Giữ truyền thống làm giấy washi ở Nhật Bản

13/07/2021 | 08:42 GMT+7

Giấy washi là một loại giấy truyền thống có lịch sử lâu đời và làm chất liệu cho nhiều loại hình nghệ thuật của Nhật Bản.

Các công đoạn làm giấy washi đều có bàn tay người nghệ nhân tham gia. Nguồn: THE JAPAN TIMES

Một trong những loại giấy washi lâu đời nhất tìm thấy ở thành phố Mino. Nơi đây chỉ còn 8 nghệ nhân có thể làm ra loại giấy washi tinh khiết nhất, chiếm 10% tổng số giấy làm ra trong thành phố. Để có thể làm ra loại giấy chất lượng cao và được công nhận, thợ làm giấy phải được đào tạo ít nhất 10 năm. Takeshi Kano, nghệ nhân làm giấy washi tinh khiết cho biết: Giấy này cần dùng các nguyên liệu là cây kozo (cây thân gỗ thuộc họ dâu tằm), neri (một loại chất nhầy nguồn gốc thực vật) và nước.

Gỗ làm giấy khi thu về được nấu chín để loại tạp chất, bụi bẩn, sau đó đập giập để làm mềm sợi và trộn chung với nước, neri để tạo thành bột giấy. Công đoạn quan trọng nhất để tạo thành hình tờ giấy là dát mỏng, người ta trải đều bột giấy vào tấm thảm và cố định trong khung tre để nước rút dần tới khi đạt kích thước và độ dày lý tưởng. Giấy để khô qua đêm, tách bớt sợi thô và phơi nắng là hoàn tất. Tất cả công đoạn này đều được thực hiện thủ công.

Sử dụng các loại cây có sợi dai và bền nên giấy washi có kết cấu chắc chắn và độ thấm hút thích hợp cho viết thư pháp cũng như thể hiện các tác phẩm nghệ thuật bằng mực khác. Vì giấy mỏng, ánh sáng có thể xuyên qua được, lại có độ dai nên còn sử dụng làm tấm chắn ở cửa sổ hay cửa ra vào, dán lồng đèn. Không chỉ có tính ứng dụng cao, đây là loại giấy thân thiện với môi trường bởi nguyên liệu khi thu hoạch về làm giấy chỉ cần những cành cây chứ không cần chặt toàn bộ cây và giấy có thể phân hủy sinh học. Năm 2014, giấy washi được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.

T.NGỌC (theo National geographic)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>