Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” vượt khó

02/08/2021 | 07:55 GMT+7

“Đại sứ văn hóa đọc” lần thứ ba được tổ chức, rơi đúng thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nên gặp không ít khó khăn, nhưng Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có cách làm phù hợp...

Nhiều tác phẩm lần này thể hiện sự tư duy, sáng tạo.

Đông về số, nâng về chất

Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi, cho biết: “Chúng tôi xây dựng kế hoạch sớm, chủ động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo để phát động rộng rãi trong hệ thống trường học trên địa bàn. Cuộc thi được phát động từ tháng 3, chỉ trong 2 tháng, đã nhận được các bài thi có sự chuẩn bị, đầu tư chỉn chu, nhiều hơn năm trước gần 800 bài. Điều này đã thể hiện được sự quan tâm của các trường với cuộc thi, đặc biệt là sự hào hứng tham gia của các em học sinh, sinh viên”.

Năm nay, lần đầu tiên cuộc thi nhận được số lượng bài nhiều nhất trong các lần tổ chức: 5.453 bài đến từ các em của 63 trường tiểu học, THCS, THPT và trường cao đẳng trên địa bàn. Các trường có bước chọn lọc trước khi gởi về cho Ban Tổ chức cuộc thi, từ đó giảm tối đa những hạn chế mà các lần trước vấp phải: bài giống nhau, lạc đề, trả lời không đủ 2 câu trong một đề… Khi có sự chọn lọc, đồng nghĩa với sự quan tâm của nhà trường dành cho cuộc thi, từ đó có sự chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ, tạo điều kiện để các em tham gia. Các bài thi còn được kiểm tra, chọn lọc bước đầu, để đảm bảo đúng yêu cầu của Ban tổ chức cuộc thi. Điều này không chỉ nâng chất từng bài viết, còn tạo nên chất lượng chung cho cuộc thi.

Cuộc thi đã thể hiện một hướng đi đúng, từng bước tạo được sự lan tỏa, thể hiện số lượng đông và chất lượng nâng lên qua từng lần tổ chức. Từ đó, góp phần khơi dậy được hứng thú, niềm đam mê đọc và nghiên cứu sách, khả năng tư duy, sáng tạo của các em học sinh, sinh viên, tạo được cho các em một sân chơi lành mạnh, bổ ích ngay trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng.

Khơi dậy tình yêu, sự sáng tạo

Năm nay, các em được chọn 1 trong 2 đề bài để thể hiện. Mỗi đề bài đều có một câu hỏi chung: Là có kế hoạch và biện pháp gì để khuyến khích các bạn và mọi người đọc sách? Câu còn lại là chia sẻ về một quyển sách hay và sự ảnh hưởng của quyển sách với bản thân, sáng tác một tác phẩm để khích lệ mọi người đọc sách, viết tiếp lời cho một câu chuyện hoặc một quyển sách mà đã đọc. Tất cả các câu hỏi đều yêu cầu sự tư duy và sáng tạo.

Thí sinh được thỏa thích nói lên những suy nghĩ của mình, kể cả những điều còn tồn tại ở những thư viện công cộng, cũng như thư viện trong hệ thống trường học.

Theo đánh giá sơ bộ của Ban Giám khảo, các bài viết đã thể hiện sự quan tâm đầu tư có chiều sâu của các em học sinh, sinh viên. Các em đã thể hiện tư duy, đào sâu tìm hiểu và thể hiện suy nghĩ của mình một cách chững chạc, sâu sắc, đầy thông minh. Nhiều thí sinh mạnh dạn chọn bộ đề khó, vượt lên trên sự chia sẻ suy nghĩ của bản thân về một quyển sách hay, với nhiều hình thức đa dạng, từ dạng bài luận, sáng tác thơ, vẽ tranh minh họa có lời Việt - Anh… Đặc biệt, có nhiều bài viết thể hiện suy nghĩ sâu sắc, hiến kế để phát huy phong trào đọc sách trong nhà trường cũng như những giải pháp để phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng.

Bà Trần Tuyết Hận, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh, cho biết: Thư viện đã tập hợp tất cả các bài dự thi, chia theo từng nhóm chủ đề, giúp cho Ban Giám khảo chấm thi dễ dàng và thuận tiện hơn. Dự kiến sẽ chấm vào trao giải trong tháng 8, để chọn những bài viết xuất sắc dự thi cấp toàn quốc.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>