. Chủ đề ca ngợi quê hương, đất nước, thành tựu của địa phương, mùa xuân, tình yêu đôi lứa….

Hội thi tiếp tục là dịp để ngành văn hóa rà soát, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống các câu lạc bộ đờn ca tài tử ở địa phương, tạo điều kiện cho nghệ nhân đờn, ca được giao lưu trong thời điểm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nhưng vẫn đảm bảo an toàn.

Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, cho biết: “Chúng tôi muốn các nghệ nhân được trải nghiệm với cách thi mới, vừa phát huy tính sáng tạo, vừa tạo điều kiện cho mỗi đơn vị ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các thủ pháp nghệ thuật, kỹ xảo để nâng tầm chất lượng. Quy định mỗi đơn vị sẽ xây dựng chương trình bằng sản phẩm video và gởi về Ban tổ chức. Chúng tôi sẽ thành lập Ban giám khảo và chấm trên sản phẩm này”.

Cùng với việc chấm trực tiếp các sản phẩm, Ban giám khảo còn chấm trên sự tương tác của khán giả bằng số lượng người thích (like), khi các sản phẩm được giới thiệu trên trang fanpage và YouTube của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh. Các đơn vị cũng có thể thu hút nhiều lượt khán giả bình chọn cho sản phẩm của đơn vị mình qua fanpage của từng đơn vị.

Nhập cuộc nhanh, hứa hẹn ấn tượng

Ông Lê Thành Vĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, chia sẻ: “Là đơn vị trực tiếp triển khai kế hoạch tổ chức cho hệ thống trung tâm văn hóa xây dựng chương trình tham gia, lúc đầu tôi cũng lo không biết các đơn vị có đảm bảo thực hiện các chương trình theo yêu cầu của cuộc thi hay không? Tuy nhiên, theo quan sát, các đơn vị đã bắt nhịp rất nhanh và có sự đầu tư khá đồng bộ, từ việc xây dựng kịch bản chương trình bám sát nội dung, chủ đề đến việc tổ chức quay hình, thu âm…, hứa hẹn mang đến những sản phẩm độc đáo, sáng tạo”.

Đến thời điểm này, các đơn vị đã hoàn tất các sản phẩm dự thi để gởi về Ban tổ chức, để trong vài ngày tới, tất cả các chương trình dự thi sẽ được chấm và giới thiệu trên mạng xã hội.

Nghệ nhân Huỳnh Thị Hoa Đậm, đơn vị thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Chúng tôi chia ra nhóm để tránh tụ tập đông người và chọn quay ở các di tích lịch sử trên địa bàn, sát với chủ đề mà đơn vị xây dựng. Các nghệ nhân đã rất vui, vì dù không được trực tiếp lên sân khấu biểu diễn, nhưng cũng có cách để thể hiện niềm đam mê của mình. Chúng tôi đã rất nỗ lực, với mong muốn đem đến một sản phẩm ấn tượng, mang đậm nét riêng của đất và người Vị Thanh”.

Sự bỡ ngỡ ban đầu đã nhanh chóng khắc phục, bởi lẽ trong những năm gần đây, trong các hội thi, hội diễn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã có một bước yêu cầu các đơn vị phải ứng dụng công nghệ thông tin để nâng tầm chất lượng. Đây là xu thế bắt buộc để không chỉ tạo nên chất lượng cho những chương trình nghệ thuật, mà nâng cao hiệu quả tuyên truyền.

Hội thi lần này hứa hẹn sẽ mở ra hướng tiếp cận với những tiến bộ của công nghệ để tạo sức lan tỏa.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>